Bất động sản công nghiệp đón FDI thế hệ mới
Thực tế, vốn FDI vào Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024 đạt 27,26 tỉ USD. Ảnh: Reatimes.vn.
Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG đang sở hữu quỹ đất cho thuê bất động sản công nghiệp khá dồi dào. Chẳng hạn, Khu công nghiệp Phước Đông còn khoảng 799,6 ha đất thương phẩm, giá cho thuê từ 80-100 USD/m2/chu kỳ thuê; Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn còn lại khoảng 131,25 ha đất thương phẩm, giá cho thuê 210-230 USD/m2/chu kỳ thuê; Khu công nghiệp Đông Nam còn lại khoảng 24,78 ha, giá cho thuê khoảng 260 USD/m2/chu kỳ thuê... “Với quỹ đất còn lại khoảng 1.200 ha, Công ty sẽ đảm bảo phát triển bền vững trong vòng 3-5 năm tới”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Những công ty như Đầu tư Sài Gòn VRG được đánh giá là triển vọng trong làn sóng bất động sản công nghiệp đang đi lên tại Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2019-2023 hoạt động cho thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam đã tăng trưởng tích cực với diện tích MOU và ký mới đạt mức tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 35%. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Lego, Foxconn, LG, Hyundai, Lotte hay Luxshare nhằm đa dạng hóa sản xuất và giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá thuê trung bình cũng tăng đáng kể: các khu công nghiệp ở miền Bắc tăng 35%, miền Nam tăng 67% từ năm 2020 đến quý II/2024.
Bất động sản công nghiệp năm 2024 có độ chững nhất định. Báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho thấy diện tích MOU và ký mới của các khu công nghiệp niêm yết đã giảm từ 30-65% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2024. Sự chậm lại của dòng vốn FDI vào khu vực này có một số nguyên nhân chính: biến động tỉ giá hối đoái có thể ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, dẫn đến doanh nghiệp FDI do dự trong việc đầu tư mới; tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng còn chậm, đẩy chi phí logistics cao hơn khiến việc đầu tư ít hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, Chính phủ đang có những hành động quyết liệt nhằm giải quyết các nút thắt để thu hút dòng vốn FDI bao gồm nghiên cứu và thiết lập cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu; đề xuất trong Luật Công nghiệp công nghệ số; nâng cao cơ sở hạ tầng để kết nối các trung tâm công nghiệp như đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt nối Trung Quốc và Việt Nam.
Do đó, nhiều nhận định cho rằng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trưởng, ngay cả khi các luật thuế mới của Mỹ được áp dụng. Thực tế, vốn FDI vào Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024 đạt 27,26 tỉ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ. “Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng”, ông Joon Suk Park, Giám đốc Khối kinh doanh quốc tế, Khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, nhận định trong báo cáo về kinh tế Việt Nam.
Đặc biệt, Việt Nam có thể hưởng lợi dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, do Mỹ đánh thuế cao các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Donald Trump, dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tại các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai và Bắc Ninh đã tăng mạnh. Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Công ty Avison Young Việt Nam, hy vọng kịch bản này sẽ lặp lại với Việt Nam khi khéo léo tận dụng các hiệp định thương mại để đa dạng hóa giao thương, phát triển thị trường bất động sản nhờ dòng vốn đầu tư mới.
Hiện nay, Việt Nam đang đón làn sóng FDI “thế hệ mới” là công nghệ cao, xe điện, năng lượng tái tạo, chất bán dẫn nổi lên như một xu hướng toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến phù hợp nhờ việc tham gia 16 hiệp định FTA, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật, Úc, Hàn...
Bà Phạm Thái Thanh Trúc, Giám đốc Phân tích ngành bất động sản và xây dựng, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), nhận định, ngành bất động sản công nghiệp được dự báo tiếp tục hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, đặc biệt từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Lợi thế sẽ nghiêng về các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn như Viglacera, Đầu tư Sài Gòn VRG, Tổng Công ty IDICO, Becamex IDC hay những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong việc thu hút đầu tư các tập đoàn quốc tế lớn như Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Viglacera.
Đặc biệt, để đón làn sóng FDI thế hệ mới với đích ngắm là ngành công nghệ cao, bán dẫn..., Việt Nam cần phải đảm bảo nguồn cung đất công nghiệp theo hướng bền vững và năng lượng tái tạo. Lúc này, nhiều khu công nghiệp tại các địa phương đã được khuyến nghị chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái.
“Với sự phát triển của hạ tầng giao thông, thị trường bất động sản đang lan ra những khu vực mới như các thị trường cấp 2 hay các khu kinh tế cửa khẩu. Bên cạnh đó, sự mở rộng của các chủ đầu tư hiện hữu hay sự gia nhập thị trường của các chủ đầu tư mới khiến cho bức tranh bất động sản khu công nghiệp thời gian tới càng trở nên sôi động”, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Cấp cao chi nhánh CBRE Việt Nam tại Hà Nội, nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường bất động sản Việt Nam 2025: Chuyển dịch và Cơ hội
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Văn Kim