Hủy
Thế giới

Mỹ-Triều mở kênh đối thoại: Thế giới thở phào?

Kim Minh Chủ Nhật | 07/01/2018 22:45

Báo chí ngạc nhiên trước giọng điệu hòa hoãn hơn hẳn của Tổng thống Mỹ và lãnh tụ Triều Tiên so với những tuyên bố nảy lửa trong nhiều tuần qua.
 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/1 tuyên bố sẵn sàng đối thoại với lãnh đạo  CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un. Washington hy vọng căng thẳng liên Triều giảm thiểu qua việc Bình Nhưỡng gửi một phái đoàn dự Thế vận hội mùa Đông Pyeonchang vào tháng 2/2018.

Họp báo tại khu nhà nghỉ của tổng thống Hoa Kỳ Camp Davis - bang Maryland, khi được hỏi về khả năng điện đàm với lãnh đạo Triều Tiên, ông Trump nhấn mạnh "luôn tin tưởng vào đối thoại". Chủ nhân Nhà Trắng nói thêm, cần phải có một số điều kiện tiên quyết để mở ra cuộc đối thoại đó.

Ngoài ra, ông Trump hài lòng trước viễn cảnh Seoul và Bình Nhưỡng nối lại đối thoại vào ngày 9/1/2018 tại Bàn Môn Điếm. Đây là lần đầu tiên phái đoàn hai nước gặp lại nhau từ tháng 12/2015. Trong mắt Tổng thống Hoa Kỳ, nếu cuộc đàm phán Liên Triều lần nay đem lại kết quả mong muốn, thì đây sẽ là một "điều kỳ diệu đối với nhân loại".

Báo chí ngạc nhiên trước giọng điệu hòa hoãn hơn hẳn của Tổng thống Trump so với những tuyên bố trong nhiều tuần qua.

Bình Nhưỡng vừa thông báo với Seoul một danh sách gồm 5 thành viên trong phái đoàn Triều Tiên sẽ tham dự cuộc họp ở Bàn Môn Điếm mở ra ngày 9/1/2018. Trong số này có một vài quan chức đặc trách về hồ sơ thể thao tháp tùng ông Ri Son Gwon, người đứng đầu Ủy ban Liên Triều dẫn đầu phái đoàn Bình Nhưỡng. Cuộc họp chủ yếu tập trung vào những điều kiện để Bắc Triều Tiên tham dự Thế vận hội Pyeongchang.

Trước viễn cảnh Triều Tiên gửi một phái đoàn tham dự Thế vận hội mùa Đông sang Hàn Quốc vào tháng 2/2018, tổng thống Donald Trump kỳ vọng, đây là một dấu hiệu hòa hoãn mang "ý nghĩa vượt ngoài khuôn khổ thể thao". Tổng thống Mỹ không quên tự khen mình đã phần nào đóng góp vào nỗ lực làm hạ nhiệt trên bán đảo Triều Tiên. Theo ông, những "tuyên bố mạnh mẽ" nhắm vào Kim Jong Un đã đem lại kết quả.

 Kim Jong Un kêu gọi cải thiện quan hệ liên Triều, chính quyền Bình Nhưỡng còn quyết định nối lại đường dây liên lạc đỏ với Seoul từ hôm 3/1 sau gần hai năm gián đoạn. Theo đánh giá của ông Ian Bremmer, Chủ tịch Công ty tư vấn Eurasia Group, được AFP trích dẫn, lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã cảm thấy có thể "đối thoại ở thế mạnh".

Với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, người luôn ủng hộ đàm phán vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đây là cơ hội để tìm ra giải pháp sống chung với láng giềng vừa tự tuyên bố là cường quốc hạt nhân và không hề có ý định từ bỏ chương trình vũ khí đạn đạo. Vì với Seoul, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn ưu tiên bảo vệ chính sách "Nước Mỹ trước tiên", chứ chưa đến lượt Hàn Quốc.

Washington và Seoul thông báo hoãn tập trận trong thời gian có Thế vận hội Pyeongchang diễn ra từ ngày 9 đến 25/2. Sau khi nói chuyện với nhiều lãnh đạo Hàn Quốc, chuyên gia Ian Bremmer cho rằng để đàm phán với Triều Tiên, không loại trừ khả năng Hàn Quốc còn chấp nhận tạm ngừng các cuộc tập trận với Mỹ.

Sự kiện này sẽ không có lợi cho Washington vì mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên luôn là lý do giải thích sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực. Còn với Bắc Kinh, đây là một thắng lợi vì Trung Quốc, đồng minh của Triều Tiên, không muốn quân đội Mỹ có mặt ngay sát biên giới nếu chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ. 

Trái ngược với thái độ phấn khởi của Tổng thống Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thận trọng hơn khi cho rằng "Thế vận hội là một sự kiện vì hòa bình", và ông mong muốn điều đó được thể hiện qua sự thay đổi thái độ của Triều Tiên. Tuy nhiên, thủ tướng Abe vẫn quan niệm rằng quốc tế cần "gia tăng áp lực" với chế độ Bình Nhưỡng, buộc chính quyền Kim Jong Un từ bỏ tham vọng tên lửa và hạt nhân.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo hoan nghênh đàm phán liên Triều sắp tới nhưng cho biết bất cứ thảo luận nào cũng đều vô ích nếu Triều Tiên không cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của mình. Ông cho biết điều duy nhất đem lại ý nghĩa cho cuộc đàm phán là Bình Nhưỡng phải có hành động thực sự và cụ thể để từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa "một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược".

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trước đó cho biết Washington vẫn còn phương án là thực hiện biện pháp quân sự trong trường hợp những nỗ lực về mặt ngoại giao khiến Bắc Triều Tiên chấm dứt tham vọng vũ khí hạt nhân thất bại. 
  
Trả lời phỏng vấn với Đài CNN của Mỹ, ông Tillerson nói, mục tiêu của Washington là thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên thông qua biện pháp ngoại giao, nhưng đồng thời vẫn tồn tại cả phương án quân sự. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, Triều Tiên cần phải nhớ rằng nếu miền Bắc không ngừng khiêu chiến thì cộng đồng quốc tế sẽ đưa ra các biện pháp cấm vận mạnh mẽ hơn.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới