Hủy

VASEP lo nhà máy giấy Trung Quốc hủy hoại nguồn lợi thủy sản miền Tây

Thứ Bảy | 18/06/2016 10:19

Người dân và doanh nghiệp thủy sản tại đồng bằng sông Cửu Long đang rất hoang mang trước thông tin nhà máy giấy của Trung Quốc sắp đi vào hoạt động.
 

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết người dân và các doanh nghiệp thủy sản tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang hoang mang trước thông tin dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hongkong – Trung Quốc) sắp đi vào hoạt động ở cặp bờ sông Hậu. Quy mô nhà máy giấy này lớn nhất Việt Nam, thuộc hàng top 5 trên thế giới.

Theo VASEP, dự án này chuyên sản xuất, gia công, mua bán các loại giấy, bao bì bột giấy và sản phẩm từ giấy, có diện tích sử dụng khoảng 82,8ha. Nhà máy giấy này đã chính thức khởi công vào tháng 3/2015 và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 8/2016. 

Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ thải ra khoảng 28.500 tấn xút (NaOH)/năm. Theo VASEP, nhà máy này được đặt ở vùng trũng nhất khu vực nên rất khó rửa trôi một khối lượng xút lớn. Hiện khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn.

"Vì vậy nếu lượng xút này đổ ra sông Hậu và biển thì sẽ hủy hoại nguồn lợi thủy sản ở sông và biển, đồng thời ảnh hưởng lớn tới việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL", thông báo của VASEP cho hay.

Các doanh nghiệp thủy sản cũng đang rất lo ngại vì dự án này có thể hủy hoại nguồn lợi thủy sản vùng ĐBSCL.

Hiện VASEP đã gửi công văn tới Quốc hội và Chính phủ khẩn cấp chỉ đạo việc kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của Dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam và chỉ đạo, yêu cầu đầy đủ và đồng bộ hoạt động giám sát xả thải của nhà máy Lee&Man bao gồm cả đầu tư thiết bị, cơ chế giám sát và thực thi.

Được biết, từ năm 2007, sau khi biết thông tin dự án xây dựng nhà máy giấy và bột giấy Lee&Man đang xin cấp phép thành lập tại Cụm công nghiệp Nam Sông Hậu, VASEP đã gửi văn bản báo cáo tới Bộ NN và PTNT đề nghị Bộ có ý kiến với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan về việc này.

Theo đó, trong công văn trả lời ngày 6/9/2007, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT) nêu rõ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” thì không quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang và theo "Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010 - tầm nhìn 2020" cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại ĐBSCL.

ĐBSCL là vùng sản xuất thủy sản trọng điểm của cả nước. Khu vực này chiếm trên 70% diện tích thủy sản, 40% sản lượng nuôi trồng và 60% sản lượng xuất khẩu của cả nước.

Mới đây, vụ cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất thủy sản của ngư dân, đồng thời khiến ngành thủy sản chịu sức ép ngày càng lớn từ các thị trường nhập khẩu.

Nhật Duy


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới