Hủy
Công Nghệ

ASEAN có thể chinh phục cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Trang Lê Thứ Ba | 11/09/2018 16:21

Ảnh minh họa: Quý Hòa

Các diễn giả tham dự ngày đầu của WEF ASEAN 2018 đều lạc quan về những cơ hội cho ASEAN có thể chinh phục cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
 

Kỹ sư Google tìm cách đọc gen người Việt

Thế lực của Alibaba và Tencent đằng sau các startup Trung Quốc


Lạc quan về những cơ hội cho ASEAN

Trong ngày 11.9, ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 về ASEAN, một hội nghị mở với sự tham gia của các quan chức chính phủ, diễn giả, doanh nghiệp và các start-up cùng hơn 200 sinh viên đã phủ kín hội trường lớn của Trung tâm Hội nghị quốc gia, cùng bàn về chủ đề "ASEAN 4.0 cho tất cả".

Phiên đầu tiên trong sáng nay diễn ra trong không khí vô cùng cởi mở và có nhiều trao đổi thú vị giữa các diễn giả đến từ Google, Young Global Leader, VNG hay Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia, Bộ trưởng trẻ tuối nhất của nước này khi đang 25 tuổi với các sinh viên và doanh nghiệp trẻ của Việt Nam.

Các diễn giả đều lạc quan về những cơ hội cho ASEAN có thể chinh phục cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, thế hệ trẻ và cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp là động lực chính cho sự phát triển này bởi đây là những người đang tiên phong và sẽ nắm giữ những kiến thức công nghệ mới nhất, ứng dụng rất nhanh trong quá trình phát triển của kinh tế khu vực.

Hiện tại, nền kinh tế số nếu dựa trên tỷ lệ của GDP thì cả ASEAN chỉ đạt 7% so với 16% của Trung Quốc hay các khu vực khác nhưng qua đó cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn của khu vực này. Thời gian tới, dòng chảy công nghệ và nhân lực sẽ càng mạnh mẽ hơn. 65% người trẻ ngày hôm nay khi tốt nghiệp ra trường trong vài năm tới sẽ làm những công việc mới chưa từng có trong quá khứ. Do đó, để không bỏ lỡ những cơ hội và bị đẩy ra khỏi vòng phát triển nhanh chóng hay quá phụ thuộc vào công nghệ, mỗi người trẻ cần phải rất chủ động để tìm chỗ đứng cho mình.

Ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Công ty Google Ấn Độ - nhấn mạnh, tiềm năng của ASEAN ở vai trò và vị thế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Google đã cam kết đào tạo 3 triệu chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ASEAN để đảm bảo nền kinh tế số, thực sự khai thác được tốt nhất CMCN 4.0 và doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế ASEAN.

ASEAN co the chinh phuc cuoc cach mang cong nghiep 4.0
 

Chuyển đổi số: Nhiệm vụ trọng tâm

ASEAN là khu vực có dân số trẻ và đang có mức tăng trưởng nhanh chóng với 11 nghìn lao động mới mỗi ngày. Con số này sẽ tăng hơn nữa trong 15 năm tới.

Trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018, ông Justin Wood, Giám đốc chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thành viên Ban lãnh đạo WEF và ông Santitarn Sathiratha, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế Tập đoàn SEA (Singapore) đã thông báo kết quả cuộc khảo sát về ảnh hưởng của công nghệ với việc làm đối với giới trẻ ASEAN. Theo khảo sát, giới trẻ ASEAN rất lạc quan về tác động của công nghệ tới khả năng tìm kiếm việc làm và cải thiện thu nhập. 52% trong số những người dưới độ tuổi 35 tại Đông Nam Á tin rằng công nghệ sẽ mở ra cơ hội việc làm mới; 67% tin rằng công nghệ sẽ giúp họ cải thiện thu nhập.

Công nghệ số và kết nối trực tuyến đang và sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế ASEAN nói chung cũng như Việt Nam nói riêng trong những năm tới. Nhiều chuyên gia nhận định nền kinh tế số của tương lai sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của CMCN 4.0 là Chuyển đổi số. Trên thực tế, xu hướng số hoá hay công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực từ thương mại, tài chính - ngân hàng cho đến y tế, giáo dục, du lịch, vận chuyển.

Kinh tế số đang dần trở thành chính bản thân nền kinh tế Việt Nam, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ; từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng,... mà trong đó công nghệ số được ứng dụng.

Chính phủ Việt Nam đang giữ vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế số thông qua một loạt các cơ chế chính sách, và đặc biệt chủ trương này gần đây đã được củng cố thêm bởi các chỉ thị, chính sách về tăng cường tiếp cận cuộc CMCN 4.0.

Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp ở khối thương mại và dịch vụ được đánh giá có trình độ tiếp cận công nghệ số và tính sẵn sàng cao hơn.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc về chỉ số Chính phủ điện tử 2018 cho thấy, Việt Nam đã tăng 11 bậc để xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ về xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI). Việt Nam là một trong 10 quốc gia đã nhảy vọt từ EGDI mức trung bình đến mức cao, đứng thứ 6 trong nhóm các nước khu vực ASEAN. Trong khi đó, khảo sát mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, có tới 82% số doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu. Có tới 16/17 ngành khảo sát ưu tiên đều đang có mức sẵn sàng thấp.

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới