Hủy
Chuyên đề

Đường đến top 50 Fintech của MoMo

Bảo Trung - Quý Yên Thứ Tư | 20/11/2019 08:00

Ảnh: MoMo.

 
 
Hành trình chinh phục cột mốc 13 triệu người sử dụng của MoMo đồng hành với sự phát triển của nền kinh tế số tại việt nam.

Ngày 4.11, theo công bố của Công ty Kiểm toán KPMG (Hà Lan) và quỹ đầu tư tài chính H2 Ventures (Úc), Ví điện tử MoMo đã lần thứ 2 liên tiếp lọt vào danh sách xếp hạng uy tín toàn cầu 2019 Fintech100 - Leading Global Fintech Innovators, nhảy vọt từ vị trí 84 lên vị trí thứ 36.

2019 Fintech100 là ấn bản thường niên công bố lần thứ 6. Như năm 2018, xếp hạng năm nay chia làm 2 danh sách: Top 50 công ty dẫn đầu (Leading 50) và Top 50 công ty mới nổi (Emerging 50). Theo bảng xếp hạng này, MoMo cũng là công ty đầu tiên của Việt Nam lọt vào Top 50 công ty dẫn đầu.

Ví điện tử trong hệ sinh thái fintech

Ví MoMo là đại diện duy nhất của Việt Nam có mặt trong Top 50 công ty dẫn dầu của danh sách Fintech100 năm nay cùng với các tên tuổi hàng đầu thế giới như: Ant Financial (Trung Quốc), JD Finance (Trung Quốc), Grab (Singapore), Go-Jek (Indonesia), Opendoor (Mỹ), Paytm (Ấn Độ), OakNorth (Anh)... Fintech100 năm 2019 đánh giá Ví MoMo là một ví điện tử cung cấp đa dạng các dịch vụ cho khách hàng nhu cầu thiết yếu nhất trong cuộc sống như nạp điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn điện, nước, viện phí, học phí, mua vé máy bay, vé tàu, vé xem phim, ăn uống, giải trí và vui chơi... “Sự thăng hạng này dựa trên các tiêu chí ví MoMo trong một năm qua nỗ lực và phát triển bứt phá để đạt được như hoạt động đổi mới sáng tạo của sản phẩm, dịch vụ; khả năng huy động vốn; quy mô và độ bao phủ”, đại diện Ban Tổ chức Fintech100 cho biết.

 

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo, cho biết: “Từ khi bắt đầu, MoMo đã xác định tầm nhìn trở thành một công cụ tài chính cho mọi người dân Việt Nam, giúp cho những người thu nhập thấp, tiểu thương có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính đơn giản và dễ dàng”.

Trước thời điểm nhận giải thưởng quan trọng này, MoMo đã khuấy động thị trường bán lẻ bằng ngày hội “Siêu hoàn tiền”. Ước tính có hàng triệu lượt người tiêu dùng tham gia chương trình này ở hàng loạt hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị, cây xăng... Không chỉ thể hiện quy mô người dùng của Ví MoMo mà dòng người đông đảo này cũng cho thấy thói quen thanh toán qua ứng dụng smartphone đang phổ biến hơn tại Việt Nam.

aa
 Ví điện tử MoMo cũng giành được nhiều giải thưởng tại Việt Nam. Ảnh: QH.

Sự hoàn thiện của MoMo đồng hành với hành trình phát triển nền kinh tế số hóa của Việt Nam với sự hình thành của các công ty công nghệ tài chính (fintech). Từ năm 2015, với sự phát triển của các công ty hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán, thị trường fintech Việt Nam bắt đầu có những bước phát triển mạnh mẽ. Cùng thời điểm, Ngân hàng Nhà nước chính thức cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán cho các doanh nghiệp. Mỗi đơn vị chọn một hình thức hoạt động riêng, dùng ví điện tử cho hệ sinh thái riêng như: ZaloPay cho mạng xã hội Zalo, ViettelPay cho những người dùng sim Viettel, VTC Pay, Soha Pay, ePay...

Tuy nhiên, MoMo lại khởi động với dịch vụ chuyển tiền và thanh toán trên di động nhằm tập trung vào lượng lớn khách hàng đang đi làm với các khoản thanh toán cước viễn thông và nạp card điện thoại. Sau hơn 12 năm, MoMo đã có hơn 13 triệu người dùng, 12.000 đối tác thanh toán, 100.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc và liên kết trực tiếp 23 ngân hàng lớn tại Việt Nam cùng 43 ngân hàng nội địa (qua cổng NAPAS) và thẻ quốc tế. Hệ sinh thái của MoMo trải rộng trên mọi lĩnh vực: điện lực, viễn thông, di động, truyền hình, tài chính cá nhân, ngân hàng, hàng không, giải trí, game, bán lẻ, dịch vụ ăn uống... Có thể kể ra những đối tác của MoMo như Lotte Mart, Circle K, Ministop, Gongcha, Koi, The Coffee House, Al Fresco’s, Hoàng Yến, Vinasun, Vissan, Adayroi...

 

Tuy nhiên, theo báo cáo Fintech100, sự cạnh tranh khốc liệt của các ngành đã thể hiện rõ rệt khi trong danh sách xếp hạng năm nay cho thấy sự sụt giảm mạnh mẽ của các công ty trong lĩnh vực thanh toán từ 34 công ty (năm 2018) xuống còn 27 công ty (năm 2019). Chỉ những công ty có tiềm lực thực sự mới có thể trụ vững. Tại Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 2,09 triệu tỉ đồng, tiếp tục duy trì mức tăng 3 con số trên 100% đạt được từ năm trước. Sự bùng nổ này khiến cuộc đua giữa các ví điện tử ngày một quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước cho biết cho dù đang có khoảng 30 doanh nghiệp làm ví điện tử, nhưng tới 90% thị phần cả giá trị và số lượng giao dịch thuộc về 5 công ty trung gian thanh toán.

“Siêu ví” trong nền kinh tế số

Với các fintech phát triển mạnh mẽ như MoMo, thị trường fintech Việt Nam đạt 4,4 tỉ USD giá trị giao dịch vào năm 2017 và được dự kiến sẽ đạt đến 7,8 tỉ USD vào năm 2020. Theo ước tính chưa chính thức, hiện tại ở Việt Nam, có khoảng 200 công ty fintech đang hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau. Đi cùng với mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế xuống dưới 10% của Chính phủ, xu thế phát triển của ngành này là tất yếu. Fintech đang được coi là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái số hỗ trợ cho mobile banking và nền kinh tế số, nền kinh tế không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam phát triển. Theo Bộ Công Thương, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 12 tỉ USD năm 2019 và dự báo sẽ bứt phá lên 43 tỉ USD vào năm 2025, bao gồm các lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

 

Dân số đông và trẻ (hơn 90 triệu người) với hơn 70 triệu người sử dụng điện thoại di động thông minh (Báo cáo Vietnam digital landscape - We are social 2018). Chỉ số tăng trưởng GDP vào khoảng 6,7% mỗi năm và tỉ lệ người lớn biết đọc rất cao, 95%). Yếu tố này cho thấy, thị trường Việt Nam có tiềm năng phát triển cao, có thể trở thành một mỏ vàng rất lớn cho các sản phẩm fintech.

Đầu tư vào công nghệ tài chính đang ngày càng nóng ở Việt Nam. Theo khảo sát của Đại học Quốc gia, 70% trong số các công ty fintech đã nhận nguồn vốn từ Mỹ, Anh, Pháp, Nhật. Tổng số vốn đầu tư chạm mốc 117 triệu USD vào năm 2018, mức đầu tư cao nhất từ trước đến nay. Thấy được sự tăng trưởng vững chắc của các ứng dụng như MoMo, Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs đã có khoản đầu tư 28 triệu USD vào ví điện tử MoMo. Tiếp đó, vào tháng 1.2019, MoMo đã khép lại vòng gọi vốn Series C do Warburg Pincus dẫn đầu với số tiền lên tới 153 triệu USD, khiến đây trở thành một trong những vòng có giá trị gọi vốn lớn nhất dành cho một ví điện tử tại Việt Nam.

  Chương trình Siêu hoàn tiền của Ví MoMo tại các cây xăng thu hút đông đảo giới tài xế tham gia. Ảnh: MoMo.
Chương trình Siêu hoàn tiền của Ví MoMo tại các cây xăng thu hút đông đảo giới tài xế tham gia. Ảnh: MoMo.

Ở tầm nhìn rộng hơn, theo báo cáo “Tương lai các dịch vụ tài chính kỹ thuật số Đông Nam Á” do Temasek, Google và Bain & Company vừa công bố, với dân số 570 triệu người và GDP dự kiến sẽ đạt 4.700 tỉ USD vào năm 2025, ngành dịch vụ tài chính Đông Nam Á có tiềm năng to lớn. Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số dự kiến sẽ tạo ra doanh thu khoảng 38 tỉ USD và chiếm 11% tổng ngành dịch vụ tài chính nếu hội tụ đủ yếu tố, bao gồm đầu tư, liên tục khuyến khích, kích thích sự đổi mới cũng như sự chấp nhận của người dùng.

Tại Việt Nam, các nền tảng thanh toán trực tuyến như VNPT Epay có 65% vốn sở hữu thuộc quỹ đầu tư của Hàn Quốc; 90% vốn của Công ty Cổ phần 1Pay thuộc Tập đoàn TrueMoney đến từ Thái Lan. Đáng chú ý, Quỹ Vision Fund của SoftBank và Quỹ đầu tư quốc gia GIC của Singapore vừa rót khoảng 150 triệu USD cho VNPAY. Thương vụ lớn này đánh dấu sự gia nhập mạnh mẽ của các công ty nước ngoài vào thị trường ví điện tử đầy tiềm năng của Việt Nam.

Thanh toán di động đang dần trở thành xu hướng mới, các công nghệ như mã QR, thanh toán tiếp xúc, phi tiếp xúc và số hóa thông tin thẻ ngày càng gia tăng. Trong đó, theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thanh toán điện tử cao nhất thế giới với tốc độ khoảng 35%/năm. Giao dịch mỗi năm qua ví điện tử đạt 60 triệu lượt với giá trị bình quân đạt 200.000 đồng/giao dịch.

 

Với dữ liệu khách hàng ngày càng lớn, các nhà đầu tư cũng hướng đến tầm nhìn “siêu ứng dụng” cho MoMo khi ví điện tử này có thể đáp ứng được mọi nhu cầu thiết yếu hằng ngày qua các tính năng thanh toán tiền tiết kiệm, cây xăng, trường học, bệnh viện... Chẳng hạn, vào ngày 1.11, MoMo đã trở thành hiện tượng mạng xã hội trong “ngày siêu hoàn tiền”. Chỉ sau 1 ngày, ứng dụng thăng hạng, xếp vị trí số 1 tại App Store và số 2 tại Google Play trong biểu đồ dành cho ứng dụng miễn phí phổ biến nhất. Lượt tải và sử dụng Ví MoMo tăng đột biến không chỉ giúp ví điện tử này ghi dấu trên các bảng xếp hạng ứng dụng mà còn là bước tiến mới của ví điện tử này trong việc thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng Việt, hướng đến một kỷ nguyên thanh toán điện tử thay thế tiền mặt, nhanh chóng, tiện lợi và an toàn.

MoMo đã gặt hái không ít thành công và đứng vững sau 12 năm hoạt động. Tuy nhiên, so với thị trường 100 triệu dân, mức độ thâm nhập của MoMo và các công ty cùng ngành vẫn còn khiêm tốn. Theo lãnh đạo MoMo, việc quan trọng của Ví MoMo là làm sao đóng góp thêm nữa vào việc phát triển dịch vụ tài chính toàn diện và đẩy lùi thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. “Trước mắt, mối ưu tư hàng đầu của MoMo là tạo trải nghiệm thú vị cho khách hàng, làm sao đơn giản hóa sản phẩm, mở rộng kênh thanh toán để khách hàng tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng”, ông Diệp cho biết.

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng đây sẽ là xu hướng trong tương lai và có thể trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp kỳ lân, được định giá trên 1 tỉ USD. Rõ ràng, giấc mơ kỳ lân có thể đến sớm với các doanh nghiệp như MoMo nếu tận dụng được thời cơ và sự hậu thuẫn về chính sách hướng đến nền kinh tế không tiền mặt và xây dựng nền kinh tế số tại Việt Nam.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới