Hủy

Ngành thép lo ngại cuộc "đổ bộ" của thép Nga

Thứ Hai | 08/09/2014 12:49

Việt Nam dự kiến cắt giảm hơn 167 mã hàng của ngành thép về 0% từ đầu năm 2015 và đây là cam kết khiến cả ngành thép "đứng ngồi không yên".
 

Theo nội dung bản chào khi đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA), dự kiến Việt Nam sẽ cắt giảm hơn 167 mã hàng hóa của ngành thép về 0% kể từ đầu năm 2015 và đây là cam kết khiến cả ngành thép “đứng ngồi không yên”.

VCUFTA dự tính sẽ được ký sớm

Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán hơn 10 FTA với rất nhiều nước/thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới; song một FTA được thúc đẩy đàm phán nhanh, dự kiến sẽ ký sớm vào đầu năm 2015 tới là VCUFTA với Nga, Belarus và Kazakhstan.

FTA này đã trải qua 6 vòng đàm phán từ tháng 3-2013 đến nay và dự kiến sẽ đàm phán vòng 7 vào ngày 15-9 tới tại Nga.

Qua các vòng đàm phán, Việt Nam và các quốc gia nói trên đã thống nhất được cấu trúc tổng thể bản hiệp định và lộ trình thực hiện. Do ít có bất đồng về mặt nguyên tắc so với nhiều FTA với các thị trường cạnh tranh quyết liệt hơn, cơ bản Việt Nam và 3 quốc gia Nga, Belarus, Kazakhstan đã đồng thuận về hầu hết các vấn đề, ngoại trừ đàm phán về ngành thép và xăng dầu.

Đến nay Việt Nam hầu như không có cam kết song phương, đa phương cởi mở nào về thị trường kinh doanh xăng dầu. Đàm phán VCUFTA cũng trên quan điểm như vậy; nhưng với ngành thép thì khác.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính trong Bản chào gửi đối tác và các đề xuất qua 6 phiên họp, thuế suất đối với nhóm ngành sắt thép sẽ về 0% ngay lập tức khi FTA có hiệu lực và mức đề xuất tối đa của bộ Tài chính là sau 5 năm thuế suất về 0% đối với một số mã ngành còn lại.

Phía Nga đưa ra đề xuất 167 mã hàng sắt thép sẽ có mức thuế suất về 0% ngay khi hiệp định được thực thi, không trừ một số mặt hàng nào. Các mặt hàng trong danh sách đề xuất mức thuế 0% chính là các mặt hàng mà doanh nghiệp trong nước đang sản xuất dư thừa như phôi thép, thép xây dựng, thép ống và tôn mạ.

Trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) đang thực thi, các nhóm ngành hàng này có lộ trình cắt giảm thận trọng hơn. Một số mặt hàng muốn nhập khẩu về Việt Nam phải chịu mức thuế 15% (2018). Một số mặt hàng khác như phôi thép đến 2020 mới về mức thuế 15%.

Trong thực tế, chỉ mới cắt giảm theo lộ trình ACFTA, ngành thép Việt Nam đã rất vất vả chống đỡ cuộc “đổ bộ” của thép Trung Quốc, từ nhập chính ngạch đến nhập lậu. Năm 2013, tổng giá trị các loại thép nhập từ Trung Quốc về Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, là hơn 8 tỉ đô la Mỹ, khiến cho mức nhập siêu riêng ngành thép là 5,6 tỉ đô la. Nay nếu ký thêm VCUFTA, cắt giảm đột ngột về mức thuế 0% hầu hết các mặt hàng thép, thì nguy cơ chết yểu của hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam lại càng lớn bởi bị cả hai người khổng lồ của ngành thép thế giới là Trung Quốc và Nga “tấn công” trực diện.

Lộ trình cắt giảm thuế phải tính kỹ hơn

Theo phản ánh của Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp thép sau khi dự cuộc họp với Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) và Bộ Tài chính về việc này đều bị sốc. Do vậy, Hiệp hội đã gửi văn bản đến Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Công thương hôm 27-8 để phản ánh về mức thuế (dự kiến) cắt giảm chưa hợp lý này.

Vấn đề đặt ra là từ nhiều năm nay, do hàng rào thuế quan cao nên thép Nga hầu như ít xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Vậy cớ gì khiến các doanh nghiệp thép lo ngại sự xuất hiện của thép Nga - nước có tổng sản lượng xuất khẩu đứng thứ 7 thế giới (năm 2013), kém xa so với Trung Quốc?

Theo ông Chu Đức Khải, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép Việt Nam chấp nhận sự cạnh tranh đến từ nhiều phía. Tuy các doanh nghiệp trong nước đã lớn dần về quy mô nhưng năng lực cạnh tranh còn yếu và không đồng đều.

Hiện ngành thép cung đã vượt xa cầu, chưa kể các dự án đang trong giai đoạn xây dựng khi đi vào sản xuất sẽ khiến cho cạnh tranh chính các doanh nghiệp trong nước ngày càng trở nên gay gắt hơn. Nay thêm nhiều FTA đồng loạt sẽ được thực thi mà các cơ quan quản lý thiếu sự phối hợp chuẩn bị cùng doanh nghiệp thì một số ngành hàng sẽ “chết” sớm.

Hiệp hội Thép tỏ ra đặc biệt lo ngại với việc có thể thép Nga sớm xuất hiện trở lại. Vì hiện nay, với tổng sản lượng sản xuất đứng thứ 5 toàn cầu (68,7 triệu tấn/năm), công nghệ sản xuất hiện đại (70% sản xuất bằng lò cao), đã có sẵn thị phần 8,1% sản phẩm xuất khẩu vào châu Á và chi phí sản xuất tốt thì chỉ cần VCUFTA được thông qua, thép Nga sẽ nhanh chóng gia tăng tại châu Á, nhất là Việt Nam.

Bởi xét về mặt địa lý, Nga không quá gần với Việt Nam như Trung Quốc nhưng nếu tính trên giao thông hàng hải, hàng hóa từ cảng Vladivostok, Nga về tới Việt Nam chỉ mất từ 12-15 ngày; tương đương với việc vận chuyển hàng từ các khu vực nhà máy của Trung Quốc (10 ngày). Hiện nay giá vận chuyển một tấn thép từ Viễn Đông của Nga về Việt Nam khoảng 20 đô la Mỹ, cũng tương đương với vận tải đường biển từ các cảng Trung Quốc về Việt Nam.

Như vậy, khi hàng rào thuế quan giữa Nga và Việt Nam được nhanh chóng xóa đi, các ưu đãi Tối huệ quốc (MNF) ở mức thuế từ 7% đến 15% như hiện nay được dỡ bỏ, ngành thép Việt Nam sẽ thêm khốn đốn cạnh tranh với thép Nga.

Ông Khải nói rằng, vấn đề không phải là ngành thép xin bảo hộ rất cần một lộ trình cắt giảm thuế giảm dần theo thời gian, 5 hay 10 năm, với các danh mục cắt giảm được tính toán có chọn lọc.

Nguồn thesaigontimes


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới