Hủy
Tài Chính

Ông Trump và ông Tập sẽ cùng viết lại luật chơi thương mại toàn cầu?

Thứ Ba | 11/04/2017 10:48

Nếu 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới không tuân thủ các thông lệ quốc tế, thì còn ai tin vào chúng được nữa?
 

Lãnh đạo của 2 quốc gia quyền lực nhất thế giới dường như đến từ 2 hành tinh khác nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất thân là một tỷ phú bất động sản, luôn muốn thể hiện trước công chúng, thích chơi golf và điều hành mọi thứ thông qua Twitter. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người luôn kín tiếng, nói không với đánh golf, và không hề dùng Twitter.

Tuy thế, ông Trump và ông Tập có một điểm chung: không thích các luật chơi thương mại toàn cầu hiện nay. Khuynh hướng này có thể gây ảnh hưởng đáng kể lên kinh tế thế giới.

Các quan hệ kinh tế kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã được vận hành thông qua các quy tắc chung được xây dựng bởi các tổ chức liên chính phủ như là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Kể từ những năm 1970, Washington đã cố gắng thuyết phục các lãnh đạo Trung Quốc rằng họ sẽ đạt được nhiều lợi ích kinh tế nhất nếu họ tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu. Từ đó tới nay, Trung Quốc đã hòa nhập khá sâu vào hệ thống này, với kết quả nhận được là tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cùng với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, như ông Trump vẫn hay nhắc đi nhắc lại trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, Trung Quốc đã không bao giờ tuân thủ toàn bộ quy tắc của hệ thống đó. Trong một thời gian dài, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã thao túng đồng tiền của mình nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Trung Quốc được hưởng nhiều quyền tiếp cận hơn vào thị trường Mỹ và Châu Âu, đặc biệt là về đầu tư, so với những gì mà giới đầu tư Mỹ nhận lại được từ Bắc Kinh. Việc bảo vệ tác quyền tại Trung Quốc cũng ít được chú trọng. Hàng loạt công ty internet của Trung Quốc cũng đã trỗi dậy sau bức tường lửa khổng lồ chặn Facebook, YouTube và nhiều trang web nước ngoài khác.

Dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc ngày càng có xu hướng bảo hộ các công ty trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước. Bỏ qua lời than phiền từ các đối tác thương mại, Trung Quốc tiếp tục duy trình các doanh nghiệp xác sống trong ngành thép, và tăng cường xuất khẩu lượng thép dư thừa ra thế giới. Trong một khía cạnh khác, nhằm phát triển các ngành công nghệ cao, chính phủ Trung Quốc đã liên tục trợ cấp cho các ngành mới nổi như xe hơi điện để đánh bại sự cạnh tranh từ nước ngoài.

Trung Quốc cũng thường phớt lờ các quy tắc của các tổ chức quốc tế mà nước này tham gia. Vào năm 2016, IMF đã đưa đồng Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ quốc tế SDR. Nhưng các nhà làm chính sách của Trung Quốc không giữ lời hứa về việc thả nổi cho đồng tiền của mình biến động theo cơ chế thị trường. Trong báo cáo mới nhất về việc tuân thủ của Trung Quốc với các quy tắc của WTO, Văn phòng Đại diện Thương Mại của Mỹ (USTR) đã nêu lên sự quan ngại về việc Trung Quốc không thực hiện các nghĩa vụ đối với một loạt vấn đề từ chính sách thuế đến các tiêu chuẩn sản phẩm. Mark Wu, một giáo sư tại trường luật Harvard chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và WTO, cho rằng: “Các quan chức thương mại của Mỹ đang ngày càng không hài lòng về việc Trung Quốc đang phớt lờ hệ thống luật lệ quốc tế”.

Về phần mình, ông Trump dường như không cho rằng hệ thống này là không đủ để kìm cương Trung Quốc. Trước đây, chính quyền Obama đã cố gắng gây áp lực với giới lãnh đạo Trung Quốc, thông qua các vụ kiện tại WTO, cũng như là đối thoại song phương và việc thỉnh thoảng áp thuế nhập khẩu. Trump thì lại hù dọa việc áp dụng các biểu thuế nhập khẩu khắt khe nhắm vào các quốc gia như Trung Quốc.

Thực tế, chính quyền Trump đã ra dấu hiệu rằng họ sẽ phớt lờ những quy tắc nào của WTO được cho là đi ngược lại với quyền lợi của Mỹ. Trump cũng đã cho thấy rằng ông chẳng mấy bận tâm tới các cam kết kinh tế của Mỹ trước đây. Ông đã rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, và đang yêu cầu đàm pháp lại hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Trump cũng đã lựa chọn Adam Lerrick, một người cực lực phản đối các tổ chức quốc tế như là IMF, vào vị trí Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ.

Cả ông Tập và ông Trump dường như quên rằng sức mạnh của họ đến từ chính hệ thống thương mại toàn cầu mà họ đang cố gắng thao túng. Trung Quốc đơn giản không thể được như ngày hôm nay nếu không được hưởng lợi từ các quy định tự do thương mại và an ninh toàn cầu. Ông Trump thì không hiểu rằng vị thế quyền lực toàn cầu của nước Mỹ được tạo nên từ việc tuân thủ chính các quy định và định chế quốc tế mà ông đang phớt lờ.

Vì thế, câu hỏi lớn là: Nếu 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới không tuân thủ các thông lệ quốc tế, thì còn ai tin vào chúng nữa? Cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Tập có thể là một sự khởi đầu của một xu hướng không tốt lành gì. Ông Trump đã cảnh báo rằng cuộc thảo luận giữa ông và ông Tập sẽ rất “khó khăn”, và ông tỏ rõ ý định đối đầu với Trung Quốc về các vấn đề như là thương mại và việc làm. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc cũng đã có sẵn những biện pháp phòng thủ khá mạnh mẽ.

Bá Ước

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới