Hủy
Doanh Nhân

Nhân sự bền vững cho ngành logistics

Andreas Kaplan (Bảo Hân ghi) Thứ Hai | 11/11/2024 13:00

Ảnh: TL.

 
 
Giáo sư người Đức Andreas Kaplan bắt đầu sứ mệnh xây dựng lực lượng lao động ngành logistics lành nghề với tư duy xanh trong khu vực.

Lần thứ 3 đến TP.HCM, ông Andreas Kaplan vẫn chưa thể quen với những cơn mưa lớn tầm chiều. Thời tiết thất thường làm ông nghĩ đến hệ quả của biến đổi khí hậu, một vấn đề mà vị Giáo sư người Đức đang không ngừng cố gắng khắc phục từ trong chính chuyên môn của mình: giáo dục. Và nỗ lực đó đang dần thành hình tại Việt Nam. 

Những lần ghé thăm ngày càng dày đặc của ông Kaplan nằm trong kế hoạch đặt cơ sở giảng dạy tương lai của Kühne Logistics University (KLU) tại TP.HCM. Sự hiện diện của trường đại học theo mô hình phi lợi nhuận từ Đức, vốn là 1 trong 3 quốc gia hàng đầu thế giới về logistics vào năm 2023, phản ánh nhu cầu và sức phát triển tiềm năng của ngành công nghiệp này tại Việt Nam.

Qua đó, ông Andreas Kaplan, Giáo sư về Chuyển đổi số kiêm Hiệu trưởng KLU, đã có những chia sẻ sâu hơn cùng NCĐT:
Ngành công nghiệp logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và cơ hội, bởi nhiều lý do. Đầu tiên, Việt Nam có lợi thế về địa lý khi sở hữu đường bờ biển dài và nằm gần các nền kinh tế lớn trong khu vực. Về mặt chính trị, chiến lược “Trung Quốc+1” và chính sự chuyển dịch từ Mỹ cũng đang thúc đẩy ngành logistics chuyển hướng sang Việt Nam. Thêm vào đó, tỉ lệ giải ngân đầu tư công cùng Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu được ký kết vào năm 2019 cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy ngành logistics.
Chỉ riêng năm ngoái, Việt Nam đã nhận khoảng 16 tỉ USD vốn FDI sản xuất mới; xuất khẩu đạt 440 tỉ USD, tăng từ mức 320 tỉ USD trong năm 2019, với CAGR là 8,2%, theo McKinsey & Co. Đơn vị này cũng ghi nhận dòng chảy thương mại đáng kể giữa Việt Nam và châu Âu, Trung Quốc và Mỹ.
 
Việt Nam đã đạt được những tiến bộ lớn trong việc nâng cao cơ sở hạ tầng giao thông, với mức đầu tư hơn 3.000 USD cho mỗi tấn khối lượng xuất khẩu gia tăng vào các dự án cơ sở hạ tầng từ năm 2010-2024. Trong giai đoạn 2025-2030, dự kiến sẽ đầu tư thêm 117 tỉ USD, theo McKinsey & Co. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn đó. Cơ sở hạ tầng hiện vẫn chưa được hoàn thiện. Sự kết nối liền mạch giữa các phương thức vận tải còn thiếu như kết nối giữa sân bay, cảng biển, đường bộ... Hệ thống đường sắt cũng chưa phát triển đầy đủ, khiến chi phí logistics tăng lên.

 

Ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào chuyển đổi số. Do đó, lực lượng lao động có kiến thức và kỹ năng trong ngành là điều cần thiết. Khi tôi nói chuyện với các lãnh đạo trong ngành tại Việt Nam, nhiều người đã nhắc đến vấn đề thiếu hụt nhân lực có chuyên môn. Đây cũng là một thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) cho biết hiện nay nguồn nhân lực logistics chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của ngành và có đến 60% doanh nghiệp logistics gặp khó khăn do nguồn nhân lực hạn chế, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) thực hiện năm 2020.

Đó cũng là lý do KLU sẽ đặt phân hiệu tại Việt Nam, một quốc gia vốn coi trọng và đầu tư mạnh vào giáo dục. Theo nghiên cứu và tìm hiểu của chúng tôi, chương trình đào tạo cử nhân trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam tương đối nhiều nhưng các chương trình thạc sĩ vẫn còn khá ít và có thể chia thành 2 mảng chính, một là nặng về kỹ thuật, hai là thiên về quản lý và kinh doanh. Chương trình của KLU tập trung vào vế thứ 2. Sự xuất hiện của trường dự kiến sẽ tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam có cơ hội theo đuổi kiến thức về thiết kế, quản lý, tối ưu hóa chuỗi cung ứng ở tầm vĩ mô, song song với các khóa học bổ trợ về những lĩnh vực khác như marketing, quản trị nhân sự..., cung cấp một cái nhìn toàn diện về ngành quản trị kinh doanh, với trọng tâm là logistics và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Lợi thế cạnh tranh của KLU nằm ở chỗ chương trình giảng dạy đạt chuẩn AACSB, một chứng nhận mà chỉ có 5% trường kinh doanh trên thế giới đạt được, đồng thời đứng thứ 51 trên bảng xếp hạng QS World University Rankings (đánh giá 3.000 trường đại học toàn cầu và chỉ có 400 trường học được đưa vào bảng xếp hạng). Hơn hết, việc nhận được bằng thạc sĩ quốc tế giờ đây đã có thể thực hiện được mà không cần ra nước ngoài. Có thể việc KLU vào Việt Nam chưa giải quyết hết được hoàn toàn vấn đề thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề, nhưng chúng tôi sẵn sàng tham gia vào hành trình nâng cao kỹ năng và giúp khu vực có được lực lượng lao động lành nghề hơn trong lĩnh vực này. 

Việc có bằng cấp Đức có thể mở ra cơ hội làm việc tại Đức, nhưng mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là xây dựng năng lực ở cả cấp địa phương lẫn khu vực, không chỉ riêng Việt Nam mà còn các quốc gia khác. Chúng tôi sẽ tiếp nhận sinh viên đến từ các quốc gia trong Đông Nam Á và thậm chí từ các khu vực xa hơn.

Tôi đặc biệt lưu tâm đến trách nhiệm trong việc phát triển bền vững. Vì ngành logistics chiếm khoảng 10% lượng khí thải carbon trên thế giới, việc ý thức và thay đổi từ bên trong ngành sẽ giúp cải thiện đáng kể tình hình chung. KLU hiện có một trung tâm nghiên cứu phát triển giải pháp khử carbon, không chỉ trong logistics và vận tải, mà còn trong cách ngành có thể hỗ trợ toàn bộ nền kinh tế trở nên bền vững hơn. KLU cũng liên tục tạo điều kiện để sinh viên hoặc nhân sự trong ngành có thể tham gia các chương trình, cuộc thi liên quan đến sáng kiến xanh. Song song đó, tôi cho rằng nên có quy định kiểm soát chương trình đào tạo, để tránh các trường hợp học phí đắt đỏ không tương xứng với chất lượng đầu ra. Và chính những nhân sự được đào tạo bài bản và kỹ lưỡng sẽ là yếu tố giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu trong bối cảnh xanh hóa chuỗi cung ứng.

 

Doanh nghiệp cần nhanh chóng và liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng và quy định trên thế giới. Chẳng hạn như việc châu Âu ngày càng quy định nghiêm ngặt hơn khi xét về tính bền vững trong mọi ngành. Vì vậy, duy trì lợi thế cạnh tranh không chỉ đến từ tuyển dụng các thế hệ mới, mà còn cần phải tái đào tạo đội ngũ hiện tại với các khóa học chứng chỉ ngắn hạn. Tuy nhiên, việc nâng cấp kỹ năng, kiến thức cũng nên bắt đầu trước tiên với ban lãnh đạo cao nhất để họ có thể làm gương và điều hành công ty linh hoạt theo xu hướng chung và nâng cao tính bền vững của ngành logistics.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới