FDI công nghệ trước cú sốc thuế quan

Nếu biết tận dụng tín hiệu hoãn thuế để cải cách kịp thời, việc giữ chân FDI là hoàn toàn khả thi. Ảnh: T.L
Electronics Hải Phòng đang đối mặt với thiệt hại lên tới 460 triệu USD và đơn vị này đã dừng kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất lò vi sóng, đồng thời tạm dừng sản xuất tủ lạnh trước các rủi ro của chính sách thuế đối ứng đến từ Mỹ. Cùng cảnh ngộ, Pegatron Việt Nam phải gánh chịu mức thiệt hại cao nhất lên tới 485,27 triệu USD.
Trước những rủi ro hiện hữu trên, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã phải tổ chức hội nghị đối thoại nhằm tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Theo khảo sát từ 64 doanh nghiệp trong tổng số 130 doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến thị trường Mỹ, tổng thiệt hại ước tính có thể lên đến 2,81 tỉ USD.
![]() |
Theo Statista, doanh thu ngành bán dẫn tại Việt Nam dự kiến đạt 21,45 tỉ USD vào năm 2025. Với đà phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, mức thuế 46% nếu được áp dụng sẽ đe dọa nghiêm trọng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm bán dẫn Việt Nam tại thị trường xuất khẩu lớn nhất này. Dù mới đây Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày, nhưng tình hình bất định hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang. Động thái trên buộc các doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn tại Việt Nam phải cân nhắc lại chiến lược vận hành và xuất khẩu. Điều này có thể kéo theo sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng, do phải tìm thị trường hoặc nguyên liệu thay thế và tâm lý e ngại từ các nhà đầu tư quốc tế.
Việt Nam hiện giữ vai trò đặc biệt trong khu vực với thế mạnh là điểm lắp ráp cuối cho các sản phẩm điện tử cao cấp. Các doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu như Foxconn, Samsung, LG Electronics, Intel và Luxshare không chỉ tận dụng nguồn lao động chất lượng của Việt Nam mà còn đánh giá cao môi trường xuất khẩu ít rủi ro. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trị giá gần 55 tỉ USD với các mặt hàng: điện thoại, linh kiện điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị khác.
![]() |
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, xu hướng dịch chuyển nhà máy sản xuất và chuỗi cung ứng đi kèm (bắt đầu từ năm 2017 - giai đoạn thương chiến Mỹ - Trung lần 1) có rủi ro bị trì hoãn; doanh nghiệp FDI có xu hướng chờ đợi quyết định cuối cùng về chính sách thuế quan dự kiến trong nửa cuối năm 2025, trước khi quyết định chọn vị trí thuê đất để đặt nhà máy.
Đây là bài toán chiến lược trong thời điểm Việt Nam đang chuyển mình từ vai trò lắp ráp cơ bản sang sản xuất linh kiện công nghệ cao, đòi hỏi độ chính xác lớn như chip bán dẫn, cảm biến và phần cứng trí tuệ nhân tạo (A.I) - những lĩnh vực phụ thuộc đáng kể vào đầu tư nước ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ cao.
Có thể thấy, công thức tăng trưởng cho các nước nhỏ như Việt Nam - cụ thể là đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng nguồn lực nội địa giá rẻ để tích lũy vốn và công nghệ - có lẽ cần được điều chỉnh.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc SSI Research, Công ty Chứng khoán SSI, nhận định việc Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam, không đồng nghĩa với một sự dịch chuyển ngay lập tức trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi thuế suất được áp lên tới 60 quốc gia, rất khó để tìm ra một thị trường thay thế hoàn toàn Việt Nam trong chuỗi cung ứng và xuất khẩu. Ngoài lợi thế địa lý, Việt Nam còn có chính sách thuế ưu đãi hơn so với nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Singapore.
Vì vậy, nếu biết tận dụng tín hiệu hoãn thuế để cải cách kịp thời, việc giữ chân FDI là hoàn toàn khả thi. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang phân mảnh, Việt Nam vẫn có thể trở thành trung tâm sản xuất nếu không lặp lại tư duy ứng biến ngắn hạn như giai đoạn Trump 1.0.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Sam Goundar, giảng viên cấp cao ngành công nghệ thông tin tại RMIT Việt Nam, chia sẻ góc nhìn về cách các biến động thương mại đang định hình lại tương lai của ngành công nghệ Việt Nam. Đó là sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ đã trở thành điểm yếu chiến lược. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần chủ động mở rộng hợp tác với EU, Ấn Độ, Nhật và ASEAN - nơi nhu cầu về điện tử và bán dẫn đang gia tăng trong bối cảnh thương mại ổn định hơn.
“Muốn vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam phải chuyển mình từ một trung tâm lắp ráp chi phí thấp sang một quốc gia sáng tạo công nghệ. Điều này đòi hỏi thu hút vốn đầu tư cho R&D, xây dựng hệ thống phòng sạch và mở rộng năng lực sản xuất chip A.I để Việt Nam không chỉ là nơi lắp ráp mà còn là nơi thiết kế và phát minh”, Tiến sĩ Sam Goundar nói.
Song song đó, doanh nghiệp cần tăng cường minh bạch chuỗi cung ứng thông qua truy xuất nguồn gốc, công nghệ blockchain và tìm kiếm nguồn cung nội địa. Đây không chỉ là biện pháp ứng phó với các rào cản thuế quan, mà còn là chiến lược dài hạn để nâng tầm thương hiệu Made in Vietnam, chuyển mình từ nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu giá rẻ sang mô hình tăng trưởng có chiều sâu.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
-
Công Sang
-
Hằng Thanh
-
Minh Đức
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Trực Thanh
-
Giáo sư Justin Yifu Lin (Thanh Hằng ghi)
-
Quỳnh Anh