Xuất khẩu của Trung Quốc có dấu hiệu khởi sắc
Nguồn ảnh: CNBC
Khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục chùn bước, sự quan tâm đến nguồn cung y tế là một dấu hiệu đáng khích lệ đối với Trung Quốc. Xuất khẩu hàng hóa vốn là một phần quan trọng trong nền kinh tế, cũng như tạo ra hàng triệu việc làm. Các nhà kinh tế cho rằng, nhu cầu đối với các sản phẩm liên quan đến COVID-19 như khẩu trang, đã giúp Trung Quốc xuất khẩu nhiều hơn dự kiến.
Mặc dù các dữ liệu báo cáo của Trung Quốc thường xuyên bị nghi ngờ nhưng lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc lại tăng trong tháng 4 và giảm ít hơn dự báo trong tháng 5. Điều này không khỏi làm cho các nhà kinh tế ngạc nhiên.
Ông Bruce Pang - Giám đốc Nghiên cứu chiến lược tại China Renaissance cho biết, Trung Quốc sẽ tăng thị phần trong các nguồn cung phòng chống dịch bệnh. Dự kiến xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh một khi làn sóng COVID-19 mới bùng phát trên toàn cầu.
Ông James Zhao - Tổng giám đốc chuỗi cung ứng toàn cầu của Cainiao phát biểu, “Vì cuộc khủng hoảng y tế trong vài tháng qua, chúng ta đã thấy nhu cầu cao đối với PPE (thiết bị bảo vệ cá nhân)”.
Công ty Cainiao là cánh tay logistics đắc lực của Alibaba, dự đoán rằng hạng mục PPE sẽ là một trong những lĩnh vực tăng trưởng của doanh nghiệp. Cainiao cũng có kế hoạch mở rộng nhanh chóng trong ba năm tới để vượt qua UPS của Mỹ, trở thành công ty logistics xử lý bưu kiện hàng đầu trên thế giới theo khối lượng hàng ngày.
Ông Zhao chia sẻ trong một cuộc trò chuyện với Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP), “chúng tôi hy vọng nhu cầu về PPE sẽ ổn định trong vài tháng tới”. Hiện tại, Cainiao đang hợp tác với WFP để phân phối vật tư y tế toàn cầu.
COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện vào cuối năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc. Khi dịch bệnh bắt đầu lây lan nhanh chóng ở Trung Quốc, hơn một nửa nước này đã gia hạn thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Kinh tế Trung Quốc đã suy giảm 6,8% trong quý đầu tiên của năm 2020.
Chính trong thời điểm đó, sự gia tăng nhu cầu trong nước đối với khẩu trang và các vật tư y tế khác đã gây ra sự thiếu hụt nghiêm trọng. Điều này buộc Trung Quốc phải tái sử dụng năng lực sản xuất hiện có và tăng nhập khẩu hàng hóa.
Vào tháng 3, sự lây lan của virus Corona đã được ngăn chặn ở Trung Quốc, trong khi đó các ca nhiễm lại liên tục tăng ở nước ngoài. Vào ngày 11.3, WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Trong tuần này, WHO cho biết đại dịch ngày càng trở nên trầm trọng và thậm chí không thể kết thúc.
Hơn 514.000 người đã chết vì đại dịch trên toàn thế giới. Trong đó, Mỹ chiếm gần một phần tư số ca tử vong. Số người chết ở Trung Quốc chỉ hơn 4.600 người.
Trong khi Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại và tìm cách đưa nền kinh tế của mình đi lên, thì sự lây lan của COVID-19 dẫn đến giới hạn hoạt động kinh tế ở nước ngoài đã ảnh hưởng đến nhu cầu thế giới đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Theo số liệu chính thức, xuất khẩu nói chung đã giảm 7,7% trong 5 tháng đầu năm so với cùng kì năm ngoái. Riêng xuất khẩu thiết bị y tế lại tăng 28,5%.
Nhu cầu toàn cầu về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc đã thúc đẩy các công ty đăng ký chứng nhận ở nước ngoài.
Tập đoàn Genetron có trụ sở tại Bắc Kinh, chuyên phát triển các phương pháp điều trị ung thư dựa trên DNA đã tuyên bố vào đầu tháng 6 rằng, họ nhận được ủy quyền sử dụng khẩn cấp từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho một bộ kit xét nghiệm COVID-19. Sự chấp thuận này được đưa ra chỉ vài tháng sau khi bộ kit xét nghiệm của tập đoàn này nhận được dấu chứng nhận CE của Liên minh châu Âu. Chứng nhận CE đảm bảo rằng một sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về sức khỏe và an toàn.
Ông Sizhen Wang - CEO của Tập đoàn Genetron cho biết: “Bộ công cụ này sẽ trở thành tiềm năng tăng doanh thu của chúng tôi trong năm 2020”. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng Genetron vẫn tập trung vào các phương pháp điều trị ung thư.
Kinh tế Trung Quốc suy giảm 6,8% trong quý I năm 2020. Nguồn ảnh: Reuters. |
Hướng sang các thị trường khác ngoài Mỹ
Trong khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại và công nghệ vẫn tiếp tục leo thang, nhiều công ty vật tư y tế Trung Quốc đã chủ động xuất khẩu sang các quốc gia khác ngoài Mỹ.
Phòng Thương mại và Xuất Nhập khẩu Thuốc và Sản phẩm Y tế Trung Quốc công bố rằng nhiều công ty Trung Quốc đã nhận được dấu chứng nhận CE Châu Âu hơn cả FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) hoặc thậm chí là ủy quyền sử dụng khẩn cấp của Mỹ. Trong đó, các loại khẩu trang, máy thở, nhiệt kế hồng ngoại và bộ dụng cụ xét nghiệm đều nằm trong danh sách được công bố.
Vào tháng 5, công ty Công nghệ Y tế Wandong (WDM) có trụ sở tại Bắc Kinh đã xuất khẩu vài trăm máy X-quang di động giúp phát hiện virus Corona.
Theo WDM, các nước nhập khẩu thiết bị y tế của họ bao gồm Tây Ban Nha và Ý, các quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ, nhưng không phải là Mỹ do thiếu sự chấp thuận của FDA. Dựa trên độ bao phủ thị phần, công ty WDM theo đuổi chứng nhận CE của châu Âu chứ không phải là Mỹ cho thiết bị y tế này.
Sự thiếu chắc chắn dài hạn
Nhu cầu dài hạn đối với vật tư y tế của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng. Cho đến nay, việc thúc đẩy xuất khẩu nói chung vẫn bị hạn chế do các sản phẩm vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số tiền xuất khẩu.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Trung Quốc – ông Ting Lu cho biết: “Nhu cầu đối với các sản phẩm y tế liên quan đến COVID-19 ở nước ngoài có thể đã đạt đến đỉnh điểm vào cuối tháng 5”. Ông dự đoán, xuất khẩu sẽ giảm 8% trong tháng 6.
Hôm 30.6, Trung Quốc cho biết hoạt động sản xuất đã mở rộng vào tháng 6 với Chỉ số quản lý mua hàng chính thức là 50,9 điểm. Tuy nhiên, chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới là 42,6 vẫn nằm trong vùng bị thu hẹp.
Việc vội vàng tái sử dụng các nhà máy để sản xuất những sản phẩm liên quan đến COVID-19 và đổ dồn các nguồn lực khác vào chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc nói chung có thể bị lãng phí, nếu các biện pháp hỗ trợ của chính phủ không được thực hiện kịp thời.
Ông Sam Radwan của công ty tư vấn quản lý Enhance International cho biết, “Không có nghi ngờ gì về vấn đề này, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc đang hết sức nóng đỏ. Có rất nhiều tiền đang được đổ vào các công ty khởi nghiệp và thậm chí các công ty hiện có để các công ty này có thể chuyển sang tận dụng lợi thế từ nhu cầu rất lớn về chăm sóc sức khỏe trong nước.
Tuy nhiên, ông Radwan cũng chia sẻ, “theo quan điểm của tôi, bạn có thể đổi mới công nghệ theo tất cả những gì bạn muốn. Nhưng bạn có thể bị cản trở bởi thực tế là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp”.
Có thể bạn quan tâm:
► Nợ nần bủa vây người dân Mỹ hậu COVID-19
► Ấn Độ gây trở ngại cho tham vọng toàn cầu của các công ty công nghệ Trung Quốc
Nguồn CNBC
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư