Hủy
Bất động sản

Hết thời đổi đất lấy hạ tầng

Sơn Nguyễn Thứ Tư | 12/08/2020 08:00

Ảnh: Thiên Ân.

 
 
Những kẽ hở trong mô hình BT đã chính thức được bịt kín.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công với nhiều điểm mới mà đặc biệt là chính thức khai tử mô hình BT (xây dựng - chuyển giao) còn nhiều kẽ hở. Điều này sẽ tác động ra sao đến cục diện thị trường hợp tác công - tư (PPP) trong thời gian tới?

Chiếc bánh hỏng vì kém minh bạch

Từng được đánh giá là công cụ đầu tư có tính sáng tạo, giúp thu hút dòng vốn tư nhân chảy vào lĩnh vực hạ tầng, mô hình hợp tác PPP với nhiều biến thể như BT, BOT, BOO... từng để lại dấu ấn với các dự án trọng điểm như dự án xây dựng đại lộ Phạm Văn Đồng hay cầu Sài Gòn 2. Tuy vậy, mô hình đầu tư này dần bộc lộ nhiều hạn chế khó gỡ.

Khiếm khuyết nhiều nhất có lẽ nằm ở các hợp đồng BT. Theo các chuyên gia, về bản chất đây vẫn là hình thức mua sắm công thông thường mà Nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt mà bằng các tài sản khác (nhất là bằng đất). Tuy nhiên, Nhà nước vẫn phải thanh toán, tức chi tiêu công thông qua đầu tư và cuối cùng chỉ là một dạng lách Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công.

 

Các hợp đồng BT không thanh toán bằng tiền mặt thường dẫn đến thực trạng kém  minh bạch trong khâu thẩm định, phê duyệt, dẫn đến tình trạng “xin - cho” hay chỉ định thầu khá phổ biến. Thậm chí, một số lô đất được dùng để thanh toán cho nhà đầu tư vẫn chưa hoàn tất thủ tục thu hồi, hoàn thành giải phóng mặt bằng. Điều này dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn tranh chấp giữa người dân với nhà đầu tư. Một số lô vẫn chưa thực hiện bàn giao, xác định giá đất để làm cơ sở thanh toán cho hợp đồng hay không thực hiện đấu giá để xác định giá trị cao nhất có thể, khiến cho giá trị tài sản thanh toán cho nhà đầu tư thậm chí còn đắt hơn cả chi phí phải trả bằng tiền mặt.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Công ty Luật sư NHQuang&Cộng sự, các dự án BT không phù hợp với chính sách hợp tác PPP vì không có yếu tố tranh thủ vốn đầu tư dài hạn của tư nhân cũng như công nghệ quản trị tiên tiến của khu vực này. Ngoài ra, tại Việt Nam còn tình trạng sau khi dự án được phê duyệt, nhà đầu tư vay vốn, thế chấp bằng tài sản dự án để tự xây dựng công trình, thu hồi ngay cả gốc và lãi cho phần vốn ban đầu đã bỏ ra. Cho nên, dù có rút lui hay không thì họ cũng không quan tâm đến số phận của dự án nữa.

Không thể phủ nhận công cụ BT thời gian qua đã góp phần giúp Việt Nam cải thiện đáng kể chất lượng hạ tầng giao thông, gia tăng tính cạnh tranh và thu hút được đáng kể dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, minh bạch hạn chế, lợi ích nhóm trong công tác lựa chọn nhà đầu tư khiến thị trường BT ngày càng bát nháo. Vì vậy, trong Luật PPP vừa được thông qua, cũng dễ hiểu khi Quốc hội quyết định chấm dứt triển khai các hợp đồng BT trong các năm tới.

Giải bài toán vốn

Khá nhiều doanh nghiệp hạ tầng và kinh doanh địa ốc có kết quả kinh doanh các năm qua phụ thuộc đáng kể vào dự án BT. Đơn cử như Phát Đạt trúng thầu dự án BT xây Trung tâm Thể thao Phan Đình Phùng, đầu tư xây dựng hạ tầng nội bộ Khu I (Khu cổ đại) ở quận 9 hay trước đây còn được phép xúc tiến nghiên cứu đầu tư Cầu Thủ Thiêm 4, kết nối quận 7 với quận 2.

 

Đó còn là Licogi 16 với các dự án BT xây đường Bình Tiên, Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) nhận được nhiều hợp đồng BT cải tạo Quốc lộ 1A hay đầu tư hạ tầng phía Bắc, Khu Đô thị Thủ Thiêm trị giá hàng ngàn tỉ đồng. Hay ở Hải Phòng, Tập đoàn Hoàng Huy liên tiếp nhận các hợp đồng BT với giá trị lên tới 3.700 tỉ đồng. Có thể thấy việc ngừng ký kết hợp đồng BT có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chiến lược kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong các năm tới.

Mặc dù vậy, siết chặt lại công cụ đầu tư PPP là phù hợp với xu thế. Theo thống kê trên thế giới, có tới hơn 60% dự án PPP không đạt được các mục tiêu mong muốn so với đầu tư công (bao gồm hiệu quả về tài chính, chất lượng công trình, công nghệ và năng lực quản trị và an toàn hay rủi ro trong vận hành dự án). Vì vậy, một số nước không còn mặn mà với hình thức này. Bên cạnh đó, mặc dù mục tiêu hướng tới huy động vốn tư nhân, nhưng hầu hết các dự án này được tài trợ bởi vốn vay ngân hàng. Như vậy, rủi ro tài chính của dự án hoàn toàn không được chuyển sang tư nhân mà Nhà nước vẫn gánh trọn trong trường hợp ngân hàng mất khả năng thanh toán.

Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Ảnh: Quý Hòa.
Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Ảnh: Quý Hòa.

Tất nhiên, việc dừng cơ chế BT có thể ảnh hưởng đến tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm, thậm chí một số dự án phải chạy lại thủ tục từ đầu. Đơn cử như dự án Cầu Thủ Thiêm 4 trước đây được TP.HCM dự kiến sẽ áp dụng chỉ định thầu với giá trị hơn 5.200 tỉ đồng và dùng 11 lô đất để thanh toán. Nhưng với Luật PPP mới, dự án này sẽ phải chuyển sang tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và dự kiến thời gian triển khai sẽ kéo dài hơn.

Áp lực huy động nguồn vốn mới vì vậy sẽ dồn lên vai chính quyền các tỉnh, thành phố. Đơn cử như theo đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM đến năm 2030, danh mục dự án giao thông có nhu cầu vốn tới 904.000 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách 438.776 tỉ, còn lại là nguồn vốn khác từ Trung ương, xã hội hóa, vốn vay ODA.

Ứng phó với tình hình mới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Trần Anh Tuấn cho rằng thành phố phải ngay lập tức chuẩn bị nhiều nguồn vốn, như  lập quỹ đất công và công khai bán đấu giá, thu phí ùn tắc giao thông, thuế sử dụng, thuế môi trường... để bổ sung nguồn vốn. Tuy nhiên, hiệu quả của các công cụ huy động vốn này cần thêm thời gian để kiểm chứng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới