Hủy
Công Nghệ

Đường đến fintech của Razer

Huy Vũ Thứ Sáu | 12/07/2019 08:00

Ảnh: nationmultimedia.com

 
 
Razer tham vọng giành thị phần fintech bằng một hệ sinh thái khép kín.

Lĩnh vực fintech ở Đông Nam Á lại có thêm một công ty đi lên từ sản xuất phần cứng tham gia. Cụ thể, cuối tháng 6 vừa qua, hãng phần cứng Razer bất ngờ tuyên bố hợp tác cùng Visa. Tính năng trả trước của Visa và các dịch vụ khác sẽ được tích hợp vào ví điện tử Razer Pay của Razer. Bằng cách này, 60 triệu người sử dụng các dịch vụ Razer (bao gồm phần cứng, phần mềm) có thể thực hiện giao dịch tại 54 điểm trên toàn thế giới.

Tay bán phần cứng, tay bán ví

Theo thống kê của Visa, hiện Đông Nam Á có đến 438 triệu khách hàng chưa tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và gần một nửa trong độ tuổi từ 15-34 tuổi. Đây là tập khách hàng mà cả Razer và Visa đều hướng đến để tạo sự khác biệt trên thị trường.

Để thu hút người sử dụng, tính năng trả trước của Visa trên Razer Pay được kích hoạt mà không cần người dùng kết nối tài khoản ngân hàng trước đó. Theo đó, khách hàng có thể sử dụng tính năng này để nạp tiền điện thoại, mua sắm thương mại điện tử, gọi xe hay thanh toán hóa đơn. “Bên cạnh các khoản thanh toán, các dịch vụ tài chính vi mô khác như cho vay hay bảo hiểm cũng sẽ được tích hợp trong Razer Pay”, ông Min-Liang Tan, đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của Razer tuyên  bố.

Duong den fintech cua Razer

Thương vụ này ít nhiều thu hút được sự quan tâm của dư luận, vì Razer nổi tiếng bởi chuyên sản xuất thiết bị phần cứng dành cho các game thủ và đang ngày càng dấn sâu vào fintech thông qua hợp tác và các thương vụ mua bán với các công ty trong ngành. Thành lập năm 2005, Razer đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Doanh thu năm ngoái của doanh nghiệp này là hơn 700 triệu USD, lãi gộp đạt 170 triệu USD.

Tham vọng tham gia fintech của Razer hình thành từ tháng 8.2017, khi đó người đứng đầu Razer tuyên bố tạo ra hệ thống thanh toán điện tử thống nhất toàn quốc trong 18 tháng.

Thực ra, Razer đã tham gia vào lĩnh vực fintech từ nhiều năm trước, nhưng trong phạm vi nhỏ hơn. Từ rất lâu, Công ty đã phát hành Razer zGold, một dịch vụ tín dụng ảo cho phép các game thủ mua hàng hóa và vật phẩm ảo trong các trò chơi được phân phối bởi đơn vị này.

Tiền trong zGold cũng có thể dùng để chi trả các dịch vụ trực tuyến khác Steam Wallet, Garena, Sony PlayStation, Spotify, iflix và Astro NJOI. Đây là thói quen chung của các game thủ ở thị trường châu Á - Thái Bình Dương.

Với Razer Pay, Razer đơn giản là muốn mở rộng hệ sinh thái không chỉ là các tài khoản dịch vụ trực tuyến mà còn các vật dụng hữu hình được sử dụng và bày bán hằng ngày ở các cửa hàng tiện lợi. Tập khách hàng cũng đa dạng hơn chứ không gói gọn trong phạm vi cộng đồng game thủ như trước.

Với cách làm này, Razer sẽ đối đầu trực tiếp với AirPay (Sea), Alipay (Aliababa), Grab Pay (Grab) hay GoPay (Go-Jek) ở khu vực Đông Nam Á.

Mặt trận Việt Nam

Trong tham vọng mở rộng tập khách hàng fintech của Razer, với 65 triệu người (từ độ tuổi 15-65, theo LPB Research) chưa từng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và tỉ lệ được chấp thuận vay cao nhất Đông Nam Á (theo Financial Times Confidential Research - FTCR), Việt Nam chắc chắn là điểm đến hấp dẫn với công ty này. Tuy nhiên, để gia nhập thị trường  là không dễ. Giống như nhiều quốc gia khác, Chính phủ Việt Nam đang lấy ý kiến nhằm đưa ra các chính sách để kiểm soát hoạt động các ví điện tử hiệu quả hơn.

Hiện chỉ có 28 ví điện tử được cấp phép thanh toán trung gian. Các đơn vị đã và đang hợp tác với các đối tác ngoại hiện liên tục đầu tư khuyến mãi để thu hút người sử dụng, trong khi các đơn vị còn lại đều hiểu rõ giá trị giấy phép mà họ đang nắm trong tay.

Cho đến nay, vẫn chưa biết chính xác kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam của Razer. Trước mắt, để phục vụ thị trường Việt Nam, việc hợp tác với Visa sẽ giúp cho khách hàng trong nước mua được zGold để phục vụ cho nhu cầu mua sắm các vật dụng trong game hoặc các dịch vụ khác. Tuy nhiên, để thực hiện nhiều giao dịch vi mô hơn ở Việt Nam như tham vọng người đứng đầu Razer đặt ra, rõ ràng công ty này sẽ cần nhiều hơn một giấy phép để các tính năng của Razer Pay được hoạt động đầy đủ.

Duong den fintech cua Razer

Trên thực tế, Razer hiểu rõ các rào cản gia nhập fintech ở Đông Nam Á. Chẳng hạn, năm 2018 Công ty đã chi 81 triệu USD để mua lại nền tảng thanh toán trực tuyến MOL ở Malaysia nhằm củng cố hoạt động của Razer Pay. Công ty đang cho thấy tham vọng lớn trong việc giành thị phần fintech bằng một hệ sinh thái khép kín.

Cuối năm 2017, Razer đã bắt đầu bán smartphone sau khi mua lại đơn vị startup sản xuất di động mang tên Nextbit. Bức tranh mà Razer đang cho các đối thủ thấy là Công ty sẽ bán điện thoại di động, có cài đặt game do Công ty phân phối và ứng dụng Razer Pay đến tay người tiêu dùng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới