Hủy
Tài Chính

Bắt sóng cổ phiếu dược

Việt Hà Chủ Nhật | 25/12/2022 17:07

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Những cổ phiếu ưu tiên lựa chọn là cổ phiếu của những doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tốt trong năm 2023.
 

COVID-19 bùng phát đem đến các tác động trái chiều cho các công ty dược. Trong khi nhu cầu về các sản phẩm thực phẩm chức năng, các sản phẩm vệ sinh cá nhân và một số loại thuốc điều trị triệu chứng do virus gây ra có thể cao hơn, hoạt động kinh doanh tại kênh bệnh viện bị ảnh hưởng bất lợi do lưu lượng bệnh nhân (không phải bệnh nhân COVID-19) giảm trong các giai đoạn giãn cách xã hội và cao điểm của dịch bệnh. Tuy nhiên, lưu lượng bệnh nhân có thể trở lại sau giãn cách. 

 

Với bức tranh dài hạn hơn, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá tăng trưởng ngành có thể được hỗ trợ bởi các yếu tố như kinh tế phát triển, thu nhập tăng, dân số lớn bắt đầu có dấu hiệu già hóa cộng với các vấn đề sức khỏe phát sinh do môi trường và quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, ACBS cho rằng làm thế nào để đưa ra các loại thuốc generic mới một cách nhanh chóng, gia tăng tỉ lệ thuốc có giá trị cao và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng cũng như khả năng cạnh tranh có thể sẽ là thách thức cho các nhà sản xuất trong nước.

Ở góc độ đầu tư, Trung tâm Phân tích của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) đánh giá bước sang năm 2023, thị trường chứng khoán khả năng sẽ phân hóa rõ nét và việc lựa chọn đúng ngành, đúng mã cổ phiếu sẽ là bài toán cần đặt lên hàng đầu. Trong đó những cổ phiếu ưu tiên lựa chọn là cổ phiếu của những doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tốt trong năm 2023. 

Một trong những chiến lược tìm kiếm là sàng lọc các doanh nghiệp đang đầu tư mở rộng công suất, đây là động lực quan trọng để các doanh nghiệp phát triển cũng như gia tăng quy mô hoạt động. Trong báo cáo được công bố mới đây, Agriseco Research đã đưa ra 2 cổ phiếu ngành dược có tiềm năng tăng trưởng kết quả kinh doanh đến từ việc mở rộng công suất giai đoạn tới, bao gồm Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (mã DHG) và Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (mã DBD).

 

Đối với Dược Hậu Giang, Nhà máy Betalactam Hậu Giang với công suất thiết kế có thể lên tới 1 tỉ đơn vị sản phẩm/năm sẽ giúp Công ty gia tăng gấp đôi sản lượng hiện tại. Tháng 7 vừa qua Dược Hậu Giang đã khởi công dự án và dự kiến hoàn thành vào năm 2024 với tiêu chuẩn Japan/EU-GMP. Các dây chuyền sản phẩm chính bao gồm: viên nén bao phim và không bao phim, viên nang, thuốc bột, thuốc cốm,... Agriseco Research đánh giá nhóm sản phẩm thuốc kháng sinh có nhu cầu thị trường ổn định và thiết yếu nên việc mở rộng công suất nhóm này sẽ giúp Công ty đẩy mạnh thị phần trong nước và gia tăng hoạt động xuất khẩu thuốc trong tương lai.

Trong khi đó, đối với Dược Bình Định, Nhà máy thuốc điều trị ung thư Nhơn Hội, tỉnh Bình Định dự kiến sẽ giúp Công ty tăng gấp 3 lần công suất hiện tại về sản phẩm thuốc điều trị ung thư. Ngoài ra, Dược Bình Định dự kiến nhận phê duyệt tiêu chuẩn EU-GMP cho nhà máy này vào năm 2023, giúp tăng khả năng đấu thầu và gia tăng thị phần tại kênh phân phối bệnh viện ở Nhóm 1, 2 và biệt dược. Từ đó cải thiện chất lượng và giá bán sản phẩm so với hiện tại (do sản phẩm thuốc thuộc Nhóm 1&2 có giá bán cao hơn khoảng 30% so với thuốc Nhóm 3-5 hiện tại của Công ty). 

Theo Agriseco Research, mảng thuốc điều trị ung thư được đánh giá có tiềm năng tốt và có thể giúp Công ty tăng thị phần kênh bệnh viện lên mức gần 40% trong nhóm sản phẩm này.

Có thể bạn quan tâm 

Thanh khoản thị trường tiếp tục xuống thấp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới