Hủy

Gong Cha thận trọng nhượng quyền

Viết Nguyên Thứ Tư | 30/05/2018 09:00

Trà sữa đang trở thành thức uống được giới trẻ ưa chuộng. Ảnh: Thiên Ân

 
 
Dù có ưu thế về thương hiệu nhưng chuỗi trà sữa Gong Cha lại đang rất chậm trong việc mở rộng quy mô.

Ngày 25.5, Gong Cha khai trương cửa hàng trà sữa mới ở quận 2, nâng tổng số cửa hàng trà sữa của Gong Cha ở Việt Nam lên con số 37. So với các thương hiệu trà sữa khác như Ding Tea, Toco Toco, Tiên Hưởng... thì quy mô mở chuỗi này còn khiêm tốn. Chẳng hạn, tính đến nay, Toco Toco mở hơn 100 cửa hàng, Ding Tea mở được 91 cửa hàng, Tiên Hưởng khoảng 50 cửa hàng. Tuy vậy, ông Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Công ty Golden Trust, đơn vị nhận nhượng quyền và quản lý, vận hành chuỗi Gong Cha ở Việt Nam tin rằng, hướng đi của mình chậm mà chắc.

Tiền tỉ mở quán trà
Gong Cha là thương hiệu trà sữa lâu đời và nổi tiếng ở Đài Loan. Thương hiệu này đã nhượng quyền ra thế giới và đến nay, phát triển gần 3.000 cửa hàng khắp 20 quốc gia. Riêng ở Việt Nam, Gong Cha xuất hiện từ năm 2014, với cửa hàng trà sữa đầu tiên đặt tại Hồ Tùng Mậu, quận 1.

Ở thời điểm ấy, theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoài Phương, dù thị trường đã xuất hiện một số cửa hàng trà sữa của Ding Tea, Toco Toco..., nhưng người tiêu dùng hầu như chưa biết gì về trà sữa theo mô hình chuỗi. Mặc dù vậy, với sở thích về ẩm thực, ưa chuộng trà sữa, đi đây đi đó nhiều nên khi thưởng thức trà sữa của Gong Cha ở Đài Loan, ông Phương nhận thấy hương vị trà sữa này ngon và lạ hơn rất nhiều so với các loại trà sữa mà ông từng uống tại Việt Nam.

Lúc bấy giờ, dù tự nhận thấy mình không có kiến thức gì về ngành kinh doanh đồ uống và thực phẩm (F&B), ông Nguyễn Hoài Phương vẫn muốn đem trà sữa Gong Cha về Việt Nam. Ông Phương đã đặt vấn đề với Gong Cha và “thật may mắn, tôi đã gặp nhà sáng lập Gong Cha. Sau buổi ăn trưa và trò chuyện, phía Gong Cha đã đồng ý”.

Theo thỏa thuận đôi bên, Golden Trust là đại diện độc quyền của Gong Cha tại Việt Nam. Ông Phương không chia sẻ mức phí nhượng quyền nhưng tiết lộ đó là con số không nhỏ. Đổi lại, Golden Trust nhận thương hiệu, công thức, nguyên liệu, quy trình, các tiêu chuẩn hoạt động, vận hành và các chương trình tập huấn đào tạo từ Gong Cha để phát triển hệ thống tại Việt Nam.

Gong Cha than trong nhuong quyen
 

Ngoài chi phí nhượng quyền, chuỗi Gong Cha Việt Nam còn phải bỏ tiền ra để đầu tư mặt bằng, trang trí, mua sắm trang thiết bị. Chi phí trung bình mở cửa hàng trà sữa ở nhiều nơi hiện khoảng 4-6 tỉ đồng. Nhưng theo ông Phương, con số này còn tùy vào mức độ đầu tư của các đơn vị nên rất vô chừng. Như ở Gong Cha, ông Phương quan tâm nhiều đến sự tiện lợi, dễ chịu cho khách hàng. Và Gong Cha thường chọn các vị trí mặt bằng không quá ồn ào, rộng rãi, thuận tiện vào ra, có chỗ để xe, có khu vực vệ sinh riêng. 

Ông Phương cũng chú ý đến không gian chỗ ngồi sao cho thoải mái và đầu tư nhiều máy lạnh đảm bảo mát mẻ. Đối với đầu tư thiết bị, ngoài mua sắm những vật dụng cần thiết, Gong Cha còn đầu tư thêm tủ làm đá, máy lọc nước. Do đó, chi phí đầu tư ở Gong Cha có thể cao hơn mức trung bình. 

Buổi ban đầu, do trà sữa còn chưa phổ biến nên cửa hàng Gong Cha hoạt động cầm chừng. Nhưng khi thị trường trà sữa bùng nổ và thương hiệu Gong Cha được nhận biết nhiều hơn ở Việt Nam, sau khoảng một năm rưỡi, Gong Cha đã bắt đầu có lãi. Một số cửa hàng trà sữa như Tiên Hưởng, Ding Tea... cũng ghi nhận lợi nhuận sau 1-1,5 năm hoạt động.

Cẩn trọng nhượng quyền
Hiện tại, trà sữa đã trở thành thức uống quen thuộc của nhiều đối tượng, nhất là tuổi teen và giới văn phòng. Có khoảng 30 thương hiệu trà sữa đang hoạt đông tại Việt Nam với trên 1.500 cửa hàng. Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hằng năm 20% và từ 2 năm trước, đã đạt quy mô 282 triệu USD. Vì thế, không riêng trà sữa của Đài Loan (The Alley, Gong Cha, Dingtea, Tiên Hưởng, Coco, Bobapop, Sharetea, R&B Tea, Maku, Chachago, Uncle Tea, OneZo) mà mô hình trà sữa ở nhiều nước cũng đổ vào Việt Nam. Có thể kể ra các tên tuổi như Koi Thé (Singapore), Royal Tea, Comebuy, Heekcaa (Hồng Kông), Goky, Ryucha (Nhật), Chamichi, Milktea Guy (Thái Lan), Britea (Anh), Meet & More (Hàn Quốc)... 

Trong nước, bên cạnh hàng trăm thương hiệu trà sữa của Việt Nam như Hoa Hướng Dương, Coco, Hot & Cold, Like, Alo Trà, Hebes... và rất nhiều tiệm trà sữa tự phát mọc lên thì các chuỗi cửa hàng tiện lợi như Ministop, FamilyMart và các siêu thị như Co.opmart, Aeon cũng bán trà sữa. Ngay những cửa hàng café như Phúc Long, Highland, The Coffee House cũng phục vụ món đồ uống được giới trẻ yêu thích này. Trong một thị trường trà sữa đầy nhộn nhịp đó, Gong Cha vẫn được xem là thương hiệu lớn với lượng khách được phía Gong Cha xác nhận là đông và ổn định.

Dù mô hình cửa hàng Gong Cha đòi hỏi đầu tư lớn, ngay ống hút, ly nhựa cũng phải nhập khẩu, dẫn đến mức lãi ròng ở Gong Cha chỉ khoảng 10-15%, thấp hơn nhiều so với mức 50-60% của nhiều nơi nhưng một số nhà đầu tư đã đặt vấn đề nhận nhượng quyền Gong Cha từ Golden Trust. Theo tiết lộ của ông Phương, có 3 đối tác nhận nhượng quyền Gong Cha và gần một nửa số cửa hàng Gong Cha hiện nay là của bên nhận nhượng quyền. Gong Cha Việt Nam hiện chỉ mở khoảng 50% tổng cửa hàng.

Ông Phương không cho biết các chi phí nhượng quyền. Nhưng như của Dingtea, phí nhượng quyền vĩnh viễn là 20.000USD, còn ở Toco Toco khoảng 160-300 triệu đồng/cửa hàng tùy địa điểm và trong 3 năm. Đó là chưa nói đến các chi phí giám sát, quản lý thương hiệu, phí nguyên liệu, máy móc thiết bị pha chế, phí nhân công... Với thương hiệu lớn, chi phí nhượng quyền của Gong Cha chắc chắn không thấp hơn.

Thực tế, dù là cửa hàng tự mở hay nhượng quyền thì Gong Cha Việt Nam vẫn thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát, để đảm bảo chuẩn mực của Gong Cha được thực hiện đồng nhất tại mọi cửa hàng. Gong Cha có những chế tài nếu đối tác vi phạm. Nhưng nguyên tắc ông Phương đặt ra là chỉ cần phía đối tác vi phạm quy định về nguyên liệu như sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thêm bớt liều lượng... thì sẽ tước giấy phép nhượng quyền. 

Ngoài ra, trước khi đàm phán đi đến nhượng quyền, ông Phương luôn có những trao đổi để nắm rõ quan điểm kinh doanh của đối tác. Nếu đó là người mong muốn kiếm tiền nhanh, nhiều từ trà sữa thì ông Phương sẽ hạn chế bắt tay. Bởi theo ông Phương, tuy ra kinh doanh ai cũng phải đặt mục tiêu lợi nhuận nhưng riêng trong lĩnh vực ẩm thực, nếu quá coi trọng lợi nhuận thì rất dễ bị lòng tham dẫn dắt, sẽ đi đến gian dối, cẩu thả trong bán hàng, phục vụ, làm giảm chất lượng và cả nguy hại đến sức khỏe khách hàng.

Ông Phương không phủ nhận, trà sữa là thức uống không tốt cho những người cần kiêng đường, ngọt. Vì thế, dù không ai bắt buộc thì trên website của Gong Cha vẫn có thêm thông tin calories của từng sản phẩm, để người tiêu dùng có thêm tư vấn và chọn lựa.

Kinh doanh trà sữa cũng là lĩnh vực liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng, dễ gặp rủi ro liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm và những rủi ro bất khả kháng như ẩu đả, mất cắp tài sản khách hàng. Vì thế, nếu không có tâm huyết, theo ông Phương, người chủ sẽ dễ bỏ cuộc hoặc tha hóa.

Hiện tại, trong mỗi một chăm chút phục vụ khách hàng, ông Phương xem như khác biệt và là cách thức để thu hút người tiêu dùng đến với mình. Theo ông, Gong Cha không quan tâm đến yếu tố cạnh tranh và đối thủ. Bởi vì trong thị trường trà sữa với rất nhiều khẩu vị, cách thức khác nhau, sự đa dạng về người bán là cần thiết. Vấn đề của mỗi thương hiệu trà sữa là làm sao để đạt chất lượng và mức giá phù hợp, lôi cuốn người tiêu dùng lựa chọn. 

Trên cơ sở này, định hướng của Gong Cha là tập trung vào chất lượng và dịch vụ. Còn vấn đề mở rộng mạng lưới, theo ông Phương, sẽ tùy tình hình thực tế và thời cơ mà phát triển.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới