Hủy
Tạp chí số 611

Khu Đông đặt tham vọng trở thành "thành phố sáng tạo"

Việt Dũng Thứ Tư | 05/12/2018 14:00

Khu Công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa

Khu Đông được lên kế hoạch phát triển thành một thành phố sáng tạo.
 

Khu Đông sáng tạo sẽ là nơi tập trung toàn bộ tinh hoa của đất nước, nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại và khoảng cách với các thành phố hàng đầu châu Á có khả năng ngày càng xa.

Khái niệm mới

Lần đầu tiên TP.HCM tổ chức diễn đàn kinh tế quốc tế, giới thiệu về kế hoạch xây dựng khu Đông Thành phố, bao gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo. Lãnh đạo Thành phố kỳ vọng tìm kiếm các sáng kiến và bài học thành công cho đề án nhiều tham vọng này. Trước đó, đầu năm 2017, Thành phố đã công bố đề án xây dựng đô thị thông minh, nhưng cuối năm ngoái lại đi thêm bước mới là đề án xây dựng đô thị sáng tạo.

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, “đô thị sáng tạo” là khái niệm mới, được khảo nghiệm từ kinh nghiệm quốc tế. Còn Phó Giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc Gia TP.HCM, định nghĩa: “Bản chất của khu đô thị sáng tạo là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao”.

Khu Dong dat tham vong tro thanh
 

Ví dụ ở Nhật là trường hợp của tỉnh Tsukuba với đặc trưng rất riêng: cứ 10 cư dân ở đây thì có 1 người là tiến sĩ. Khu vực này cũng nổi tiếng vì số lượng trường đại học, viện nghiên cứu, cũng như các giải thưởng quốc tế, bao gồm cả Nobel. Ông Kyosuke Nagata, Hiệu trưởng Đại học Tsukuba Nhật, kể lại, cách đây 50 năm, Chính phủ Nhật quyết định phát triển thành phố với mục tiêu tạo ra môi trường thuận lợi thực hiện nghiên cứu và giáo dục, nhằm giảm tình trạng quá tải ở các siêu đô thị. Nguồn vốn ban đầu từ Chính phủ, nhưng điều quan trọng nhất là phải có bộ luật cơ bản hỗ trợ và hạt nhân chính là trường đại học.

Ở châu Âu, ông Pekka Sundman, Giám đốc Tập đoàn phát triển thành phố Turku, Phần Lan, cũng chia sẻ bài học về thành phố cổ nhất nhưng hiện đang dẫn đầu phát triển kinh tế ở Phần Lan. Là nơi sinh sống của 330.000 người cùng 240 công ty, Turku tự định nghĩa mình là “thành phố châu Âu hấp dẫn với các trường đại học, nền văn hóa đã và đang mạnh dạn đổi mới bản thân. Turku là một nơi tốt để sống và cùng nhau thành công”.

Mặc dù khái niệm “đô thị sáng tạo” có vẻ rất xa lạ với TP.HCM, nhưng khái niệm “đô thị thông minh” thì lại có thể định lượng được. Một nghiên cứu của Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, theo xếp hạng năm 2017 của EasyPark về 100 đô thị thông minh trên thế giới, thì Singapore và Kuala Lumpur (Malaysia) ở khu vực Đông Nam Á là 2 thành phố đạt chuẩn. Số điểm của TP.HCM thua kém rất nhiều các đô thị trên.

Khu Dong dat tham vong tro thanh
 

Theo Phó Giáo sư - Tiến sư Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM, mức độ phát triển của TP.HCM vẫn còn hạn chế và có khoảng cách lớn với các đô thị trên.

Nghiên cứu cũng cho thấy mỗi quốc gia có một bài toán riêng và tập trung vào hướng đi riêng, như Singapore thì chú trọng đến vấn đề chính phủ điện tử, Trung Quốc có nhiều dự án thí điểm ở nhiều khía cạnh khác nhau, Nhật hướng đến việc tương tác về mặt công nghệ và chú ý về mặt con người.

Ý tưởng chưa thành

Ông Tiến Dũng cho biết, trong suốt 1 năm qua, kể từ khi có chủ trương, lãnh đạo Thành phố và các chuyên gia Việt Nam đã có những chuyến đi tham quan, học hỏi và làm việc với các mô hình thành công trên thế giới về đổi mới sáng tạo, cụ thể ở Mỹ, Phần Lan, Anh, Hàn Quốc, Nhật, Ả Rập và Israel, bà Phạm Trần Thanh Thảo, Trợ lý Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, cho hay.

Đầu năm 2017, với sự hỗ trợ của VNPT, TP.HCM đã công bố Đề án phát triển đô thị thông minh trong giai đoạn 2017-2025. Giai đoạn 1 đến năm 2020 là xây nền tảng công nghệ và trung tâm dữ liệu, còn giai đoạn 2 là khai thác các giải pháp thông minh chuyên ngành. Nếu như chương trình đô thị thông minh tập trung vào nâng cao hiệu năng quản trị của Nhà nước thông qua sự kết nối của hệ thống dữ liệu, thì đề án đô thị sáng tạo rõ ràng tham vọng hơn rất nhiều, là nơi tập trung mọi nguồn lực tinh hoa nhất của quốc gia.

Khu Dong dat tham vong tro thanh
 

Dù khái niệm khá mới mẻ, nhưng về ý tưởng và hướng tiếp cận, TP.HCM đã có bước đi từ lâu. “Hôm nay, chúng ta bàn việc xây dựng đô thị sáng tạo phía Đông. Ý tưởng này có cách đây gần 20 năm rồi, chứ không phải bây giờ”, Tiến sĩ Trần Du lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nói. Theo ông Lịch, khu Đông hiện tại cũng là nơi đã có khu công nghệ cao, trường đại học hay các vườn ươm sáng tạo, nhưng cuối cùng vẫn chưa có kết quả gì.

Bài học xây dựng đô thị thông minh được nhiều diễn giả trong diễn đàn kinh tế lần này nhắc đến, từ vấn đề cơ chế đến nhân lực và vốn, nhưng điều quan trọng đó là sự hợp tác. “Nghiên cứu về các dự án đô thị sáng tạo trên thế giới, cả thành công và chưa thành công, sự không phối hợp, hay bất hợp tác giữa các bên chính là “tử huyệt”, ông Đạt nhìn nhận. Thực tiễn ở TP.HCM chính là 4 bên quan trọng: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường và người sử dụng kết quả khoa học.

Vẫn biết thử và sai là cách làm phổ biến, nhưng áp lực thay đổi cần phải nhanh hơn trong bối cảnh nền kinh tế - chính trị thế giới ngày càng chuyển biến mạnh mẽ. Ông Emmanuel San Andres, nhà nghiên cứu thành phố bền vững và phát triển đô thị, Đơn vị Hỗ trợ Chính sách APEC (PSU), cho rằng các nhà làm chính sách cần phải nhanh hơn. “Mỗi ngày càng chậm là càng khó”, Tiến sĩ Trần Du lịch khẳng định.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới