Hủy
Thế giới

Trung Quốc xây con đường tơ lụa qua Nga

Thứ Năm | 02/10/2014 06:16

Trung Quốc sẽ chuyển một bộ phận sản xuất từ miền nam lên miền bắc trong khuôn khổ tăng cường hợp tác với Nga.
 
 
Trung Quốc sẽ chuyển một bộ phận sản xuất từ miền nam lên miền bắc trong khuôn khổ tăng cường hợp tác với Nga.

Đó là tuyên bố của Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy đảng Cộng sản Trung Quốc của tỉnh Hắc Long Giang, ông Wang Syankuy. Ông nhấn mạnh rằng ở Trung Quốc hiện nay đang khuyến khích tạo lập xí nghiệp liên doanh với các hãng lớn của Nga.

Chương trình hợp tác giữa các khu vực của vùng Viễn Đông Nga và đông-bắc Trung Quốc được tính đến năm 2018 và dự trù thành lập liên doanh khai thác mỏ và sản xuất công nghiệp ở khu vực ven biên giới hai nước. Quả thực, phần lớn các dự án khai thác khoáng sẽ thực hiện trên lãnh thổ Nga. Về phần mình, tỉnh Hắc Long Giang tham gia khâu sản xuất. Ông Wang thông báo rằng chính quyền Trung Quốc quan tâm đặc biệt đến việc sử dụng nguồn tài nguyên của Nga để gia công hàng hóa trên lãnh thổ CHND Trung Hoa. Cũng dành cho mục tiêu đó mà cần thiết tạo lập nền tảng công nghiệp vững vàng ở vùng đông-bắc Trung Quốc.

Bí thứ thứ nhất tỉnh đảng bộ Cộng sản Hắc Long Giang lưu ý rằng biện pháp này hướng tới điều chỉnh sự phát triển công nghiệp của Nga và Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc từ các tỉnh miền nam dự định xuất khẩu sản phẩm của họ sang Nga và các nước khác ở châu Âu. Tuy nhiên, để giảm bớt tốn phí vận chuyển hàng hoá, đã có quyết định chuyển các xí nghiệp sản xuất đến địa bàn gần biên giới Nga. Mặt khác, biện pháp này sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc tháo gỡ cả những vấn đề kinh tế nội địa, - như nhận xét của ông Andrei Ostrovsky Phó Giám đốc Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga.

“Cho đến nay, 50% GDP của Trung Quốc được sản xuất tại các khu vực miền đông-nam. Tỷ lệ của các tỉnh thành vùng đông- bắc chỉ có 8%. Thế mà khu vực này lại là cơ sở công nghiệp kỳ cựu của Trung Quốc, đã được thiết lập ngay trong những năm đầu thế kỷ 20. Hiện giờ Bắc Kinh cố gắng làm cân bằng sự phát triển của nền kinh tế, thu hẹp bớt khoảng cách to lớn giữa vùng phát triển phía đông-nam và khu vực lạc hậu ở miền bắc Trung Quốc”.

Để đảm bảo lưu thông thuận lợi cho số hàng hóa sản xuất ở vùng đông-bắc, Trung Quốc đã chi hơn 27 tỷ USD cho việc xây dựng đường sắt đến tận biên giới Nga. Chính quyền Trung Quốc công nhận rằng dời chuyển các xí nghiệp từ miền nam lên miền bắc và tạo lập cơ sở hạ tầng giao thông là một bộ phận trong khái niệm vành đai kinh tế Con đường tơ lụa vĩ đại mà Chủ tịch Tập Cận Bình nêu ra một năm về trước khi ở Kazakhstan. Và Nga cần tham gia tích cực vào việc thực thi khái niệm này, - chuyên viên Andrei Ostrovsky Phó Giám đốc Viện Viễn Đông (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) nhận định.

“Nga nhất thiết phải tham gia vào đề án hồi sinh Con đường tơ lụa. Bởi vì dọc theo con đường này có thể tạo ra các khu kinh tế, các nhà máy công nghiệp và xí nghiệp chế biến. Những cơ sở đó sẽ có sức cạnh tranh nhờ bố trí sát gần tuyến đường thương mại quan trọng nhất”.

Hiển nhiên, công cuộc hồi sinh Con đường tơ lụa sẽ đem lại lợi ích trước hết là cho Trung Quốc. Nhờ tuyến đường này sẽ nâng cao đáng kể thế lực kinh tế của Trung Quốc, cả ở Trung Á và châu Âu.

Hiện đang có một số phương án lựa chọn khi thiết kế hành trình của tuyến đường này. Nhưng nếu vành đai kinh tế của Con đường tơ lụa chạy qua địa bàn Nga, thì có thể cấp xung lực đẩy tăng đáng kể đà phát triển của vùng Viễn Đông và Đông Siberia. Hiện tại trong khu vực này của Nga tỷ lệ lớn thuộc về ngành công nghiệp khai thác mỏ, nhưng sau đây có thể xuất hiện nhiều cơ sở chế biến, sản xuất thương mại và xí nghiệp vận tải, nâng tỷ lệ đáng kể về GDP của khu vực. Còn Trung Quốc đến lượt mình sẽ nhận được một hành lang giao thông ưu việt, cho phép giảm từ 7-10 ngày trong chu trình đưa hàng hóa sang châu Âu.

Nguồn Theo DVO/VOR


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới