Hủy
Công Nghệ

Hậu SVB, thử lửa startup

Công Sang Thứ Sáu | 07/04/2023 07:00

31 tỉ USD là khoản đầu tư vào các công ty công nghệ toàn cầu, theo số liệu của Crunchbase tính đến tháng 2/2023. Ảnh: nbcnews.com

Sự cố của Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đang kéo “mùa đông” của startup toàn cầu dài thêm.
 

31 tỉ USD là khoản đầu tư vào các công ty công nghệ toàn cầu, theo số liệu của Crunchbase tính đến tháng 2/2023. Đáng chú ý, 1/3 trong số này đến từ thương vụ Microsoft đầu tư 10 tỉ USD vào OpenAI. Con số này giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Đó là bức tranh không mấy sáng sủa của dòng vốn vào lĩnh vực công nghệ toàn cầu từ trước khi SVB sụp đổ. Giờ đây, khi quả bom SVB nổ ra càng góp phần làm cho “mùa đông” của các công ty công nghệ thêm dài hơn.

Mùa đông kéo dài 

Trao đổi tại sự kiện đầu tư “Hiệu quả hay tăng trưởng” do Endeavor Việt Nam tổ chức, ông David Do, Tổng Giám đốc VIG, cho rằng SVB là nguồn vốn cho rất nhiều venture debt (quỹ tài trợ nợ cho các công ty khởi nghiệp) ở Đông Nam Á. Các quỹ này cho vay trong 2 năm, trả lãi bằng dòng tiền của công ty và được quyền mua cổ phiếu với giá ưu đãi. Sự sụp đổ của SVB sẽ cắt nguồn vốn vào các venture debt và việc gọi vốn từ hình thức này ở Đông Nam Á chắc chắn sẽ khó khăn hơn.

 

Nói về thời điểm phục hồi, ông Tiến Nguyễn, đồng sáng lập Earth Venture Capital, quỹ chuyên đầu tư vào các công ty climate tech (những công ty ứng dụng công nghệ vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường), cho rằng SVB cũng thuộc Top 20 ngân hàng ở Mỹ, nên cần thời gian vài năm để giải quyết những vấn đề hiện nay. Điều này đồng nghĩa các công ty cần gọi đầu tư phải chấp nhận chờ đợi ngần ấy thời gian để được giải ngân. “Nếu trước kia các nhà sáng lập dự tính mất trung bình 18 tháng cho một vòng gọi vốn tiếp theo, thì bây giờ phải là 24 tháng”, ông Tiến Nguyễn nhận định. Lux Research cũng dự đoán nguồn tài trợ của các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ khó kiếm hơn trong tương lai vì rất ít ngân hàng hiện nay có chuyên môn và sẵn sàng mở rộng khoản vay cho các công ty khởi nghiệp, vốn không có nhiều lợi nhuận.

Tự cứu mình

Trong bối cảnh trên, “tự cứu lấy mình” là từ khóa mà giới đầu tư gửi gắm đến các nhà sáng lập. Ông Tiến Nguyễn cho rằng, dòng vốn an toàn và bền vững nhất là dòng tiền từ khách hàng chi trả cho sản phẩm, dịch vụ của họ. Vì thế, các nhà sáng lập cần xem xét lại có bao nhiêu khách hàng trả, bao nhiêu người trung thành… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên tính những phương án tăng doanh thu dài hạn như khuyến khích khách hàng chi trả các gói dài hạn và cắt giảm bớt những tính năng miễn phí.

Thứ đến, họ không nên chia sẻ quá nhiều quyền sở hữu công ty cho đội ngũ nòng cốt. Trong giai đoạn khó khăn, nhà sáng lập thường dùng cách này để giữ chân nhân tài mà không phải trả lương cao. Tuy nhiên, điều này sẽ gây cản trở rất nhiều trong khâu pháp lý về sau. 

 

“Không chỉ các nhà sáng lập, bản thân các quỹ đầu tư cũng phải thay đổi trong bối cảnh hiện nay”, ông Tiến Nguyễn nói thêm. Như trường hợp của Earth Venture Capital, trước đây, quỹ quản lý các công ty đầu tư dựa vào mô hình milestone (cột mốc) như đạt các tiêu chí về doanh thu, hoặc người sử dụng, khách hàng theo từng quý. Cách làm này đã không còn phù hợp trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay.

Cách thức quản lý hiện nay là stepping-stone (các mục tiêu có thể thay đổi theo nhu cầu thị trường). Ví dụ, Earth Venture Capital đầu tư vào công ty thu nhặt rác trên sông bằng robot sử dụng năng lượng mặt trời. Ông Tiến Nguyễn nhận ra việc nhặt nhiều rác không đạt được mục tiêu tối ưu chi phí nên Công ty chuyển sang cung cấp dịch vụ hút dầu trên biển. “Về cơ bản, stepping-stone sẽ là một mạng lưới rất nhiều rẽ nhánh để doanh nghiệp phát triển chứ không là một đồ thị đi thẳng như mô hình milestone. Cách làm này giúp doanh nghiệp luôn có tư duy rẽ nhánh khi gặp các rào cản không thể vượt qua”, ông Tiến Nguyễn nói.

Bên cạnh tập trung vào các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, ông David Do của VIG cho rằng các nhà sáng lập phải thực hiện kỷ luật tuyển dụng trong thời gian tới. Trước đây, khi dòng vốn dễ dãi, các công ty tăng nhân sự không kiểm soát năng suất nhân viên, dẫn đến bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm làm việc với các công ty công nghệ lớn của Mỹ, ông David Do cho biết các đơn vị này thường rót tiền vào dự án công nghệ cho các nhóm trong công ty thực hiện. Nhóm nào không đưa sản phẩm ra thị trường được thì cắt giảm ngay theo tiêu chí “Fail Fast, Fail Cheap” (thất bại nhanh, thất bại rẻ).

Ông Phan Minh Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Quỹ STI, cho rằng các nhà sáng lập nên giảm bớt lạc quan vì có thể dẫn đến ước tính không đúng khi hoạch định chiến lược kinh doanh, có thể khiến phá sản trong bối cảnh hiện nay. Và khi lạc quan quá, việc định giá công ty cũng sẽ “lạc quan” theo. Khoảng cách lớn nhất giữa các nhà sáng lập và các quỹ đầu tư là định giá công ty.

Từ kinh nghiệm bản thân, ông Tâm cho rằng: “Thời điểm này nếu định giá công ty thấp hơn 10-15% mà giúp doanh nghiệp tồn tại được qua cơn khủng hoảng cũng nên suy xét”. Lãnh đạo Quỹ STI kể rằng thời khởi nghiệp khó khăn, ông từng gọi 1 triệu USD trái phiếu từ các nhà đầu tư nhưng không sử dụng nguồn vốn này mà để đó. Vì trong khủng hoảng, dòng vốn dự phòng sẽ giúp các nhà sáng lập an tâm không phải đi xử lý sự cố vì thiếu hụt dòng tiền nên có thời gian tập trung hơn cho quản lý kinh doanh. “Tôi tin các nhà sáng lập Việt Nam sẽ vượt qua được giai đoạn này vì thích nghi là điểm mạnh nhất của họ. Những công ty không qua khỏi là do bệnh nền trước đó hoặc sự cố ngoài ý muốn mà thôi”, ông Tâm nhận định.

Có thể bạn quan tâm 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giảm các mức lãi suất điều hành


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới