Hủy
Trách nhiệm với cộng đồng

Tạo dựng giá trị chia sẻ

Lê Mai Anh Thứ Hai | 08/02/2021 14:00

Đây có thể được coi là “Siêu thị của nông dân” đầu tiên tại Việt Nam. Người nông dân có thể bán hàng trực tiếp tại siêu thị. Ảnh: TL

Xây dựng những giá trị xã hội bền vững trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
 

Khái niệm CSV (Creating Shared Values) tạo nên các giá trị chia sẻ được đề cập lần đầu tiên bởi Tạp chí kinh doanh Harvard. Vào năm 2011, khái niệm này lại được mở rộng thêm bởi 2 tác giả E. Porter (chuyên gia hàng đầu về chiến lược cạnh tranh, đứng đầu Viện Chiến lược và Năng lực Cạnh tranh tại Trường Kinh doanh Harvard) và Mark R. Kramer (Trường Kennedy tại Đại học Harvard, đồng sáng lập FSG). Tài liệu này cung cấp thông tin chi tiết và các ví dụ liên quan về việc các công ty đã phát triển mối liên kết sâu sắc giữa chiến lược kinh doanh của mình và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR). Tiền đề của khái niệm này là đằng sau việc tạo ra giá trị được chia sẻ là khả năng cạnh tranh của một công ty và sức khỏe của cộng đồng xung quanh nó. Cả 2 nhân tố này đều có mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau. Việc thừa nhận và tận dụng những mối liên hệ này giữa tiến bộ xã hội và kinh tế có khả năng mở ra làn sóng tăng trưởng toàn cầu mới.

Hoạt động CSR khác gì so với mô hình Tạo giá trị chia sẻ CSV? Sự khác biệt chính nằm ở chỗ  CSR là trách nhiệm, trong khi CSV là việc tạo ra giá trị. Có một thực tế cho thấy khái niệm CSV sẽ dần thay thế cho CSR vì nó là cách để các công ty duy trì trong thị trường đầy tính cạnh tranh như hiện nay. Khi hoạt động CSR thường tập trung vào danh tiếng với việc đặt giá trị vào việc làm tốt trước áp lực xã hội, nó có thể tạo ra cả lợi ích kinh tế và xã hội trong một khoản ngân sách nhất định. CSV thay vì bị thúc đẩy bởi các yếu tố bên ngoài thì được tạo ra bên trong và không giới hạn trong ngân sách tài chính như CSR. Với sự ra đời của CSV và theo sau sự ủng hộ mạnh mẽ trên toàn thế giới, các công ty bắt đầu suy nghĩ về tầm nhìn của doanh nghiệp đối với sự tăng trưởng bền vững trong xã hội. Vậy cơ chế nào có thể tạo ra được giá trị chia sẻ?

Nhận thức sản phẩm và thị trường. Các công ty có thể đáp ứng nhu cầu xã hội đồng thời phục vụ tốt hơn các thị trường hiện có, tiếp cận những thị trường mới hoặc giảm chi phí thông qua đổi mới hoạt động.

Xác định lại năng suất trong chuỗi giá trị. Các công ty có thể cải thiện chất lượng, số lượng, chi phí và độ tin cậy của đầu vào và phân phối trong khi họ đồng thời đóng vai trò quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu và thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội.
Cho phép phát triển cụm cục bộ. Các công ty không hoạt động biệt lập với môi trường xung quanh. Ví dụ, để cạnh tranh và phát triển, họ cần các nhà cung cấp địa phương đáng tin cậy, cơ sở hạ tầng vận hành tốt về đường sá và viễn thông, khả năng tiếp cận nhân tài và hệ thống pháp luật hiệu quả và có thể dự đoán được.

 

CSV thừa nhận sự cân bằng giữa lợi nhuận ngắn hạn và các mục tiêu xã hội hoặc môi trường, nhưng tập trung nhiều hơn vào các cơ hội tạo lợi thế cạnh tranh từ việc xây dựng đề xuất giá trị xã hội vào chiến lược doanh nghiệp.

Một ví dụ điển hình cho hoạt động CSV là trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm năm trước, Local Food (bán nông sản) là một mô hình mới nhưng được nông dân Hàn Quốc hưởng ứng rất nhiệt tình. Với mô hình này, người nông dân ở địa phương có thể bán trực tiếp sản phẩm của mình đến khách hàng và chỉ phải trả một phần rất nhỏ chi phí duy trì siêu thị thông qua chiết khấu giá bày bán.

Một bà cụ lưng còng với vài luống rau lá vừng hay một bác nông dân có trang trại dưa hấu đều tự mang sản phẩm của mình đến siêu thị, đóng gói, dán nhãn giá và để ra quầy. Cuối mỗi ngày sẽ nhận được tin nhắn qua điện thoại là hàng của mình đã bán được bao nhiêu và còn lại bao nhiêu.

 

Mô hình này là sự kết hợp giữa chính quyền và nông dân địa phương. Trong đó, nông dân sẽ được huấn luyện cách vệ sinh sản phẩm trước khi mang đến siêu thị, cách đóng gói và bày bán sản phẩm. Sử dụng kiểu kinh doanh Local Food thì chính quyền địa phương không chỉ giải quyết được công ăn việc làm cho người dân địa phương mà còn là nơi đầu ra cho sản phẩm của nông dân. Đồng thời, cả siêu thị lẫn nông dân đều thu được lợi nhuận trên mỗi sản phẩm bán ra. Và hơn hết người tiêu dùng an tâm với những nông sản sạch và rẻ mà mình mua được.

Cũng xuất phát từ mô hình này tại Việt Nam, với sự hỗ trợ Ngân hàng Lương thực (Food Bank), mô hình container siêu thị rau sạch của các hộ nông dân đã bắt đầu xuất hiện tại TP. HCM. Đây có thể được coi là “Siêu thị của nông dân” đầu tiên tại Việt Nam. Người nông dân có thể bán hàng trực tiếp tại siêu thị, hoặc ký gửi hoặc ủy nhiệm qua nhóm WeFarmer. Mục tiêu của nhóm dự án đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 20 container siêu thị di động để hỗ trợ bà con nông dân cũng như đưa trực tiếp nông sản sạch đến tay người tiêu dùng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới