Không gian làm việc chung: Xu hướng văn phòng thế hệ mới
Được hình thành từ giữa những năm 2000, không gian làm việc chung (co-working space) là một hình thức văn phòng kiểu mới đang phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới. Một trong những ưu điểm của mô hình này là người thuê có thể lựa chọn những hợp đồng rất linh hoạt, có khi chỉ là 1-2 chỗ ngồi cho thời gian từ vài tháng cho đến vài ngày.
Ngoài ra, những không gian làm việc chung thường là nơi mà nhiều người hoạt động trong nhiều lĩnh vực và doanh nghiệp khác biệt có thể ngồi ngay cạnh nhau, tạo điều kiện cho những luồng tư duy và ý tưởng gặp nhau để khai sinh ra những cơ hội và dự án mới.
Với ưu thế về giá cả, sự linh hoạt và khả năng kích thích sáng tạo, không gian khởi nghiệp chung thường được những công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ hay sáng tạo lựa chọn làm nơi làm việc đầu tiên hay thậm chí là văn phòng lâu dài của họ. Chính vì vậy, mô hình này đang phát triển và nhân rộng mạnh mẽ khắp mọi nơi trên thế giới.
Ở Việt Nam, một số mô hình không gian làm việc chung cũng đã bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt, vào chiều ngày 24/5, không gian làm việc chung Dreamplex tại TPHCM đã được chọn làm điểm đến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nơi ông gặp gỡ và trao đổi với những đại diện của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam.
Phát triển bùng nổ
Theo Khảo sát Không gian làm việc chung Toàn cầu (Global Coworking Survey – GCS), đang có khoảng 7.800 không gian làm việc chung trên khắp thế giới, tăng 100 lần so với năm 2007. Ngoài ra, số người sử dụng các không gian làm việc chung cũng đã lên tới hơn nửa triệu người, tăng 12 lần so với năm 2011.
Khảo sát của các đại học Georgetown và Michigan tại Mỹ cho thấy những người sử dụng các không gian này tự đánh giá hiệu quả làm việc của họ ở mức 6/7, cao hơn mức 4/7 hay 5/7 của văn phòng truyền thống. Khảo sát ở Anh của Regus cho thấy 61% người được khảo sát cho rằng không gian làm việc chung giúp họ trở nên sáng tạo hơn, và 54% cảm thấy có động lực cập nhật kỹ năng của bản thân nhiều hơn.
Mặc dù là nơi gặp gỡ nhau của những người chưa từng quen biết và làm những công việc có thể hoàn toàn khác nhau, nhưng hóa ra các không gian làm việc chung lại rất thành công trong việc xây dựng tính cộng đồng. 70% số người được khảo sát bởi GCS cho biết họ cảm thấy tính cộng đồng mạnh mẽ trong không gian mà họ đang làm việc, và 67% tin rằng hầu hết những người xung quanh đều biết tên của họ.
Ngoài ra, có tới 68% cho biết họ có thể kỳ vọng vào việc được chia sẻ kiến thức từ người khác, và 55% vào việc được chia sẻ các cơ hội việc làm mới. Đáng chú ý hơn nữa, 51% sẵn sàng để lại điện thoại trên bàn làm việc bất cứ lúc nào mà không sợ bị mất cắp. Chính nhờ tính cộng đồng mạnh mẽ như vậy, nên khảo sát của GCS cho thấy rằng mức độ trung thành của những người sử dụng không gian làm việc chung rất cao: có đến 67% cho biết họ không có kế hoạch thay đổi nơi làm việc.
Một buổi chiều tại không gian làm việc chung Dreamplex ở TPHCM |
Ví dụ thành công nhất của mô hình không gian làm việc chung chính là hệ thống WeWork được sáng lập bởi doanh nhân người Israel Adam Neumann. Được thành lập từ năm 2010, hiện tại WeWork đã có đến 77 địa điểm và hơn 50.000 người sử dụng. Hồi tháng 3/2016, WeWork đã được định giá tới 16 tỷ USD, tăng hơn 10 lần so với mức 1,5 tỷ hồi tháng 2/2014. Với mức định giá này, WeWork đã trở thành công ty khởi nghiệp chưa niêm yết lớn thứ 6 thế giới.
Chưa dừng lại ở đó, WeWork còn đang nuôi tham vọng mở thêm 336 địa điểm nữa trước năm 2018, và sẽ có thêm 260.000 người sử dụng mới (tương đương một nửa số người sử dụng không gian làm việc chung trên toàn cầu vào hiện tại). Ngoài ra, Neumann còn có ý định “phá bĩnh” thị trường nhà ở thông qua mô hình không gian sống chung (co-living space) mang tên WeLive. Theo đó, mục tiêu của WeLive là sẽ có 68 địa điểm và 34.000 người thuê trong vòng 2-3 năm tới.
Cơ hội ở Việt Nam
Tại Việt Nam, các không gian làm việc chung có quy mô tương đối lớn và được tổ chức bài bản đã bắt đầu xuất hiện, như Dreamplex, Work Saigon và Saigon Coworking ở TPHCM, UP và Toong ở Hà Nội.
Mặc dù mới thành lập vào tháng 11/2015, tương đối “sinh sau đẻ muộn” so với một số không gian làm việc chung khác, nhưng Dreamplex đã nhanh chóng trở thành một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực này. Được sáng lập và điều hành bởi anh Nguyễn Trung Tín, người cũng đang giữ vị trí Tổng giám đốc Trung Thủy Group (TTG), Dreamplex là kết quả của việc khảo sát và tìm hiểu kỹ các mô hình không gian làm việc chung ở nước ngoài, trong đó nguồn cảm hứng chính là từ WeWork.
Chỉ 3 tháng sau khi thành lập, Dreamplex đã đạt công suất thuê là hơn 80% trên tổng số chỗ ngồi là khoảng 350, trong đó có nhiều chỗ đã được một số công ty giữ sẵn ngay từ trước khi mở cửa. Một số công ty khởi nghiệp thành công của nước ngoài như HR Boss (Singapore) hay Radius Online (Mỹ) đã thuê hẳn nhiều phòng tại đây để làm văn phòng cho hàng chục nhân viên. Theo ước tính của Nhịp Cầu Đầu Tư, với mức giá là 2-3,5 triệu cho một chỗ ngồi trong không gian làm việc mở (open workspace) và 4-5 triệu trong không gian văn phòng riêng (private studio), 3 tầng nhà của Dreamplex đang mang lại một khoản doanh thu có thể cao hơn 1,5-2 lần so với việc cho thuê văn phòng truyền thống.
Được xây dựng từ việc tìm hiểu kỹ thành công của WeWork, cũng như từ các kinh nghiệm cá nhân của nhà sáng lập Nguyễn Trung Tín, Dreamplex chú trọng nhiều vào việc xây dựng một không gian cộng đồng, khuyến khích sự thân thiện và hợp tác giữa các thành viên. Nhiều dự án và các cơ hội việc làm mới đã xuất hiện trên các bàn cà phê tại không gian sinh hoạt chung của Dreamplex, và đây cũng là nơi được nhiều người ưa thích nhất, theo một khảo sát nội bộ. Theo anh Tín, tinh thần cộng đồng là yếu tố bảo đảm cho nơi đây thu hút và giữ chân người sử dụng, dù có mức giá tương đối cao so với mặt bằng chung của bất động sản văn phòng ở TPHCM.
Ngoài ra, Dreamplex cũng đã chủ động xây dựng những mối quan hệ quốc tế thông qua các sự kiện viếng thăm và giao lưu với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Trong đó, tiêu biểu là việc Phó chủ tịch Google Mike Cassidy tới trao đổi kinh nghiệm hồi tháng 11 năm ngoái, hay việc đại diện tập đoàn tài chính hàng đầu Hàn Quốc Hanwha tới giao lưu vào tháng 3 vừa qua. Việc Tổng thống Obama và Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định đưa Dreamplex vào danh sách các điểm viếng thăm tại Việt Nam là một phần kết quả của những mối quan hệ như thế.
Đồng thời, vốn là người có rất nhiều mối quan tâm tới các vấn đề khởi nghiệp và công nghệ, Tổng thống Obama cũng đã từng ghé thăm nhiều không gian làm việc chung tại Mỹ. Hồi năm 2014, ở không gian làm việc chung Campus Cross tại Los Angeles, ông từng phát biểu: “Tinh thần khởi nghiệp là một phần ADN của thế hệ trẻ ngày nay”. Tại Dreamplex hôm 24/5, Obama đã nhận xét: "Dreamplex là một nơi quan trọng, không chỉ là mái nhà cho những doanh nhân khởi nghiệp công nghệ, mà còn là nơi mọi người có thể chia sẻ ý tưởng, làm việc cùng nhau, và xây dựng một cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau".
Trao đổi riêng với Nhịp Cầu Đầu Tư, anh Nguyễn Trung Tín hào hứng cho biết rằng Dreamplex 2 sẽ sớm được mở cửa trước cuối năm nay, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao của các công ty công nghệ tại TPHCM. Với công suất 550 chỗ ngồi, cao hơn 50% so với Dreamplex hiện nay, Dreamplex 2 có điểm đặc biệt sẽ được trang bị thêm một phòng thí nghiệm mang tên Dreamlab. Với các thiết bị hiện đại như máy in 3D, máy cắt laser, máy gia công cơ khí CNC và máy ép nhựa (injection molding), Dreamlab hứa hẹn sẽ là không gian sáng tạo dành riêng cho những công ty khởi nghiệp theo đuổi mảng phần cứng, vốn không có nhiều điều kiện tiếp cận các loại máy móc như vậy.
Với sự phát triển về quy mô của Dreamplex, Trung Tín cũng chia sẻ thêm anh đang cho phát triển một ứng dụng mạng xã hội nội bộ dành riêng cho những người đã và đang sử dụng Dreamplex, tương tự như WeWork đã làm. Ngoài ra, Tín cũng tiết lộ rằng anh đang xem xét việc phát triển mô hình co-living tương tự như WeLive, và có thể sẽ đặt tên cho mô hình này là Dreamstay.
Tuấn Minh
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư