Taxi truyền thống lại kêu cứu vì Grab
Một lần nữa, những vấn đề nóng, liên quan đến hoạt động của xe taxi truyền thống, xe công nghệ như Grab... tại hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải, của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hôm 21.8.
Thêm điều kiện ràng buộc
Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, Bộ Giao thông Vận tải, ngày 31.7.2018, đã trình Chính phủ Dự thảo lần thứ 5 Nghị định Quy định về điều kiện kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Ông Hỷ nói rằng Ban soạn thảo đã có “nhiều cố gắng” trong “sắp xếp” lại các nội dung, đưa thêm thông tin và điều kiện giàng buộc, quản lý đối với một số lĩnh vực vận tải, thể hiện tại Điều 6, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi; Điều 13, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô; Điều 16, quy định hợp đồng vận tải điện tử…
“Nhiều quy định rất khó thực hiện”, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM nói và dẫn chiếu Điểm b,c của Khoản 2 Điều 6 và Khoản 2 Điều 13… Dự thảo có ý tạo cho xe hợp đồng điện tử cơ hội tiếp tục lấn lướt, độc chiếm thị trường.
Ông Hỷ cho rằng, tại Dự thảo lần thứ 5, những vấn đề cốt lõi nhất, đã và đang là nguyên nhân dẫn đến sự đấu tranh, khiếu nại của taxi chính thống suốt 3 năm qua, lại không được giải quyết, không được tiếp thu đúng mức.
"Tổng số lượng xe taxi của công ty những năm trước là trên 6.000 hiện nay chỉ còn 4.800", ông Trương Đình Quý, Phó Giám đốc Vinasun, cho biết.
Theo ông Quý, Nghị định 86 có ý nghĩa quan trọng, quyết định nước ta sẽ có một ngành taxi chuyên nghiệp, một điều phải gìn giữ. Muốn vậy, lái xe phải qua đào tạo về phục vụ khách hàng, người lao động được đóng bảo hiểm.
“Không muốn nói nhiều nữa”, song Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, ông Nguyễn Công Hùng, vẫn tỏ rõ quan ngại “ngân sách bị thất thu” do Bộ Giao thông Vận tải đang coi Grab là các công ty cung cấp dịch vụ phần mềm. Do đó, Grab đã kê khai doanh thu là phí sử dụng phần mềm kết nối, không phải chịu thuế VAT.
Hơn nữa, các doanh nghiệp này phải sử dụng tên miền internet của Việt Nam, phải đặt máy chủ tại Việt Nam cho toàn bộ các kết nối có phát giao dịch toàn lãnh thổ. Hệ thống các server phải được Tổng cục Đường bộ và các sở giao thông vận tải có thể truy cập được để bảo đảm an ninh quốc gia.
Kiến nghị căn bản và cốt lõi
Sửa dự thảo lần thứ 5, Hiệp hội Taxi TP.HCM, đưa ra 4 kiến nghị, cho đây là những vấn đề cốt lõi, căn bản, cần được Ban soạn thảo xem xét đưa vào dự thảo.
Những kiến nghị này, ông Hỷ nói “không hẳn vì quyền lợi của một doanh nghiệp, một hiệp hội taxi địa phương, mà là vấn đề có quan hệ đến sự tồn tại hoặc tiêu vong của cả ngành vận tải taxi trên cả nước”.
Thứ nhất, nên tiếp tục duy trì hai loại hình taxi và hợp đồng như Luật Giao thông Đường bộ quy định, có thể bổ sung, cải sửa điều kiện kinh doanh cho phù hợp với kinh tế thị trường.
Vì thế, nên đưa tất cả các phương tiện tương đồng vào cùng một loại hình, ví dụ đưa xe hợp đồng điện tử hiện đại vào lĩnh vực taxi để quản lý như taxi, bỏ khái niệm xe hợp đồng điện tử độc lập như một loại hình vận tải mới.
Thứ hai, cần thống nhất xe chở khách từ 8 chỗ ngồi trở xuống là taxi. Việc nhập xe hợp đồng đang thí điểm vào taxi chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích, tạo sự cạnh tranh lành mạnh theo quy luật thị trường, giúp các địa phương chủ động được quy hoạch giao thông vận tải, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước…
Thứ ba, tạo sự khác biệt về nhận dạng xe giữa xe 8 chỗ ngồi trở xuống có kinh doanh vận tải hành khách với xe 8 chỗ ngồi trở xuống không kinh doanh vận tải.
Theo đó, Bộ Công an nên quy định xe 8 chỗ trở xuống có kinh doanh vận tải hành khách có biển số với màu sơn hoặc ký hiệu riêng; Bộ Giao thông Vận tải quy định tem đăng kiểm kỹ thuật của xe 8 chỗ trở xuống có kích thước lớn gấp 2 lần so với tem đăng kiểm của các dòng xe lưu thông thường không kinh doanh trở khách.
Thứ tư, để đảm bảo công bằng, tất cả các quy định của Nghị định nên tuân thủ nguyên tắc có hiệu lực ngay sau khi ban hành. Khi đó, các đơn vị vận tải chưa đủ điều kiện để hoạt động phải lập tức ngừng hoạt động.
Hiệp hội Taxi TP.HCM cũng kiến nghị bỏ các mốc lộ trình kéo dài tới năm 2020, thậm chí 2025 như Dự thảo nêu do thị trường biến động, thay đổi hằng ngày.
“Nếu không thay đổi chính sách mà Bộ Giao thông Vận tải đang áp dụng cho taxi và xe hợp đồng, đồng nghĩa với việc Nhà nước đang sử dụng chính sách bất công để bức tử hàng trăm doanh nghiệp taxi trên cả nước tan rã, phá sản mà không cần đến 2021-2025 như lộ trình”, ông Hỷ khẳng định.
Kết luận sau một dãy dài các phân tích, kiến nghị, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, đặt câu hỏi với tư cách là người cung cấp dịch vụ cho khách hàng: "Dịch vụ của mình thuận lợi hơn, rẻ hơn, khác biệt hơn?".
“Quyết định thành bại của kinh doanh vẫn là khách hàng” ông Cung nói. Theo ông, nếu dịch vụ taxi không thuyết phục khách hàng, sẽ bị thay thế, không phải Grab, sẽ là các doanh nghiệp khác.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
-
Minh Đức
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Thanh