Hủy
Thế giới

Vì sao giới buôn tiền tín nhiệm Liberty Reserve?

Thứ Tư | 05/06/2013 10:41

Liberty Reserve không phải là “hệ thống chuyển tiền và thanh toán lớn nhất”, nhưng là lớn nhất với các giao dịch phi pháp.
 

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết kể từ khi thành lập năm 2006 tới nay, Liberty Reserve đã tiến hành hơn 55 triệu giao dịch với tổng giá trị 6 tỷ USD. Năm ngoái, nó có hơn một triệu người dùng.

Thực tế, Liberty Reserve chính là "cơ sở hạ tầng" cho hoạt động tội phạm mạng. Bí quyết của LR là dành được lòng tin của hàng trăm ngàn dân giang hồ.

Then chốt: Không ai biết ai là ai

Cái cách miêu tả của Bộ Tư pháp đã khiến những hoạt động thường ngày của LR nghe có vẻ quá phức tạp, thực ra nó chỉ đơn giản thế này:

Liberty Reserve hoạt động như một ngân hàng chỉ nhận tiền gửi bằng đồng tiền của chính mình (đồng Liberty Reserve). Nếu muốn rửa tiền, chỉ cần mở một tài khoản tại LR, bịa ra một cái tên (giả cũng được) và điền vào một địa chỉ email.

"chẳng có gì ngăn Arthur Budovsky (nhà sáng lập LR) in tiền vô tội vạ ..."
Cái hay của LR là người dùng không thể gửi tiền trực tiếp vào tài khoản của mình. Thay vào đó, bạn phải gửi tiền qua trung gian, còn gọi là "người đổi tiền". "Người đổi tiền" mua từng lô lớn đồng LR và thường là một tay buôn tiền không giấy phép nào đó ở những nước như Malaysia, Nigeria và Việt Nam.

Bạn nộp cho "người đổi tiền" USD (hay VNĐ) để đổi lấy "đồng Liberty Reserve" trong tài khoản. Khi muốn rút tiền, quá trình trên diễn ra ngược lại, có điều là với một "người đổi tiền" khác, ở một quốc gia khác.

Bản thân Liberty Reserve thu phí giao dịch 1%, còn "người đổi tiền" thường thu từ 5% trở lên.

Cái hay của cách làm này là "ngân hàng" Liberty Reserve không lưu trữ thông tin gì về bạn cả (như gửi tiền thế nào, gửi tiền từ đâu), vì việc gửi/ rút tiền đều được thực hiện qua "người đổi tiền".

Chủ yếu dành cho giới phạm pháp

Với cơ cấu giao dịch này, rửa tiền trở nên quá đơn giản, mà có vẻ đây chính là chức năng chính của Liberty Reserve. Nhưng LR còn là một đồng tiền ảo, tức là có những "thương nhân" sẽ chấp nhận LR làm phương tiện thanh toán cho hàng hóa dịch vụ. (LR còn có trang mua bán riêng trên website của mình).

Theo chính phủ Mỹ, các "thương nhân" này "chủ yếu là tội phạm". Họ tiến hành những giao dịch mà cả người mua và người bán đều muốn ẩn danh.

Họ bao gồm những kẻ ăn trộm số thẻ tín dụng và số thẻ an sinh xã hội, bọn buôn ma túy hay hacker. Nếu muốn trả tiền ai đó để ăn cắp dữ liệu doanh nghiệp, chỉ cần chuyển LR sang tài khoản kẻ đó.

"... giá trị dài hạn của Liberty Reserve phụ thuộc việc Budovsky không bao giờ lừa khách hàng."
Nói cách khác, cái Liberty Reserve mang lại cho khách hàng chính là việc tiền của bạn trở nên vô danh trên thế giới ảo (vì tất cả những gì dùng để nhận diện bạn chỉ là một địa chỉ email).

Dân giang hồ tin Liberty Reserve

Họ tin đồng LR sẽ không biến thành thứ vô giá trị và họ tin đổi LR ra USD hay EUR rất dễ dàng, mà giá cả lại phải chăng.

Nhận thanh toán bằng USD thì còn hiểu được, vì chắc chắn mai này vẫn dùng được USD mua hàng, đơn giản là vì chính phủ hùng mạnh nhất địa cầu bảo đảm cho giá trị của nó.

Nhưng chẳng có ai chống lưng cho Liberty Reserve cả. Nhìn chung mỗi LR đổi được một USD, nhưng không có điều luật nào bắt buộc phải duy trì tỷ giá ấy. Vì thế, trên lý thuyết, Liberty Reserve có thể tăng giảm tỷ giá tùy hứng.

Quan trọng hơn là, chẳng có gì ngăn Arthur Budovsky (nhà sáng lập LR) in tiền vô tội vạ và dùng chúng để mua hàng. Đặc điểm này khiến LR khác với Bitcoin, thuật toán của đồng tiền ảo này giới hạn số Bitcoin trong lưu thông.

Nếu Budovsky làm thế, giá trị tài sản của tất cả mọi người dùng Liberty Reserve sẽ đều rớt thảm. Biết thế, nhưng hàng trăm ngàn người (trong đó vô số lấy phạm pháp làm kế sinh nhai) vẫn đặt niềm tin nơi Liberty Reserve.

Có lẽ, giá trị dài hạn của Liberty Reserve phụ thuộc việc Budovsky không bao giờ lừa khách hàng. Budovsky có thể là người biết giữ chữ tín, nhưng anh này không bảo vệ nổi Liberty Reserve trước một thế lực còn hùng mạnh hơn: chính phủ Mỹ. Vì thế, nay toàn bộ tiền LR đều vô giá trị.

Thành công của Liberty Reserve (dù ngắn ngủi) là minh chứng rõ ràng cho việc thị trường vẫn phát triển mạnh mẽ dù không có chính phủ nào ở đó để giám sát, thậm chí chẳng có cách nào thực thi pháp luật.

Nguồn CafeF


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới