Lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản nhà ở tăng trở lại
Trên thực tế, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản là nhờ các khoản thu nhập tài chính từ giao dịch bán buôn. Ảnh: PV.
Những con số đầu tiên của các doanh nghiệp bất động sản đã được công bố, cho thấy những tín hiệu tích cực. Khép lại 2 quý đầu năm với mức tăng trưởng 6,42% của GDP, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 nếu xét trong giai đoạn 2020-2024. Tâm lý các nhà sản xuất cũng tốt lên thấy rõ, PMI tháng 6 tăng mạnh lên 54,7, không chỉ vượt hẳn ngưỡng mở rộng 50 mà còn đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm qua.
Trong ngày 23/7/2024, đã có thêm 130 doanh nghiệp đưa ra ước tính kết quả kinh doanh hoặc công bố báo cáo tài chính cho quý II/2024, nâng tổng số công bố lên 482 doanh nghiệp. Báo cáo của FiinGroup cho thấy, mặc dù tăng mạnh về số lượng, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh là nhóm vừa và nhỏ nên tính đại diện (xét theo quy mô vốn hóa) vẫn chỉ hơn 35,7%.
Số liệu từ FiinGroup cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế quý II/2024 của 482 doanh nghiệp này tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng trưởng của quý I, ở mức 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng chung tiếp tục được dẫn dắt bởi nhóm Tài chính, với đóng góp đáng kể từ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TCB, ACB, LPB, SSB) nhờ động lực chính đến từ việc tăng trưởng tín dụng (ngược lại, biên lãi thuần NIM tiếp tục thu hẹp).
Nhóm phi tài chính tiếp tục có lợi nhuận tăng thấp nhưng mức tăng trưởng 6,7% so với cùng kỳ đã cao hơn so với lần cập nhật trước đó của FiinGroup.
Đáng chú ý trong lần cập nhật thứ 5 này là nhóm bất động sản nhà ở (bao gồm VHM, NLG và PDR) với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng dương trở lại, với mức tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, sau 3 quý suy giảm trước đó, bất chấp doanh thu sụt giảm hay quy mô không đáng kể (so với lợi nhuận trong kỳ).
“Trên thực tế, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản là nhờ các khoản thu nhập tài chính từ giao dịch bán buôn tại dự án Royal Island (VHM), chuyển nhượng dự án Đại Phước 45 ha cho đối tác Nhật (NLG), hay bán công ty liên kết (PDR)”, FiinGroup nhận định.
Ngoài ra, ngành hàng cá nhân với đại diện lớn nhất là doanh nghiệp kinh doanh trang sức PNJ cũng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong quý II này, với mức tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh vàng miếng (vốn có biên lợi nhuận thấp hơn mảng vàng trang sức).
Nhóm chứng kiến lợi nhuận suy giảm trong quý II/2024 vẫn là cảng hàng không, tiện ích (khí đốt, điện, xăng dầu), vật liệu xây dựng (ống nhựa), dược phẩm, dệt may.
FiinGroup cũng lưu ý rằng do số lượng doanh nghiệp có ước tính kết quả kinh doanh quý II/2024 chưa đủ lớn nên những phân tích về lợi nhuận trong lần cập nhật này chưa mang tính đại diện cho toàn ngành hay toàn thị trường.
Có thể bạn quan tâm
HSBC: Việt Nam sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Nam Anh
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ