Hủy

Quỹ nước ngoài: Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã minh bạch hơn

Thứ Tư | 26/04/2017 10:49

Quỹ T. Rowe Price Frontier Markets Equity sẽ tiếp tục đầu tư vào ngân hàng, bất động sản và xây dựng, và chú ý hơn tới ngành tiêu dùng.
 

Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm của ông Oliver Bell, giám đốc danh mục đầu tư tại T. Rowe Price Frontier Markets Equity, vốn là quỹ đầu tư chuyên về thị trường cận biên:

Việt Nam là một thị trường hấp dẫn và đang có những sự thay đổi lớn. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng điểm mạnh thời gian qua. Đây là một trong những trọng điểm đầu tư của quỹ T. Rowe Price Frontier Markets kể từ giữa năm 2014.

Gần đây, chúng tôi đã tham dự hội nghị đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, nơi chúng tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều công ty, chuyên gia trong ngành, cũng như đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Gần 200 nhà đầu tư nước ngoài và khoảng 200 nhà đầu tư trong nước đã tham dự hội nghị này. Việt Nam đã trở lại trên bản đồ đầu tư thế giới và ai cũng đều nói rằng đây là một điểm đến hàng đầu châu Á, dù vẫn còn một số rủi ro.

Nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng

Nền kinh tế Việt Nam đã có 5 năm tăng trưởng ổn định và tương lai vẫn rất hứa hẹn, với mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng, với ngành điện tử là lĩnh vực thu hút vốn chủ chốt, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất lớn. Điều đáng chú ý là 70% kim ngạch xuất khẩu hiện nay của Việt Nam là đến các doanh nghiệp FDI, với Samsung Electronics chiếm 30%.

Lạm phát đang tăng lên, nhưng vẫn dưới 5%. Về mặt lịch sử, lạm phát luôn là chỉ báo cho một đợt vỡ bong bóng tiềm năng, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao chỉ số này. Và nền kinh tế này cũng có nhiều điểm yếu. Thâm hụt tài khóa đang ở mức 6% GDP, trong khi tỷ lệ nợ trên GDP là 65% đã chạm trần của chính phủ, do đó,chính phủ Việt Nam đang nỗ lực phối hợp để kiềm chế tỷ lệ này.

Việc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị trì hoãn là một điều không may, nhưng tới nay thì nó cũng chưa có tác động thực sự lên nền kinh tế. Có chăng việc TPP không được Mỹ thông qua có thể có tác động trong dài hạn, do so với các thị trường cận biên khác thì mô hình tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc tiếp cận thị trường Mỹ và các nước phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam đã có những cuộc đàm phán về các hiệp định thương mại song phương các nước như Mỹ, vì vậy chúng ta không nên quá lo ngại.

Chú ý vào mảng bất động sản

Một trong những lý do chúng tôi gia tăng tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam khoảng giữa năm 2014 là vì có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy thị trường bất động sản đã chạmđáy. Điều thú vị bây giờ là sau gần ba năm, phân khúc cao cấp nhất của thị trường bất động sản hiện đang có dấu hiệu thừa cung.

Tuy nhiên, nếu xét tới nhân khẩu học, có thể thấy quá trình đô thị hóa đang thu hút khoảng 1 triệu người đến các thành phố lớn mỗi năm. Tuổi trung bình của người dân là dưới 31, với 45 phần trăm dân số dưới 30 tuổi. Điều này tạo ra nhu cầu rất mạnh ở phân khúc trung bình và thấp của thị trường bất động sản.

Phân khúc cao cấp sẽ bị thừa cung, nhưng các nhà đầu tư có vẻ khá lạc quan vào thời điểm này. Tuy nhiên, lãi suất vay mua nhà đã tăng cao hơn, khoảng từ 7% đến 10%, so với với lợi suất cho thuê tương đối thấp (khoảng 6%), điều này có thể tạo ra áp lực cho phân khúc cao cấp.

Hệ thống ngân hàng đã minh bạch hơn

Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã từng là một mối lo, nhưng trong chuyến đi này tôi đã được trấn an rằng những vấn đề của quá khứ đang được xử lý. Mọi người đã trở nên trung thực hơn. Một trong những ngân hàng mà chúng tôi gặp gỡ cho biết tỷ lệ nợ xấu (NPLs) có thể là khoảng 17% vào lúc cao điểm. Ba năm trước họ đã nói với chúng tôi rằng con số này chỉ là 5 %.

Kết quả là thị trường chứng khoán đã rất hoan nghênh những ngân hàng công khai tỷ lệ nợ xấu của mình, khi giá cổ phiếu các ngân hàng này đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Nhiều ngân hàng trong số này hiện có nợ xấu khoảng 2% - một con số tích cực so với trước.

Tình hình lợi nhuận thì khả quan, tăng trưởng tín dụng tăng khoảng 18% trong năm ngoái và dự kiến ​​sẽ ở mức tương đương trong năm nay. Tuy nhiên, dòng chảy của tín dụng sẽ được thay đổi. Trong quá khứ, phần lớn dòng tín dụng này hướng đến các doanh nghiệp nhà nước, nhưng bây giờ nó đang chuyển hướng sang ngành bán lẻ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tận dụng lợi thế của ngành tiêu dùng còn rất nhiều tiềm năng.

Ngành tiêu dùng tăng trưởng mạnh hơn

Chính người tiêu dùng Việt Nam đang tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư. Chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam hiện đang ở mức khá tốt, do  GDP bình quân đầu người tăng lên, lương tăng và việc đi vay tiêu dùng cũng dễ dàng hơn. Điều này giúp thúc đẩy ngành dịch vụ, vốn đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Cho đến nay, chúng tôi đã hưởng lợi từ những ngành như ngân hàng, bất động sản và xây dựng. Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục đầu tư vào những mảng này, nhưng chúng tôi cũng có thể đầu tư một ít vào mảng tiêu dùng. Chúng tôi đã tìm ra một vài công ty tiềm năng cho mảng này, có thể là những cổ phiếu có vốn hóa nhỏ nhưng mang lại cơ hội tốt trong dài hạn.

Nhìn chung, đây là một chuyến đi tích cực, nhưng tôi có thể thấy rủi ro chắc chắn sẽ tăng lên - liên quan đến yếu tố chu kỳ kinh tế và định vị thị trường, đặc biệt là với các quỹ nước ngoài. Tuy vậy, hiện tại vẫn còn rất nhiều động lực trong nền kinh tế và của một số công ty nhất định để chúng tôi tiếp tục dốc lực đầu tư vào Việt Nam.

Bá Ước

Nguồn CityAM


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới