ETop: Uber trong ngành phân phối
Trong căn phòng chưa đến 15m2 ở quận 3, TP.HCM là trụ sở chính của 8 thành viên. Hoàng Giang, người sáng lập ETop, đang kỳ vọng sẽ tạo ra cầu nối giúp rút ngắn khoảng cách giữa nhà phân phối đến các đại lý.
Mô hình phân phối lâu nay duy trì trong nhiều ngành hàng là đại lý muốn giá tốt phải lấy số lượng nhiều. Ngược lại, các nhà sản xuất, như ngành thời trang, mất từ 6 tháng đến 1 năm mới nhận được phản hồi từ thị trường về sức tiêu thụ của sản phẩm. “Nhiệm vụ của ETop là giúp đại lý không phải lấy hàng số lượng nhiều vẫn có giá sỉ và nhà sản xuất có thể đưa hàng ra thị trường nhanh hơn”, Hoàng Giang giải thích mô hình vận hành của mình.
Để giải quyết bài toán này, ETop sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa nhà sản xuất và các đại lý. Thông qua ETop, các đại lý có thể lấy hàng với giá sỉ dù số lượng không lớn. Nhiều đại lý lấy hàng, nhà sản xuất sẽ đưa hàng ra thị trường nhanh hơn. Có thể ví ETop như Uber trong ngành phân phối, tài nguyên được chia sẻ ở đây là năng lực sản xuất của đơn vị sản xuất. Các đại lý có thể cùng chia sẻ tối đa nguồn lực này mà không cần nhập một số lượng đơn hàng lớn.
Qua báo cáo gần đây nhất của WTO, thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đứng thứ 73 trong tổng số 140 nước được xếp hạng. Như vậy, trình độ phát triển, quy mô của thương mại điện tử tại Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng. Do hiện nay, quy mô tăng trưởng của lĩnh vực này đạt hơn 23%/năm, Việt Nam là thị trường còn rất tiềm năng về thương mại điện tử trong khu vực.
Ý tưởng thành lập ETop bắt nguồn từ kinh nghiệm của Hoàng Giang. Năm 2012, anh từng kinh doanh chuỗi cửa hàng máy đọc sách, phụ kiện điện thoại và hiểu được chi phí đặt hàng của các đại lý. “Một ốp điện thoại có 5 màu, chỉ có 1 hay 2 màu bán được nhưng đại lý vẫn phải nhập hết. Trong khi đó, một cửa hàng không chỉ có một mẫu ốp điện thoại, có khi đến vài chục mẫu mã khác nhau, nên số lượng hàng phải ôm là rất lớn. Tương tự ngành thời trang cũng vậy”, Hoàng Giang nói.
Gánh nặng chi phí hàng hóa là bài toán chưa có lời giải của nhà sản xuất và đại lý theo cách vận hành truyền thống. Và trong đa số trường hợp, đại lý là nhóm phải chịu khoản chi phí lớn này. Nếu việc kết nối thành công, ETop kỳ vọng sẽ thu 5% giá trị mỗi đơn hàng nhà sản xuất bán ra. Nhưng để làm được điều đó, trước hết, Công ty phải thu hút được các đại lý tham gia, càng nhiều càng tốt. Chính vì thế, Top Ship (Topship.vn) là nền tảng đầu tiên của Công ty đưa ra thị trường.
Được định nghĩa là nền tảng giao hàng nhưng Top Ship cũng hoạt động tương tự ETop: chia sẻ tài nguyên của các nhà vận chuyển. Vì thế, các cửa hàng sử dụng Top Ship sẽ được giá giao hàng nội thành 11.000 đồng, toàn quốc 35.000 đồng, bằng với giá sỉ của các cửa hàng có tối thiểu 500 đơn hàng/ngày. Chi phí tiết kiệm mỗi đơn hàng khoảng 39%. Ngoài ra, Top Ship còn cung cấp tính năng so sánh giá vận chuyển từng khu vực.
Ngược lại, lợi ích của các đơn vị vận chuyển là họ sẽ tăng được đơn hàng nhưng tiết kiệm được khoảng 30% chi phí bán hàng, chi phí chăm sóc khách hàng. Hoàng Giang cho biết, hiện Top Ship đã kết nối thành công với Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Tiết Kiệm và Viettel Post.
Top Ship sẽ là đơn vị đứng ra cam kết về số lượng đơn hàng với các nhà vận chuyển để có mức giá cạnh tranh nhất. Công ty sẽ đưa mức giá này cho các cửa hàng và cũng là cách để thu hút họ tham gia nền tảng của ETop. Càng nhiều cửa hàng tham gia, ETop sẽ có lợi thế hơn so với các đối thủ gia nhập thị trường muộn vì chính Hoàng Giang thừa nhận, mô hình ETop không khó để phát triển.
Sinh năm 1986, ngoài 6 năm bán lẻ, Hoàng Giang từng kinh qua vị trí Giám đốc Điều hành của thitruongsi.com, (một số nguồn tin cho biết đơn vị này được Seedcom mua lại hồi năm 2016), Giám đốc Tiếp thị của Lala (Scommerce).
Hoàng Giang tin rằng mặc dù các cửa hàng hiện nay đều tham gia kinh doanh trên các sản thương mại điện tử lớn nhưng luôn cần phát triển các kênh khác để đa dạng nguồn thu, đây cũng là kinh nghiệm của anh thời kinh doanh bán lẻ. Do đó, cơ hội dành cho ETop luôn có.
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có mô hình tương tự như ETop hoạt động ở Việt Nam và Đông Nam Á. Công ty cũng xác nhận chưa có nhà đầu tư tham gia nên việc đánh giá khả năng thành công của ETop trong thời điểm hiện tại là rất khó. Ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Tiki.vn, cho rằng bùng nổ mua sắm trực tuyến ở Việt Nam đang mở cơ hội cho các mô hình kho bãi, nền tảng bán hàng, quảng cáo bán hàng hiệu quả, livestream.
Trên thực tế, thế giới vẫn chứng kiến các mô hình thương mại điện tử kiểu mới vẫn đang được sinh ra trong thời gian qua. Điển hình như Pinduoduo (Trung Quốc), nền tảng thương mại điện tử kết hợp với mua hàng theo nhóm định giá 30 tỉ USD hay Wish (Mỹ), mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới (từ Trung Quốc sang Mỹ) vừa gọi được 1 tỉ USD đầu tư. Chính vì thế, khai phá nhu cầu mới như ETop cũng được coi là... khá liều.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trọng Hoàng
-
Trực Thanh
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ