Hủy
Chuyên đề

Đề cao trung thực trong giáo dục trực tuyến

Cẩm Tú Thứ Ba | 02/06/2020 15:35

Đào tạo trực tuyến phải là công cụ hỗ trợ tạo cơ hội cá nhân hóa đào tạo cho từng học viên.
 

Sau một học kỳ đảm nhiệm vị trí Phó Hiệu trưởng Đại học Văn Lang, Giáo sư Trương Nguyện Thành lại gặp một thử thách mới. Đó là chuyến về Mỹ thăm gia đình dịp nghỉ Tết Nguyên đán của ông bỗng kéo dài ngoài dự kiến và câu chuyện dạy học trực tuyến bỗng trở thành vấn đề cấp bách trước mắt. NCĐT đã trao đổi với Giáo sư Trương Nguyện Thành xung quanh vấn đề này.

Là một người có nhiều năm trong lĩnh vực giảng dạy, theo ông, thử thách lớn nhất của giáo dục trực tuyến là gì?

Đại dịch COVID-19 trong vài tháng qua từng bước bộc lộ hết khuyết điểm của tất cả hệ thống giáo dục trên thế giới, kể cả một nước tiên tiến như Mỹ. Nhưng nhìn chung, theo tôi, thử thách lớn nhất của giáo dục trực tuyến là làm sao đánh giá chính xác năng lực học tập của người học để đảm bảo công bằng học thuật.

Thi tập trung trong lớp có giám thị mà còn xảy ra gian lận, thì không có gì đảm bảo học viên không tra cứu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để trả lời câu hỏi của bài thi khi làm trực tuyến. Hiện tại, công nghệ ProctorU đã cho phép giám thị kiểm soát qua mạng khi học viên làm bài thi, nhưng yêu cầu về kỹ thuật như đường truyền, webcam vẫn đang giới hạn việc sử dụng công nghệ này. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở giới hạn kỹ thuật, ProctorU yêu cầu khả năng kết nối với camera máy tính của học viên để quan sát học viên. Việc này sẽ xâm phạm quyền riêng tư, kèm theo nguy cơ không nhỏ trong vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trường e ngại.

 

Ngoài ra, những công nghệ gia sư trực tuyến như Chegg cũng có thể trở thành công cụ hỗ trợ cho việc gian lận. Học viên chỉ cần sao chép câu hỏi đăng nhập vào hệ thống có phí thì sẽ có gia sư ở đâu đó trả lời câu hỏi. Gian lận kiểu này đã xảy ra ở kỳ thi vừa rồi tại khoa của tôi. Đây là giới hạn của công nghệ đối với phương pháp đánh giá năng lực học hiện nay.

Vậy theo ông, làm sao để đảm bảo sự công bằng trong đánh giá cho những học viên trung thực?

Như tôi đã nói, thách thức lớn nhất của giáo dục trực tuyến đó là sự trung thực trong học thuật. Thử thách này cho thấy phương pháp đánh giá năng lực học tập hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở Mỹ khi tập trung vào kiểm tra kiến thức đọng lại ở học viên vào cuối khóa học là hoàn toàn không còn phù hợp. Ngành giáo dục Việt Nam lâu nay vẫn còn đánh giá năng lực học tập theo cách này.

Triết lý giáo dục của tôi thì khác hẳn. Nhờ vào chính sách tự do học thuật ở các trường đại học Mỹ, tôi có khả năng đưa triết lý giáo dục của riêng mình vào các lớp trình độ cao học, năm 3 và năm 4 đại học trong hơn 25 năm giảng dạy. Tất cả các bài kiểm tra trong lớp, tôi cho sinh viên tra khảo tài liệu thoải mái. Ngày từ đầu khóa học, tôi đã nói với sinh viên rằng: “Khi ra đời làm việc, các em sẽ phải giải quyết các vấn đề với tất cả các công cụ có trong tay. Do đó, khả năng phân tích vấn đề, truy cập thông tin, tích hợp kiến thức để đưa ra giải pháp mới là quan trọng. Tôi không yêu cầu các em phải nhớ thuộc lòng bất cứ điều gì. Hiểu và biết rõ giới hạn, cách áp dụng kiến thức mới là điều quan trọng”. Đây chính là triết lý giáo dục của nền giáo dục 4.0 mà tôi đã đề cập trong thời gian qua trên nhiều kênh thông tin.

 

Với triết lý này, kỳ thi cuối kỳ trực tuyến mới đây của các em trong lớp hóa lượng tử của tôi có điểm tương đồng với điểm thi giữa kỳ trong lớp trước khi bị cách ly xã hội. Điều này cho thấy khả năng gian lận trong bài thi trực tuyến là khá thấp. Đương nhiên các câu hỏi theo triết lý giáo dục này khác nhiều so với những câu hỏi dạng kiểm tra kiến thức vì chúng tập trung vào năng lực phân tích và giải quyết vấn đề. Do đó, đi tìm giải pháp công nghệ hay cơ chế cho những thách thức giáo dục trực tuyến trong thời giãn cách xã hội là điều bất khả thi khi tính trung thực của học viên “có giới hạn”. Nên chăng đến lúc chúng ta cần phải thay đổi triết lý giáo dục? Đây có thể là một cơ hội lớn mà dịch COVID-19 đem lại cho giáo dục và phát triển con người.

 

Nếu đây là cơ hội thay đổi thì chúng ta nên thay đổi triết lý giáo dục theo hướng nào, thưa ông?

Đầu tiên, chúng ta nên định nghĩa lại học là gì? Nếu bạn tra trên Google thì học (learning) là quá trình tiếp thu hiểu biết, kiến thức, hành vi, kỹ năng, giá trị và sở thích mới. Nếu thế, con người chỉ học khi còn nhỏ trong khoảng thời gian chưa biết gì. Còn một khi đã biết, đã có thói quen, đã có kỹ năng, đã có giá trị hay sở thích thì không cần học nữa. Điều này liệu có đúng không?

Thêm nữa, tâm lý học về tính năng thiên vị của con người chỉ ra rằng chúng ta thường nghe những gì ta muốn nghe, thấy những gì ta muốn thấy, hiểu theo cách ta muốn hiểu. Do đó, những gì mà chúng ta suy nghĩ, quyết định hay hành động vì chúng ta cho rằng nó là đúng. Nếu điều ta biết là đúng thì ta không cần phải học nữa! Nếu nhận định như thế thì quá trình học của con người sẽ dần chậm và dừng lại khi đến một độ tuổi nào đó. Nói vậy thì khẩu hiệu “học mãi” hóa ra là sai hay sao.

Trong thời đại 4.0, giáo dục thường hay dùng từ “unlearn” mà tiếng Việt thì không có từ tương đương, tôi tạm dịch là “xóa học”. Nếu hiểu như máy tính và theo định nghĩa của học ở trên, thì “xóa học” là xóa bỏ hiểu biết, kiến thức, hành vi, kỹ năng, giá trị và sở thích mà ta đang có. Làm sao con người có thể làm được điều này! Bạn có thể nhấn nút xóa kiến thức mình biết không? Khoa học đã chứng minh con người có khả năng học (bắt chước) từ khi mới sinh ra. Do đó, kiến thức kể cả kỹ năng luôn phát triển, các kiến thức cũ luôn được bổ sung thêm hoặc bị thay thế bằng những kiến thức đúng đắn hơn. Và giữ nguyên những kiến thức cũ mình cho là đúng và không suy nghĩ, học hỏi, tiếp thu thêm điều mới sẽ đồng nghĩa với việc chính mình bị lạc hậu, không theo kịp sự phát triển. Thế nên, nếu chúng ta cho rằng: “Học là quá trình thay đổi cái đúng bởi cái đúng hơn”, thì lúc nào ta cũng có thể học và học đến khi ta trút hơi thở cuối cùng. Các mâu thuẫn trong lý luận tôi nêu trên tự nhiên không còn nữa.

 

Những bài học kinh nghiệm từ phát triển nền giáo dục 2.0 và 3.0 cho thấy đào tạo trực tuyến có một số khuyết điểm và không thể thay thế giáo dục qua lớp học. Tuy nhiên, trong nền giáo dục 4.0, lớp học không còn là nơi thầy cô dạy kiến thức, trò lắng nghe, mà đào tạo trực tuyến là công cụ hỗ trợ tạo cơ hội cá nhân hóa đào tạo cho từng học viên. Học sinh, sinh viên qua hệ thống đào tạo trực tuyến học hỏi kiến thức trước khi đến lớp và lớp học là nơi ứng dụng kiến thức để phát triển những kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0. Các kỹ năng đó là giải quyết vấn đề, suy nghĩ đa chiều và sáng tạo, tương tác, làm việc nhóm. Đánh giá năng lực của học viên không còn tập trung vào “nhớ” kiến thức mà vào khả năng áp dụng kiến thức để giải quyết vấn đề.

Bên cạnh việc giảng dạy trực tuyến khi sinh viên không đến trường, cuộc sống của ông tại bang Utah trong những tuần lễ buộc phải hạn chế đi lại diễn ra như thế nào?

Tôi dành nhiều thời gian để học hỏi thêm về tương tác giữa khoa học thần kinh, tâm lý học về phát triển con người, khoa học thể dục để có thể đưa những phương án đào tạo toàn diện dựa trên nền tảng khoa học. Ngoài ra, tôi cũng bỏ chút thời gian tự thiết kế các bài tập Yoga Sculp (Giáo sư Trương Nguyện Thành có chứng chỉ Huấn luyện viên Yoga Sculp), thiết kế lại chế độ ăn uống sao cho giảm bớt phụ thuộc vào thuốc mà vẫn kiểm soát được căn bệnh tiểu đường của mình. Tôi cũng học thêm một số điều mới mẻ như làm phim để xây dựng nội dung cho đào tạo trực tuyến. 

Đại dịch COVID-19 mở ra một cơ hội rất lớn khi số lượng ca nhiễm trên thế giới đã vượt trên 5 triệu nhưng vẫn chưa có thuốc chữa trị hay vaccine.  Một trong những hướng nghiên cứu chính của tôi là dùng phương pháp mô phỏng sinh học phân tử (bước đầu tiên trong quy trình phát triển thuốc) để thiết kế thuốc Tây. Tôi có một công trình nghiên cứu khoa học khá đột phá cho COVID-19 và sẽ công bố trong thời gian sắp tới.

Dường như Giáo sư còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu Đạo Đức Kinh của Lão Tử?

Trong những khung triết lý để giải thích văn hóa, xã hội, cuộc sống và hành vi của con người, thì thuyết đối xứng được biểu hiện qua hình thái cực (Âm - Dương) của Lão Tử là một trong những khung triết lý mà tôi cho là dễ hiểu và có nhiều cơ sở khoa học. Theo thuyết này, mọi sự đều có đối xứng của nó và có một sự kết hợp hài hòa giữa 2 thái cực. Thiện đối với ác, trắng đối với đen, tình yêu đối với tình dục, mặn đối với ngọt, ảo đối với thật, phần mềm đối với phần cứng. Kể cả trong lĩnh vực hóa lượng tử mà tôi có chuyên môn khoa học, hạt electron lại có hành vi của sóng (electron diffraction) và ngược lại, sóng (ánh sáng) cũng có hành vi của hạt (photon) trong một số trường hợp. Muốn biết hành vi của hạt electron thì phải giải bài toán tìm sóng (wave function) của nó!

Do đó, tôi hứng thú với thuyết đối xứng trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử ở khía cạnh triết học là phần phụ, phần chính đó là tìm ra cách nhìn mới trong giải quyết vấn đề. Khi bạn không thể giải quyết vấn đề ở trạng thái hiện tại, có khả năng bạn tìm thấy giải pháp ở trạng thái đối xứng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới