Vì sao Trung Quốc không muốn Fed nâng lãi suất?
Việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất là sự thừa nhận rằng nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn, theo giới chuyên gia. “Đây là tín hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc thừa nhận kinh tế đang tăng trưởng chậm lại”, Derek Scissors, nhà kinh tế học về châu Á tại American Enterprise Institute, cho biết. Nhưng giờ đây, Bắc Kinh sẽ tập trung vào Washington.
Trong phiên họp chính sách tháng 9 vừa qua, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất do lo ngại về những bất ổn tài chính của Trung Quốc và lạm phát của Mỹ vẫn ở mức thấp. Tuần này, Fed sẽ lại nhóm họp trong 2 ngày 27-28/10.
Trong một phiên họp của IMF tại Lima đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei) cho biết, Mỹ không nên nâng lãi suất và thúc giục các nước phát triển như Mỹ tăng cường thương mại với các nước đang phát triển.
Qian Wang, nhà kinh tế học cao cấp về châu Á-Thái Bình Dương tại Vanguard, cho rằng, lo ngại của Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc là đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ “có thể bị tổn thương trước việc Fed nâng lãi suất” vào thời điểm mà các điều kiện tiền tệ đã được thắt chặt do USD ngày càng mạnh hơn. “Nếu kinh tế Mỹ mất đà tăng trưởng, kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề”, ông Wang nói.
Theo Paul J. Sullivan, giáo sư kinh tế học tại Đại học Georgetown, Trung Quốc nên lo ngại về điều kiện kinh tế tại các nước phát triển - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc (tính theo USD) trong tháng 9/2015 giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 5,5% trong tháng 8, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
USD có thể sẽ tiếp tục tăng giá nếu Fed nâng lãi suất, Charles Collyns, kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) nhận định. Và khi đó nhân dân tệ cũng sẽ tăng khi xét đến mối quan hệ giữa USD và nhân dân tệ như hiện nay.
Nhưng vào thời điểm khi kinh tế Trung Quốc không còn khỏe như xưa, câu hỏi đặt ra là liệu có nên tác động để nhân dân tệ giảm giá so với USD hay không.
PBOC đã phá giá nhân dân tệ khoảng 2% so với USD trong tháng 8 và đang bán trái phiếu Kho bạc Mỹ để ngăn đà giảm giá của nội tệ.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt đỉnh 4 nghìn tỷ USD vào tháng 8/2014, nhưng sau đó bắt đầu giảm dần. Mức giảm kỷ lục diễn ra trong tháng 8 khi dự trữ ngoại hối của Trung Quốc mất gần 94 tỷ USD.
Sử dụng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ nội tệ cũng là một biện pháp hữu hiệu, nhưng Trung Quốc sẽ không thể thực hiện việc này mãi được, David Dollar, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Brookings Institution, cho biết. Mức dự trữ ngoại hối an toàn cảu Trung Quốc là khoảng 3 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học không đồng ý về tác động của dòng vốn rút ra khỏi Trung Quốc. Chuyên gia của Brookings Institution cho rằng dòng vốn liên tục tháo chạy khỏi Trung Quốc là do những yếu tố cơ bản về kinh tế như cơ hội đầu tư sụt giảm và lượng tiền tiết kiệm khổng lồ.
Việc Fed nâng lãi suất sẽ có tác động, nhưng nếu chỉ nâng 25 điểm phần trăm thì chưa đủ để có tác động lớn.
Trong khi đó, Frank Song, giáo sư kinh tế học tại Đại học Hong Kong, cho rằng, dòng vốn đã và đang tháo chạy khỏi Trung Quốc. Nếu Fed tăng lãi suất, sẽ có thêm nhiều bất ổn đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.
Nhật Trường
Nguồn MW
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư