Hủy
Tài Chính

Chặt vòi sở hữu chéo ngân hàng

Hoàng Hạnh Thứ Hai | 07/08/2017 12:30

Sơn Phạm

Khi những số liệu tài chính chưa được minh bạch, rõ ràng thì ma trận sở hữu chéo vẫn chưa tìm được liều thuốc chữa trị đặc hiệu.
 

Sở hữu chéo tại Việt Nam phát sinh nhiều tiêu cực, gây ra mất an toàn hệ thống, tác động xấu đến nền kinh tế và là nguyên nhân phát sinh các tội phạm ngân hàng rất nghiêm trọng. Chẳng hạn, chỉ riêng vụ án đang gây xôn xao dư luận là Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây Dựng (VNCB) lên tới 9.000 tỉ đồng.

Những tín hiệu khả quan

Nhận ra hậu quả này, nhiều năm qua, Nhà nước đã siết chặt các kẽ hở lũng đoạn của hiện tượng sở hữu chéo nhằm hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu hệ thống tín dụng Việt Nam. Hơn chục ngày sau Quyết định 1058 phê duyệt Đề án ‘’Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020’’, ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng Tín dụng Sacombank, đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ việc này liên quan đến việc cho ông Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đồng, bằng các hồ sơ khống kinh doanh bất động sản.

Dư luận thấy rõ Nhà nước đã nói và hành động thẳng tay với hàng loạt vi phạm tại những ngân hàng như ACB, OceanBank, Sacombank... Quả thật, ai cũng nóng lòng chờ đợi một quyết định với những biện pháp cụ thể, vạch ra đường hướng cho việc xử lý sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng Việt Nam. Theo lộ trình, các ngân hàng thương mại đang nắm tỉ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 tổ chức tín dụng khác phải tính đến việc thoái vốn trong vòng 1 năm. Dù sở hữu chéo không trái luật nhưng nó hình thành và biến tướng từ chính những kẽ hở trong hệ thống quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Vấn đề rắc rối tới mức một chuyên gia kinh tế Việt Nam đã định danh sở hữu chéo trong tín dụng “như một ma trận” và khi tiếp cận với ma trận này, một quan chức ngân hàng cũng đã tự nhận mình “kém thông minh’’. Có thể hiểu, việc đã rất cần kíp và sự chậm chạp từ năm 2013 tới nay đã quá đủ.

Theo Đề án 1058, khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng sẽ được hoàn thiện với các mục tiêu ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng. Cụ thể, giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông của tổ chức tín dụng;  không cho phép nhà đầu tư, cổ đông sử dụng vốn do các tổ chức tín dụng cấp tín dụng để góp vốn mua cổ phần của tổ chức tín dụng; yêu cầu nhà đầu tư, cổ đông chứng minh nguồn vốn góp vốn, mua cổ phần; định kỳ công khai thông tin về tình hình tài chính và những người có liên quan, kể cả những người được ủy thác đứng tên mua cổ phiếu...

Trao đổi với NCĐT, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những quy định đó, nếu được áp dụng, sẽ có 2 hệ quả. Một là, ngân hàng và các cổ đông tại ngân hàng phải điều chỉnh tỉ lệ cổ phần của mình ở các ngân hàng khác theo đúng quy định của pháp luật. Hai là, sẽ tách bạch quyền định hướng và giám sát hội đồng quản trị với quyền thực thi chiến lược và điều hành hoạt động của ban điều hành, giúp tránh được những sai phạm là nguồn gốc của nợ xấu trong hoạt động ngân hàng.

Chat voi so huu cheo ngan hang
 

“Nếu yêu cầu truy xuất nguồn tiền góp vốn, mua cổ phần được thực hiện nghiêm ngặt, lần ngược lại cả những thương vụ trong quá khứ, chúng ta sẽ từng bước dẹp được cách thức hoạt động đi ngược lại các chuẩn mực được thừa nhận của các hệ thống tín dụng trên thế giới’’, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bổ sung.

Một điểm mới trong Đề án 1058 được ông Nguyễn Trí Hiếu đặc biệt đồng tình là tăng cường vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc tái cơ cấu hệ thống tín dụng. Bởi lẽ, sự giám sát của đơn vị bảo hiểm tiền gửi sẽ xóa đi thế độc quyền trong giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Thái độ tích cực nói trên tương đối dễ hiểu bởi giải trình với Quốc hội trong phiên họp tháng 6.2017, Thống đốc Lê Minh Hưng đã thừa nhận, nợ xấu có “nguyên nhân từ công tác thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước”. Cứ theo logic mà suy luận, thêm con mắt trông vào, con voi sẽ khó mà chui lọt lỗ kim. Dù vậy, các chuyên gia cũng chỉ dám lạc quan có giới hạn. Bởi sở hữu chéo ở Việt Nam có một điểm khác biệt căn bản so với các nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Nút thắt khó gỡ nhất

Nếu chia sở hữu chéo thành 2 nhóm: sở hữu chéo ngân hàng - ngân hàng và sở hữu chéo nhiều ngân hàng - nhóm lợi ích như chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã gợi mở với NCĐT, Đề án 1058 giải quyết tốt nhóm sở hữu chéo đầu tiên. Sẽ khó khăn hơn nhiều với nhóm thứ 2, bởi nhóm lợi ích không chỉ đơn thuần là các ngân hàng hay nhà đầu tư muốn “một vốn mười lời’’. Đặc biệt, theo ông Bùi Kiến Thành, gây nguy hiểm nhất cho hệ thống tài chính Việt Nam lại là nhóm sở hữu chéo này.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số nợ phải trả hợp nhất năm 2015 của 103 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1.547.859 tỉ đồng. Tháng 5.2017, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nợ xấu chủ yếu nằm ở doanh nghiệp lớn, trong khi nợ xấu ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp. Nhìn chung hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước bị đánh giá thấp hơn nhiều so với khối tư nhân. Vậy nợ xấu ở doanh nghiệp nhà nước thực sự đang ở mức độ nào?

Từ các trường hợp đã bị lộ như 12 đại dự án thua lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng của ngành Công Thương, dư luận cho rằng, đó có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Sự chậm chạp, trì trệ trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước góp phần không nhỏ củng cố cho nhận định này. Khi những số liệu tài chính chưa được minh bạch, rõ ràng thì ma trận sở hữu chéo vẫn chưa tìm được liều thuốc chữa trị đặc hiệu.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, lời giải đã có, vấn đề chỉ là thời gian. Ông Hiếu dẫn chứng, dù chưa áp dụng hình thức phá sản đối với ngân hàng nhưng giải pháp này đã được đề ra trong nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Một nền kinh tế thị trường phải tồn tại việc phá sản, các tổ chức tín dụng không phải là trường hợp ngoại lệ. Chuyên gia này còn đề cập tới mục tiêu tạo môi trường bình đẳng thực sự cho các tổ chức tín dụng, ở đó, không có ưu đãi đặc biệt cho những tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành bổ sung, trong một nền kinh tế thị trường, tín dụng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khi ngân hàng đang lún vào nợ xấu không rút ra được, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, nền kinh tế cầm cự được đã khó, vậy nên xử lý sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng là việc cấp thiết, phải làm ngay.

Hoàng Hạnh 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới