FPT cũng mê xe cộ
Để cụ thể hóa mục tiêu tỉ USD, FPT đã thành lập FPT Automotive trụ sở tại tiểu bang Texas, Mỹ. Ảnh: TL.
“Những công ty nào làm ô tô, đặc biệt liên quan đến thiết kế ô tô, FPT đều muốn mua”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, tỏ rõ quyết tâm trong ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam và thế giới.
Theo Chủ tịch FPT, ngành ô tô thế giới hiện nay “rất lúng túng”. Những hãng xe truyền thống mang tính chất quá cơ khí, còn hãng xe điện thì “quá mềm”. “Điều này thực sự rất hiếm hoi và là cơ hội ở hiện tại. Họ cần những người hiểu ôtô, hiểu phần mềm và biết bảo mật”, ông Bình nói và cho rằng, FPT may mắn là có khả năng, với 4.000 nhân sự đang làm về mảng này.
Trên thực tế, ô tô đã được chọn là 1 trong 5 từ khóa cột trụ tăng trưởng của FPT gồm “Tuệ - Bán - Xe - Số - Xanh” (trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh). Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, người mới được giao vị trí Giám đốc Kinh doanh FPT Automotive, cho biết: “Khi được giao chỉ tiêu 1 tỉ USD cũng thực sự lúng túng. Nhưng đến thời điểm này, chúng tôi đã tự tin về mục tiêu đặt ra”.
Sự tự tin này đến từ việc Công ty đã nhanh chóng thiết lập mối quan hệ hợp tác với 150 hãng xe trên thế giới với nhiều công việc từ thiết kế cơ khí, thân vỏ xe cho đến lập trình phần mềm cho các chip điều khiển trong xe. Công việc của FPT Automotive bao gồm lập trình chip, phát triển các nền tảng và ứng dụng trong buồng lái như đồng hồ, thông báo chỉ số và hệ thống thông tin giải trí, chỉ đường...
Lĩnh vực công nghệ phần mềm ô tô của FPT được kỳ vọng sẽ đạt doanh thu 1 tỉ USD từ cung cấp dịch vụ và sản phẩm phần mềm cho ngành công nghiệp ô tô vào năm 2030. Đây cũng là mảng công nghệ được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu đạt 5 tỉ USD doanh thu từ mảng dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài của FPT vào năm 2030.
Ông Nakano Keita, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), đánh giá, ngành ô tô tại Việt Nam đang phục hồi và bứt tốc mạnh mẽ. Những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Trong 5 năm gần đây, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh, trung bình khoảng 15-20%. Nhưng Việt Nam mới chỉ có khoảng 50 xe ô tô trên 1.000 dân, còn nhiều dư địa cho ngành công nghiệp ô tô phát triển. Trong khi đó, để ngành công nghiệp này thực sự bứt phá, Việt Nam cần phải đạt dung lượng tiêu thụ khoảng 600.000 xe/năm.
Quy mô hạn chế cũng là rào cản phát triển của ngành, trong khi các doanh nghiệp nội địa chủ yếu sản xuất ra những linh phụ kiện có giá trị không cao và ít tính cạnh tranh, cần nhiều nhân công như vỏ, săm, ghế ngồi, ắc quy, gương, kính… Hơn 3 thập kỷ từ khi lắp ráp chiếc ô tô con đầu tiên, Việt Nam mới có 76 doanh nghiệp cung cấp được linh kiện, phụ tùng cho ô tô... Thua kém quá xa về quy mô khiến năng lực cạnh tranh của công nghiệp ô tô tụt hậu cả về chi phí và công nghệ sản xuất.
Tín hiệu lạc quan là nhiều doanh nghiệp lớn như Thaco, Hyundai Thành Công và VinFast đã mở rộng đầu tư sản xuất. Đặc biệt, VinFast đã tiến khá sâu vào thị trường xe điện của thế giới với nhiều mẫu xe có công nghệ tiên tiến của dòng xe thông minh kết hợp trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, dù có nhiều hoài nghi nhưng Việt Nam không giấu mục tiêu trở thành “cường quốc sản xuất và xuất khẩu xe điện” khi có thể “đi tắt” từ sản xuất ô tô động cơ đốt trong sang xe thuần điện.
Theo báo cáo của Grand View Research, thị trường công nghệ ô tô số toàn cầu dự kiến sẽ đạt 193,7 tỉ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 19,6% giai đoạn 2022-2028. Thị trường ô tô thế giới đang tập trung cho xu hướng: kết nối (connected), xe tự lái (autonomous driving), phần mềm tạo nên chiếc xe (software defined vehicle) và xe điện (electric vehicle). Ngành sản xuất xe hiện có thể chia thành 3 tầng chính gồm các hãng sản xuất như VinFast, BMW, Toyota…; các nhà cung cấp linh kiện trực tiếp (Tier 1 supplier) như Bosch, Magna, Denso; và các nhà sản xuất chip như Nvidia, Qualcomm, NXP. Một công ty bên thứ 3 có thể cung cấp giải pháp, phần mềm và phần cứng cho cả 3 tầng này. Trong bản đồ công nghiệp này, thực tế các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã xác lập được tên tuổi với các đối tác toàn cầu.
Để cụ thể hóa mục tiêu tỉ USD, FPT đã thành lập FPT Automotive trụ sở tại tiểu bang Texas, Mỹ nhằm chinh phục thị trường phần mềm ô tô quy mô hàng trăm tỉ USD. Trong khi đó, VinFast cùng đối tác Al Tayer Motors cũng vừa khai trương cửa hàng đại lý đầu tiên tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) bán các mẫu xe điện thông minh của VinFast, bao gồm VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9. Ông Tạ Xuân Hiển, Tổng Giám đốc VinFast Trung Đông, chia sẻ sự kiện này nhằm “từng bước hiện thực hóa kế hoạch mở rộng tại Trung Đông và vươn ra toàn cầu của VinFast”.
Hướng đi của FPT Automotive hay VinFast đang cho thấy một “lối tắt” trong ngành công nghiệp ô tô nếu giải quyết được bài toán “quá cơ khí” hay “quá mềm”. Đây cũng chính là cơ hội cho cả ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam vươn lên trở thành nhà cung ứng cấp cao hơn trong chuỗi sản xuất ô tô thế giới. Đó là con đường tiến theo chiều sâu về công nghệ và tạo ra giá trị, hơn là phình ra theo quy mô và số lượng.
Có thể bạn quan tâm
"Cú ngã lợi nhuận" quý III của ngân hàng sau thành công quý II/2024
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Phi Vũ
-
Huy Vũ
-
Hồ Đắc Nguyên Ngã
-
Lam Hồng
-
Văn Kim
-
Tiến sĩ - Bác sĩ Lâm Đức Hoàng (Trần Chung ghi)
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn