Công ty công nghệ Đông Nam Á "đau đầu" tìm lối thoát lợi nhuận
EBITDA của các nhà khai thác dịch vụ thương mại điện tử và các dịch vụ khác sẽ đạt 11 tỉ USD vào năm 2024. Ảnh: Nikkei Asia.
Các công ty công nghệ số Đông Nam Á đang dần tăng khả năng sinh lợi sau khi phải cân nhắc lại chiến lược "tăng trưởng bằng mọi giá" vì giai đoạn bùng nổ hậu đại dịch đã kết thúc, theo báo cáo ngành được công bố gần đây.
Nghiên cứu thường niên của Google, Temasek Holdings (Singapore), và công ty tư vấn Bain & Co. (Mỹ) cho thấy lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, vận tải và giao đồ ăn theo yêu cầu dự kiến đạt tổng lợi nhuận EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) khoảng 11 tỉ USD vào năm 2024, tăng từ 9 tỉ USD năm ngoái và 4 tỉ USD vào năm 2022.
Báo cáo e-Conomy SEA 2024 ước tính EBITDA của các công ty công nghệ hàng đầu trong từng lĩnh vực, từ đó dự báo cho các công ty nhỏ hơn. “Sau nhiều năm nỗ lực, chúng tôi đã thấy lợi nhuận tăng rõ rệt”, bà Sapna Chadha, Phó chủ tịch Google châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.
Chỉ số lợi nhuận, lần đầu được báo cáo, cho thấy các “ông lớn” công nghệ như Shopee trong thương mại điện tử và Grab trong dịch vụ gọi xe đang phải thắt chặt chi phí, tăng phí hoa hồng và mở rộng lĩnh vực kinh doanh mới như quảng cáo để tồn tại.
Định hướng lợi nhuận này diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế mở cửa trở lại từ đại dịch COVID-19 vào năm 2022 và lãi suất tăng cao. Trước nhu cầu dịch vụ trực tuyến suy yếu và môi trường huy động vốn khắc nghiệt hơn, các công ty không thể duy trì các chương trình khuyến mãi và giảm giá để thu hút người dùng.
Theo báo cáo, ít nhất 25% số công ty trong danh mục của các nhà đầu tư giai đoạn đầu đã hoặc sắp đạt lợi nhuận. Tính theo ngành, truyền thông và du lịch trực tuyến đạt lợi nhuận trong năm nay với tỉ suất EBITDA lần lượt là 45% và 15%.
Dù vậy, thương mại điện tử và vận tải - giao đồ ăn vẫn ghi nhận tỉ suất lợi nhuận âm, lần lượt ở mức -10% và -5%. “Mô hình thương mại điện tử về cơ bản là có lãi”, ông Florian Hoppe, đối tác tại Bain, nhận xét, đồng thời cho biết tỉ lệ hoa hồng đã cải thiện nhờ việc thu lợi từ các lĩnh vực như quảng cáo, bảo hiểm và tín dụng.
Trong khi các công ty tìm cách cân bằng giữa tăng trưởng và lợi nhuận, chi tiêu trong nền kinh tế số Đông Nam Á đang chậm lại vì lạm phát và lãi suất cao. Báo cáo dự đoán tổng giá trị hàng hóa của các công ty công nghệ số, một thước đo tổng doanh số trực tuyến, sẽ tăng 15% lên 263 tỉ USD trong năm nay, thấp hơn mức tăng 17% của năm 2023, với ngành thương mại điện tử chiếm khoảng 60% tổng chi tiêu.
Nghiên cứu này theo dõi xu hướng kinh tế số tại sáu thị trường trong khu vực gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Nguồn vốn tài trợ cho startup Đông Nam Á vẫn ở mức thấp kỷ lục, với chỉ 306 thương vụ đầu tư tư nhân trong nửa đầu năm 2024, giảm mạnh so với 564 thương vụ cùng kỳ năm ngoái. “Chưa thể khẳng định rằng mùa xuân đầu tư đã tới”, ông Fock Wai Hoong, Trưởng bộ phận Đông Nam Á của Temasek, cho biết.
Có thể bạn quan tâm:
Piano thoái trào tại Trung Quốc
Nguồn Nikkei Asia
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Tiến sĩ - Bác sĩ Lâm Đức Hoàng (Trần Chung ghi)
-
Lê Mai Anh
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn