Hủy
Công Nghệ

Ép trấu ra vàng

Thứ Ba | 05/07/2016 13:00

 
 
Năng lượng sinh của khối phụ phẩm nông nghiệp lên đến gần 53,5 triệu tấn, tương đương với 12,8 triệu tấn dầu thô.

Trước đây, trấu chỉ được sử dụng để giữ lạnh cho nước đá, hoặc được các lò gạch, lò rượu thu gom để làm nhiên liệu nấu và thu được tro để bán làm phân bón. Nhưng vài năm gần đây, trấu được chế biến thành một loại nhiên liệu sinh khối hiệu quả, thân thiện môi trường, không chỉ sử dụng trong nước còn được cung ứng cho thị trường thế giới.

Giai đoạn năm 2010-2016, sản lượng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tăng dần từ 20 triệu tấn lên hơn 25 triệu tấn. Với tỉ lệ 20% là vỏ trấu, lượng trấu thu được ở mức 4-5 triệu tấn mỗi năm. Hiện nay, giá trấu tươi đã ở mức 700-800 đồng/kg, trong khi vài năm trước, giá chỉ từ 100-200 đồng có khi chỉ 50 đồng.

 “Doanh nghiệp xay xát tận dụng nguồn trấu có sẵn để sản xuất rất tiện lợi, đồng thời lợi nhuận thu được từ việc bán củi trấu cao, thay vì bỏ đi như trước đây”, ông Trương Hoàng Vân, Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Vĩnh Phú, cho biết. Hiện nay, nhà máy ép trấu Hoàng Vĩnh Phú trung bình sản xuất khoảng 400-500 kg củi trấu thành phẩm, giá bán gấp đôi trấu nguyên liệu ở mức 1.300-1.500 đồng/kg. Nhà máy hoạt động chủ yếu vào ban đêm để tận dụng giá điện giờ thấp điểm.

“Khi bước vào thời điểm chính vụ, lượng trấu nhiều mới tăng cường sản xuất vào giờ cao điểm. Lợi thế lớn nhất chính là lượng trấu trong quá trình xay xát có thể đưa thẳng vào bồn dự trữ nguyên liệu của máy nên tiết kiệm được nhân công, hiện cả dây chuyền chỉ cần 7 người làm”, ông Vân chia sẻ.

Ep trau ra vang
Hiện nay, giá trấu tươi đã ở mức 700-800 đồng/kg, tăng nhiều lần so với cách đây vài năm - Ảnh: Sơn Phạm

Một đơn vị chuyên thu gom trấu từ các đầu mối để xuất khẩu tại TP.HCM cho biết, mỗi năm, doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 40.000 tấn trấu với giá gần 20 triệu đồng mỗi tấn. Tại Cần Thơ, mỗi tháng, Công ty Mai Hân cũng xuất khoảng 20 tấn củi trấu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật, Canada và Mỹ. Riêng thị trường Hàn Quốc, sản lượng trấu viên, trấu thanh cũng lần lượt là 10.000 tấn và 20.000 tấn. Công ty Hoàng Huynh (Tiền Giang) còn tận dụng củi trấu để sản xuất than, cứ 3 tấn củi thu được 1 tấn than thành phẩm. Công ty này cung ứng cho hệ thống siêu thị Metro với giá 5.000-5.500 đồng/kg để bán tại hệ thống và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Thái Lan và Mỹ…

“Mỗi tháng, chúng tôi bán cho Metro 6.000 tấn, lời khoảng hơn 30 triệu đồng. Tính chung cả củi và than, mỗi tháng lời khoảng hơn 100 triệu đồng”, ông Hoàng Huynh, Giám đốc Công ty, chia sẻ. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn nguyên liệu này cũng được doanh nghiệp chú trọng hơn. “Doanh nghiệp sản xuất hay chế biến các mặt hàng sử dụng công nghệ lò hơi có xu hướng chuyển sang sử dụng củi trấu để thay thế cho than đá hay các chất liệu khác. Ngay cả những lò gốm phía Bắc cũng đã bắt đầu mua củi trấu từ đồng bằng sông Cửu Long để nung gốm”, ông Huynh chia sẻ thêm.

Công ty IEV Việt Nam mới đưa vào sử dụng nhà máy sản xuất củi trấu tại khu vực Long Châu, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Đây là nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh khối quy mô đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long của Công ty IEV Việt Nam.Nhà máy được xây dựng trên diện tích 16.000 m2 với tổng vốn đầu tư trên 100 tỉ đồng, sản phẩm làm ra đạt hơn 150 tấn/ngày. Nhà máy có lợi thế nằm gần khoảng 30 nhà máy xay xát lúa gạo lớn, là nguồn cung cấp trấu phong phú để cho ra sản phẩm củi trấu.

Việc sử dụng củi trấu nhanh chóng giảm áp lực về sử dụng chất đốt tại một số ngành sản xuất như thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, gốm… “Với giá 1.400 đồng/kg, sử dụng củi trấu sẽ tiết kiệm 50% chi phí dành cho nhiệt lượng so với than đá. Nếu doanh nghiệp dùng 20 tấn than, chuyển sang sử dụng củi trấu mỗi ngày sẽ tiết kiệm không dưới 1 tỉ đồng mỗi năm”, anh Lê Ngọc Phát, quản lý một xưởng chế biến củi trấu, giới thiệu. Còn theo bà Phạm Ngọc Xuân, Giám đốc Ban Quản lý dự án hợp tác giữa An Giang với Thụy Điển, chiết xuất sillica từ tro trấu có giá tham khảo trên thị trường lên đến 50.000 USD/kg.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối. Theo Viện Năng lượng Việt Nam, riêng tiềm năng lượng sinh khối phụ phẩm nông nghiệp gồm rơm rạ, trấu, bã mía và các loại nông sản khác lên đến gần 53,5 triệu tấn, tương đương với 12,8 triệu tấn dầu thô. Đặc biệt nguồn năng lượng này sẽ liên tục được tái sinh và tăng trưởng đều đặn trong vòng 30 năm. Tuy nhiên, do thiếu các dự án đầu tư phát điện công nghệ hiện đại và quy mô lớn nên nguồn nguyên liệu “vàng” này vẫn chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả.

Đức Tài


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới