Hủy
Công Nghệ

Cuộc chạy đua về công nghệ bản đồ: Ai sẽ thắng?

Khánh Đoan Thứ Tư | 05/07/2017 12:30

 
 
Giá trị thị trường bản đồ dành cho xe không người lái sẽ tăng trưởng từ mức 2,2 tỉ USD năm 2020 lên tới 24,5 tỉ USD vào năm 2050.

Vào thập niên 1940, Jorge Luis Borges, một nhà văn Argentina, đã viết một câu chuyện ngắn về bản đồ. Câu chuyện này tưởng tượng về một đế chế mà khi bản đồ bằng giấy theo tỉ lệ 1:1 hoàn thành một cách đầy đủ, chi tiết sẽ bao quát toàn bộ vương quốc. Bởi tấm bản đồ rất cồng kềnh và gần như vô dụng nên các thế hệ sau đó đã để cho tấm bản đồ lụi tàn theo thời gian. 

Thế nhưng, các tấm bản đồ hiện đại ngày nay đã hoàn toàn vượt qua trí tưởng tượng và sáng tạo của Borges. Bằng cách sử dụng mạng lưới các cảm biến, năng lực máy tính và trình độ cao trong phân tích dữ liệu, các chuyên gia vẽ bản đồ kỹ thuật số có thể tạo ra những mô phỏng thời gian thực của thế giới vật chất mà con người và máy móc có thể dựa trên đó đưa ra quyết định. Những bản đồ này hiển thị các công trình đang thi công đang làm tắc nghẽn giao thông trên đường hoặc những góc phố nào bị ô nhiễm nhất. Các sản phẩm cải tiến cũng buộc bản đồ phải có thêm đặc tính mới. Chẳng hạn, máy bay không người lái cần biết làm thế nào để bay qua các thành phố. Hay một trò chơi tăng cường thực tế ảo có thể cần biết chính xác vị trí của tượng đài Nelson’s Column ở London. 

Trong thế giới bản đồ dành cho người tiêu dùng, Google là một gã khổng lồ. Bằng chứng là có hơn 1 tỉ người sử dụng ứng dụng smartphone Google Maps mỗi tháng. Các đối thủ của Google vẫn có thể sống tốt bằng cách cung cấp các hướng dẫn chỉ đường chi tiết ở những thành phố đông đúc, chẳng hạn như CityMapper chỉ dẫn người sử dụng đâu là lối ra ở các trạm xe điện đông đúc ở London. 

Nhưng không ai có thể so kè với Google về mặt doanh thu. Tính năng quảng cáo tìm kiếm cho phép doanh nghiệp đặt mẫu quảng cáo bên trong kết quả tìm kiếm của một người sử dụng mà người này đang ở gần địa chỉ của doanh nghiệp đó, kèm theo bản đồ dẫn đường đến địa chỉ công ty này. Những dấu hiển thị cho phép các doanh nghiệp có thể làm nổi bật địa chỉ của họ dọc theo những con đường mà Google chỉ dẫn người sử dụng trong quá trình tìm kiếm một địa điểm nào đó. Chẳng hạn, dấu hiển thị vị trí cho thấy có một cửa hàng Starbucks đang ở trên con đường dẫn ra Công viên Trung tâm ở thành phố New York. Theo dự báo của Morgan Stanley, những quảng cáo như vậy sẽ tạo ra 1,4 tỉ USD doanh thu cho Google trong năm 2017, tăng lên mức 3,3 tỉ USD vào năm 2020.

Cuoc chay dua ve cong nghe ban do: Ai se thang?

Tuy nhiên, cuộc đua phát triển xe không người lái có thể mang đến một cơ hội còn lớn hơn nhiều vì xe không người lái không thể nào tự vận hành mà không có bản đồ hướng dẫn. Goldman Sachs cho rằng thị trường bản đồ dành cho xe không người lái sẽ tăng trưởng về giá trị từ mức 2,2 tỉ USD năm 2020 lên tới 24,5 tỉ USD vào năm 2050. Sự thống trị của Google trong lĩnh vực bản đồ tiêu dùng có nghĩa là Công ty có một lợi thế cạnh tranh lớn trong lĩnh vực đang lên này. Nhưng mọi thứ cũng không hề dễ dàng cho Google. Bởi lẽ hàng loạt các đối thủ lớn đến từ Thung lũng Silicon, các startup, các nhà sản xuất ô tô truyền thống và cả một số công ty bản đồ đang ra sức lật đổ ngôi vị của Google. Khả năng này không phải là không có thể nếu xét 3 thành tố chính trong thế giới bản đồ kỹ thuật số. 

Đầu tiên là thông tin về đường sá, các tòa nhà... Những thông tin bản đồ như vậy đã trở thành món hàng thông dụng. Chẳng hạn, kho dữ liệu mở OpenStreetMap (Anh) được sử dụng rất rộng rãi và có dữ liệu bao phủ toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp bản đồ mới ra đời cũng được phát triển dựa trên dữ liệu OSM. 

Yếu tố quan trọng thứ hai là những hình ảnh cận cảnh về các con đường. Vào tháng 5, Google cho biết đã sử dụng kỹ thuật trí tuệ nhân tạo gọi là học sâu (deep learning) để quét 80 tỉ bức hình, tự động nhận diện số nhà và tên đường cũng như tên doanh nghiệp. Những hình ảnh của Google được thu thập nhờ vào những chiếc xe “StreetView” của nó, vốn rong ruổi khắp trái đất ghi nhận hình ảnh các con đường kể từ năm 2007.

Kho dữ liệu dồi dào này của Google là một rào cản khiến cho những công ty khác khó lòng bước vào thị trường. Nhưng nay thì đã khác. Mapillary, một startup Thụy Điển cũng sử dụng kỹ thuật học sâu để xử lý hình ảnh, đã tung ra một bộ dữ liệu gồm 25.000 hình ảnh đường phố được thu thập thông qua mạng lưới cảm biến của nó. CEO Jan Erik Solem của Mapillary cho biết Mapillary đang cung cấp dữ liệu được khai thác từ những hình ảnh này cho những công ty đang muốn xây dựng bản đồ cho ô tô không người lái. 

Thành tố thứ ba là khối lượng dữ liệu khổng lồ về vị trí GPS thời gian thực từ những người đang sử dụng smartphone. Google thu thập các dữ liệu như vậy từ những người sử dụng Google Maps khi họ di chuyển khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, bức tường phòng thủ này của Google cũng không còn được xem là “bất khả xâm phạm”. Mapbox, một doanh nghiệp trẻ của Mỹ, đã tìm ra một phương thức thông minh hơn để cạnh tranh với Google, khi cho ra đời một bộ phát triển phần mềm chỉ chuyên dùng cho bản đồ (SDK), mà bất kỳ nhà phát triển nào cũng có thể lắp đặt và sử dụng để mang bản đồ đến tay người sử dụng. Hiện SDK của Mapbox có mặt trong khoảng 250 triệu chiếc điện thoại. 

Google cũng đang cạnh tranh với một công ty bản đồ lâu đời, vốn đã bán dữ liệu bản đồ cho các hệ thống dẫn đường ô tô kể từ năm 1985. Ba hãng xe lớn nhất nước Đức gồm Daimler, Volkswagen và BMW đã mua lại HERE (có trụ sở ở Chicago) với giá 3,1 tỉ USD vào năm 2015. Tháng 12 năm ngoái, một nhóm công ty Trung Quốc và Singapore bao gồm công ty internet Tencent và NavInfo, một công ty bản đồ ở Bắc Kinh, đã nắm giữ 10% cổ phần trong HERE. HERE sẽ cung cấp cho Tencent các bản đồ kỹ thuật số về Trung Quốc. Nó sẽ tiếp cận dữ liệu vị trí từ WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến của Tencent, kết nối nó với một mạng lưới cảm biến có quy mô không kém gì đối thủ Google. Công ty cũng đã bắt tay với DJI, nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới.

Không chỉ vậy, 3 hãng xe lớn của Mỹ gồm General Motors, Ford và Fiat Chrysler cũng đã đầu tư rất mạnh tay vào bản đồ kỹ thuật số thông qua các startup trí tuệ nhân tạo và thông qua các thương vụ hợp tác với các công ty gọi xe và với TomTom của Hà Lan, một công ty bản đồ khác có tuổi đời lớn hơn. Rõ ràng, cuộc đua bản đồ ngày càng khốc liệt

Khánh Đoan

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới