Hủy
Tài Chính

UOB và tầm nhìn dài hạn tại thị trường Việt Nam

Minh Duy Thứ Năm | 27/07/2023 14:00

Ảnh: Quý Hòa.

Việt Nam vẫn luôn là thị trường chiến lược của Ngân hàng UOB ngay từ những ngày đầu.
 

Ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam, chia sẻ mục tiêu tăng trưởng dài hạn tại thị trường Việt Nam với chiến lược tập trung tăng trưởng cả mảng bán buôn lẫn bán lẻ.

Năm 2023, tròn 30 năm Ngân hàng UOB Singapore đặt văn phòng đại diện đầu tiên tại Việt Nam, ông có thể chia sẻ điều gì ở Việt Nam đã thu hút UOB hiện diện tại đây? 

Việt Nam vẫn luôn là thị trường chiến lược của UOB ngay từ những ngày đầu. Cách đây 30 năm, khi thị trường vốn vẫn chưa sẵn sàng, UOB với tầm nhìn dài hạn và vững chãi đã cam kết đặt chân vào Việt Nam và là một trong những ngân hàng nước ngoài đầu tiên trong tâm thế ủng hộ chính sách Đổi Mới của Nhà nước Việt Nam.

Điều đó không chỉ đơn thuần là một quyết định kinh doanh, mà là minh chứng đất nước và dân tộc Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng đối với UOB. Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng to lớn của quốc gia với các yếu tố cơ bản thuận lợi như vị trí địa lý chiến lược, môi trường chính trị ổn định, chính sách mở cửa và sự cần cù, tinh thần cầu thị của con người nơi đây.

 

Nhìn lại hành trình 30 năm qua, những nhận định trên đã được chứng minh. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, UOB Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và đặc biệt là có sự hồi phục đáng kinh ngạc sau đại dịch.

Giữ vững tốc độ tăng trưởng ổn định trong 30 năm không phải điều dễ dàng. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi, UOB sẽ thực hiện chiến lược nào tại thị trường Việt Nam để tiếp tục duy trì tăng trưởng?

Chiến lược phát triển của UOB tiếp tục dựa trên 3 trụ cột: sự kết nối, cá nhân hóa và tính bền vững.

Đối với dịch vụ ngân hàng bán buôn, trọng tâm chiến lược của chúng tôi là sự kết nối khi tận dụng mạng lưới ASEAN rộng khắp để cung cấp sự hỗ trợ liền mạch cho khách hàng trong khu vực.

Đối với mảng ngân hàng bán lẻ, trọng tâm chiến lược là cá nhân hóa - thấu hiểu nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng, qua đó tạo ra các giải pháp phù hợp với nhu cầu của từng cá nhân. UOB Việt Nam sẽ tăng cường xây dựng năng lực kỹ thuật số, đồng thời đầu tư vào chiến lược đa kênh để đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu và sở thích đa dạng của khách hàng.

Một trụ cột khác là tính bền vững, thể hiện ở việc chúng tôi giúp các doanh nghiệp phát triển một cách có trách nhiệm và mang lại tác động tích cực đến môi trường, cũng như thúc đẩy sự hòa nhập xã hội bên cạnh sự phát triển về kinh tế.

Nhắc tới thương vụ mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup, ông có thể chia sẻ hiệu quả mang lại đến nay như thế nào? UOB đặt ra những mục tiêu tăng trưởng mới ra sao?

Thương vụ mua lại mảng Ngân hàng Tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam và 3 thị trường thuộc khu vực ASEAN trong bối cảnh khu vực đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch mang đến cho chúng tôi cơ hội tuyệt vời để củng cố vị thế trên thị trường và mở rộng quy mô kinh doanh bán lẻ với danh mục sản phẩm, mạng lưới và hệ sinh thái đối tác được mở rộng.

Nhờ thương vụ này, cơ sở khách hàng bán lẻ của UOB tại 4 thị trường dự kiến sẽ tăng gấp đôi và bổ sung thêm 5.000 nhân sự, đẩy tốc độ tăng trưởng nhanh hơn 5 năm. Với việc hoàn tất thương vụ mua lại ở Indonesia vào cuối năm 2023, 4 thị trường này dự kiến sẽ mang lại khoản tăng thêm 1 tỉ SGD vào doanh thu của UOB năm nay.

Riêng tại Việt Nam, việc mua lại sẽ tăng gấp 3 lần cơ sở khách hàng bán lẻ, tăng gấp đôi số dư tiền gửi và cho vay bán lẻ của UOB Việt Nam, đồng thời giúp chúng tôi sở hữu một danh mục đầy đủ các sản phẩm tín chấp, bao gồm thẻ tín dụng và cho vay tín chấp cá nhân để bổ sung cho các khoản vay mua ô tô và thế chấp hiện tại.

Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). UOB có những kế hoạch cụ thể nào để tiếp tục góp phần kết nối các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước?

UOB là ngân hàng Singapore đầu tiên thành lập bộ phận tư vấn FDI tại Việt Nam năm 2013 để hỗ trợ thương mại và dòng vốn FDI đang gia tăng vào Việt Nam. Từ năm 2015, UOB và Cục Đầu tư Nước ngoài Việt Nam (FIA) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) đầu tiên và tiếp tục gia hạn sau đó với mục đích tăng cường FDI và thương mại giữa Việt Nam và Đông Nam Á.

Thông qua việc hợp tác chặt chẽ với FIA, UOB Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một điểm đến cho mọi nhu cầu của các công ty nước ngoài muốn mở rộng hoạt động vào Việt Nam bằng cách hỗ trợ gia nhập thị trường và các giải pháp ngân hàng toàn diện.
Đáng chú ý, chúng tôi đã thành lập 10 trung tâm chuyên trách về tư vấn đầu tư FDI để hỗ trợ đầu tư và hoạt động thương mại trên toàn châu Á. Nhờ vậy, chúng tôi có thể hỗ trợ liền mạch cho khách hàng của mình, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn FDI vào Việt Nam và hỗ trợ các công ty Việt Nam mở rộng ra khu vực.

UOB Việt Nam đặt mục tiêu trở thành cầu nối cho các khoản đầu tư tiềm năng trị giá 1,5 tỉ SGD từ các công ty trong những lĩnh vực như sản xuất, công nghệ và hàng tiêu dùng vào Việt Nam trong 3 năm tới.

Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy thị trường tài chính xanh. UOB có kế hoạch nào cho thị trường này tại Việt Nam?

Các ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn để tài trợ các hoạt động kinh tế xanh và UOB là một trong những ngân hàng tiên phong ở lĩnh vực này. Chúng tôi giúp các doanh nghiệp phát triển một cách có trách nhiệm bằng cách đảm bảo tài chính gắn liền với những kết quả có tính bền vững.

Cụ thể, UOB đã triển khai các chương trình thúc đẩy cam kết net zero vào năm 2050. Cam kết dài hạn này của UOB gồm 6 lĩnh vực: điện, ô tô, dầu khí - chuỗi giá trị năng lượng, bất động sản, xây dựng, thép - chuỗi giá trị môi trường xây dựng, chiếm khoảng 60% danh mục cho vay doanh nghiệp của Ngân hàng. Song song đó, UOB đã tham gia Hiệp hội Ngân hàng Net-Zero (NZBA), gồm 121 ngân hàng từ 41 quốc gia với tổng tài sản trên toàn cầu trị giá 70.000 tỉ USD, với nỗ lực giảm thải carbon trong khu vực và trên thế giới. 
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới