Nhà máy thông minh mở lối công xưởng khu vực
Thực tiễn cho thấy các nhà máy thông minh đã thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội. Ảnh: TL
Bằng việc sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) trong chuỗi cung ứng, toàn bộ dữ liệu kho tại nhà máy GE Hải Phòng đều được cập nhật theo thời gian thực lên hệ thống toàn cầu của General Electric (GE). Nhờ vậy, mọi nhân viên của GE trên thế giới đều có thể cập nhật, phân tích dữ liệu để ra quyết định phù hợp, đảm bảo hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn.
Hay tại nhà máy sữa 20 ha của Vinamilk tại Bình Dương với công suất 400 triệu lít sữa/năm, tất cả hệ thống thiết bị, máy móc, đặc biệt là các robot LGV đều vận hành tự động. Mỗi khâu trong quá trình sản xuất được giám sát, mọi thông số đều được theo dõi, bảo đảm khả năng truy xuất tức thì đối với bất kỳ sản phẩm nào.
Xu hướng chủ đạo
Những nhà máy thông minh như GE và Vinamilk hiện là xu hướng phát triển chủ đạo của ngành sản xuất thế giới, vận hành trên nền tảng của các công nghệ mới như Internet vạn vật (IoT), Big Data, trí tuệ nhân tạo (A.I)... Thực tiễn cho thấy các nhà máy thông minh đã thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội trong sản xuất, phát triển sản phẩm mới, kết nối hệ thống cung ứng, kết nối dữ liệu với các khách hàng. Đáng chú ý, nhà máy thông minh thể hiện được ưu việt trong tình trạng chuỗi cung ứng toàn cầu bị tê liệt trong thời điểm dịch bệnh bùng phát khắp thế giới.
Hiện nay, Việt Nam đã nổi lên trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của chuỗi sản xuất cung ứng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong năm 2021, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam đang bước đầu trở thành “công xưởng công nghệ” khi thu hút nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu như Intel, Samsung, LG, Nokia, Foxconn hay Luxshare...
Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”. Tuy nhiên, khảo sát của Bộ Công Thương về mức độ sẵn sàng của các ngành công nghiệp Việt Nam trước Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho thấy đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc cách mạng quan trọng này. Doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh... Trong khi đó, xu hướng dịch chuyển đơn hàng, gia tăng chi phí và nguy cơ thiếu lao động của doanh nghiệp sẽ là những áp lực lớn cho nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam trong các năm tới.
Tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho biết, dệt may là ngành điển hình, sử dụng nhiều lao động, 90% sản lượng dùng để xuất khẩu và cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia có quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh.
“Năng suất hiện nay cạnh tranh với nhau chủ yếu bằng khoa học công nghệ, không cạnh tranh bằng kỹ năng của người lao động thông thường như trước”, ông Trường nhận định. Ngành dệt may cũng bước đầu đầu tư ứng dụng về công nghệ thông tin, A.I để chuyển giao dữ liệu từ nơi sản xuất tại Việt Nam tới tất cả người mua hàng dù người đó ở Mỹ, Úc hay Nhật... Tuy nhiên, đầu tư cho công nghệ mới yêu cầu về vốn lớn hơn rất nhiều so với phương thức đầu tư công nghệ cổ điển sử dụng nhiều lao động.
Vì vậy, phát triển các mô hình nhà máy thông minh trong chuỗi cung ứng và ngành công nghiệp hỗ trợ rất quan trọng trong mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất và đưa Việt Nam thực sự trở thành “công xưởng” của khu vực. Mới đây, Bộ Công Thương phối hợp với Samsung Việt Nam phát triển “Dự án hợp tác phát triển Nhà máy thông minh giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam”. Dự án sẽ đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 doanh nghiệp áp dụng Nhà máy thông minh trong 2 năm (2022-2023) để tham gia sâu chuỗi cung ứng cho các nhà máy Samsung toàn cầu.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho biết: “Sự hỗ trợ này sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực lên một tầm cao mới. Chúng tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục quan tâm và có những hỗ trợ về mặt chính sách để doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh sau khi được đào tạo sẽ có cơ hội đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam”.
“Qua chương trình, doanh nghiệp sẽ từng bước nâng cao vị thế và có cơ hội liên kết phát triển sản xuất, tăng khả năng tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn nữa, chúng tôi kỳ vọng sẽ hình thành được liên minh công nghiệp và công nghệ số”, ông Trịnh An Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty POSTEF, chia sẻ.
Việt Nam có nhiều lợi thế trong nỗ lực phát triển các nhà máy thông minh với định hướng chiến lược cho một nền kinh tế số từ Chính phủ. Ảnh: TL. |
Việt Nam có nhiều lợi thế trong nỗ lực phát triển các nhà máy thông minh với định hướng chiến lược cho một nền kinh tế số từ Chính phủ. Chuyển đổi số chính là bước đi quan trọng để tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi từ nhà máy truyền thống sang nhà máy thông minh với năng lực sản xuất tự động hóa, nâng cao năng suất... “Hiện nay, chúng ta ở thời điểm phù hợp để phát triển nhà máy thông minh với trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. Chúng ta có nhiều thuận lợi để xây dựng nhà máy thông minh nhưng cần lộ trình, chiến lược và con người hiểu biết để xây dựng được”, ông Bằng Tạ, Giám đốc kinh doanh Siemens tại thị trường Việt Nam, cho biết.
Những ứng dụng công nghệ đã được doanh nghiệp đưa vào thực tế sản xuất nhưng theo các chuyên gia, để đạt được trình độ sản xuất tiên tiến như nhà máy thông minh đúng nghĩa thì cần có quá trình phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị và con người. Mặt khác, đầu tư cho nhà máy thông minh có chi phí cao nên cần phải có chính sách hỗ trợ về vốn
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư