Hủy

Lao động cưỡng bức

Thứ Ba | 03/05/2016 07:30

Các doanh nghiệp dệt may đang “đi trên dây” trước ranh giới mong manh giữa gia tăng năng suất và vi phạm quyền lao động, dù vô tình hay cố ý.
 

Năm 2013, một công nhân nam đã tử vong khi cố bơi qua chiếc hồ rộng hàng trăm MÉT VUÔNG để bỏ trốn sau thời gian dài bị lạm dụng sức lao động, theo dõi 24/24 và tịch thu giấy tờ tùy thân khi làm việc tại một xưởng gỗ ở Bình Dương. Câu chuyện đau lòng này chỉ là một phần rất nhỏ của tảng băng chìm về nạn cưỡng bức lao động vẫn đang tồn tại từng ngày, từng giờ, ở mọi góc khuất trên thế giới ngay giữa thời đại văn minh.

Hiện trạng lao động cưỡng bức xảy ra khi người lao động bị lừa gạt, mắc bẫy trong công việc của mình mà không thoát ra được. Phát biểu với báo giới, Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho biết châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chiếm đến một nửa số nạn nhân của nạn lao động cưỡng bức trên thế giới. Theo ông, cứ trong 1.000 người lao động ở khu vực này, có 3 người rơi vào tình trạng trên.

Tại Việt Nam, với lợi thế nhân công giá rẻ, những ngành nghề thâm dụng lao động đã trở thành thế mạnh của đất nước. Nhưng đó cũng là con dao 2 lưỡi khi doanh nghiệp ở những ngành nghề này phải đối mặt với vấn nạn lao động cưỡng bức nhiều hơn. Mới đây, bộ tài liệu hướng dẫn phòng ngừa lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam vừa được ILO và VCCI công bố đã đem đến nhiều thông tin “giật mình”.

Được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, dệt may đang là nguồn sống cho gần 6.000 doanh nghiệp và 2,5 triệu người lao động tại Việt Nam. Thế nhưng, các doanh nghiệp trong ngành đang “đi trên dây” trước ranh giới mong manh giữa gia tăng năng suất và vi phạm quyền lao động, dù vô tình hay cố ý.

Theo tài liệu trên, có 11 chỉ số để nhận biết tình trạng lao động cưỡng bức, bao gồm tình huống người lao động bị lạm dụng tình trạng khó khăn, lừa gạt, đe dọa, hạn chế đi lại, bị cô lập, bạo lực thân thể và tình dục, bị giữ giấy tờ tùy thân, giữ tiền lương, bị lệ thuộc vì nợ, bị lạm dụng về điều kiện làm việc, sinh hoạt và liên tục phải làm việc ngoài giờ. Một lãnh đạo trong ngành dệt may (không muốn nêu tên) cho biết, nạn lao động cưỡng bức trong những ngành nghề sản xuất, sử dụng lượng lớn nhân công vẫn tồn tại trên thực tế, dù chưa có con số thống kê cụ thể.

Ngay cả khi không cố tình vi phạm, các doanh nghiệp trong ngành dệt may vẫn chưa hoàn toàn vô can khi nguy cơ lao động cưỡng bức còn rình rập ở các nhà cung cấp, nhà thầu phụ do đặc thù phức tạp của chuỗi cung ứng. Bên cạnh sự tung hô thường được nghe thấy về chất lượng sản phẩm, những thương hiệu thời trang lớn của thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều suy xét về lao động cưỡng bức khi một số đơn vị trong chuỗi cung ứng của họ đã từng vi phạm những quy định về sử dụng lao động trẻ em, bóc lột sức lao động trong quá khứ.

Việt Nam được xem là xưởng gia công cho các thương hiệu may mặc lớn nhỏ và hậu quả mà nhiều doanh nghiệp dệt may Việt phải đối mặt nếu bị cáo buộc vi phạm lao động cưỡng bức không hề nhỏ, nhất là ở những “sàn đấu” có luật chơi nghiêm ngặt như AEC hay TPP. Mất bạn hàng, chịu tổn hại to lớn về danh tiếng và tài chính, bị truy tố hình sự... là một số hậu quả trước mắt. Tệ hơn, những cáo buộc liên quan đến lao động cưỡng bức còn có thể ảnh hưởng xấu đến toàn ngành may mặc hay kết quả xuất khẩu của cả quốc gia.

Theo ước tính trong tài liệu vừa được công bố, các hành vi bất hợp pháp từ lao động cưỡng bức đem về 150 tỉ USD mỗi năm cho khối kinh tế tư nhân toàn cầu. Với lợi ích khổng lồ như vậy, đâu là những nguyên tắc cơ bản để các doanh nghiệp tự bảo vệ mình trước sức hấp dẫn của quyền lực đen này?

Trong tuyển dụng lao động, cung cấp thông tin đúng, đủ về tính chất và điều kiện công việc cho người lao động là bước đi đầu tiên trong hành trình sử dụng lao động minh bạch. Đặc biệt, khi thông qua đơn vị môi giới hay cung ứng lao động, doanh nghiệp trực tiếp sử dụng lao động phải kiểm soát chặt chẽ quá trình tuyển dụng ở các nhà trung gian này để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Thực tế, có nhiều chiêu trò dù không mới nhưng vẫn được hàng loạt trung tâm tuyển dụng “ma” sử dụng để lừa gạt lao động ngoại tỉnh đổ về các thành phố lớn tìm việc. Thu một khoản phí đặt cọc, giữ giấy tờ tùy thân để đưa người lao động vào thế bí là những ví dụ quen thuộc.

Trong sử dụng lao động, tình trạng lao động cưỡng bức có thể nảy sinh nếu doanh nghiệp sử dụng những biện pháp ép buộc nhằm tăng năng suất lao động, cung cấp điều kiện làm việc không đạt chuẩn trong khi người lao động không được chấm dứt hợp đồng. Những quy tắc minh bạch về trả lương, quy định thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo tự do cá nhân... tưởng như là những điều cơ bản mà doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện. Nhưng vẫn có một tỉ lệ các doanh nghiệp vô tình hay cố ý đi trái với những quy định này. Né đóng bảo hiểm xã hội, làm quá số giờ cho phép... là những vi phạm mà các chủ xí nghiệp, nhà máy tự phát, quy mô nhỏ thường mắc phải.

Ở những công ty lớn, việc đáp ứng đúng và đủ các điều kiện về sử dụng lao động để vào được chuỗi cung ứng của những thương hiệu thời trang lớn cũng không dễ dàng. Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Công ty Sản xuất Thương mại May Sài Gòn, ngoài chất lượng, giá cả, thời gian làm hàng, thì khả năng tuân thủ trách nhiệm xã hội được các khách hàng lớn đánh giá khắt khe. Việc thực hiện các quy định của Luật Lao động Việt Nam và các điều luật lao động quốc tế được khách hàng kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là giờ lao động, nghỉ ngơi, tiền lương, phương tiện bảo vệ cá nhân và các công cụ khác để đảm bảo an toàn cho người lao động.

Ông Hùng kể, có lần trong quá trình kiểm tra điều kiện làm việc, nhân viên đánh giá thình lình đập vỡ chuông báo cháy để xem chúng có hoạt động không, hoặc đột xuất đến phỏng vấn người lao động về điều kiện làm việc mà doanh nghiệp không được báo trước. Những ví dụ này cho thấy, nếu các doanh nghiệp trong nước muốn vào được guồng quay của ngành dệt may toàn cầu, thì dù muốn hay không, họ chắc chắn phải làm quen với việc thực thi đầy đủ các quy định về lao động, tài sản quan trọng trong những ngành nghề sản xuất.

Con số 21 triệu nạn nhân của tình trạng lao động cưỡng bức trên toàn cầu do ILO công bố là minh chứng không thể chối cãi rằng đích đến phát triển bền vững mà mọi doanh nghiệp đều chọn vẫn còn xa. Nhưng với các doanh nghiệp Việt Nam, việc chủ động tìm hiểu những quy định có liên quan để phòng ngừa rủi ro và xây dựng một bộ quy tắc ứng xử về sử dụng lao động là việc cần sớm được quan tâm. Làm được điều này, họ sẽ tự cứu được mình khỏi những rắc rối có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Lan Anh


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới