Nỗi lo của Gojek
Gojek sẽ ra mắt dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong năm nay tại Việt Nam. Ảnh: Quý Hòa.
Cuối cùng Gojek cũng ra mắt dịch vụ thanh toán trực tuyến ở Việt Nam nhưng vẫn chưa có ví điện tử riêng. Cụ thể, người dùng có thể lựa chọn sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ Visa, Mastercard và JCB để thanh toán các dịch vụ vận chuyển và giao nhận đồ ăn trực tuyến của ứng dụng này.
Ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam, cho biết thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những tính năng quan trọng nhất mà Gojek ra mắt trong năm nay tại Việt Nam. “Nỗ lực này cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam, thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, Gojek đảm bảo tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và mức cao nhất của PCI DSS (bộ yêu cầu được điều chỉnh bởi Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật ngành thẻ thanh toán) nhằm đảm bảo tính bảo mật của dữ liệu thẻ.
Ngoài ra, Gojek không lưu trữ thông tin số thẻ quốc tế của người dùng mà sử dụng một dãy ký tự đặc biệt được mã hóa từ số thẻ để tăng cường tính bảo mật cho dữ liệu. Hệ thống bảo mật của Gojek cũng có thể nhận diện các giao dịch bất thường, chặn các giao dịch đó ngay lập tức và cảnh báo cho người dùng.
Trên thực tế, Gojek vẫn hợp tác với các nền tảng thanh toán thứ 3 chứ chưa có ví điện tử trực thuộc đơn vị này. Trong khi đó, các đối thủ trực tiếp của Gojek ở Việt Nam đều đã có từ rất lâu. Như Now tích hợp ShopeePay từ công ty mẹ, Grab tích hợp Moca, hay Be thừa hưởng các dịch vụ tài chính từ đối tác chiến lược là VPBank.
Nhận thức được việc này, đại diện của Gojek cho biết sẽ tiếp tục mở rộng các tính năng thanh toán kỹ thuật số trong thời gian tới. “Trong đó bao gồm cả việc ra mắt ví điện tử để người sử dụng có thể tận hưởng lợi ích của nền kinh tế số”, ông Đức nói.
Việc chính thức đổi tên thành Gojek từ tháng 8/2020 không đơn thuần chỉ là đồng bộ thương hiệu mà còn là đồng bộ với hệ thống công nghệ từ công ty mẹ, vốn có sẵn rất nhiều tính năng bao gồm cả thanh toán trực tuyến. Việc chưa ra mắt dịch vụ thanh toán trực tuyến riêng cho thấy Gojek Việt Nam vẫn đang xử lý các vấn đề liên quan đến giấy phép để có thể ra mắt dịch vụ này ở Việt Nam.
Sự chậm trễ của ví điện tử Gojek có thể khiến doanh nghiệp này mất đi lợi thế ở thị trường Việt Nam, nơi mà các đối thủ đã xác nhận fintech cụ thể như hoạt động kết nối tiêu dùng, bảo hiểm cho tài xế, cửa hàng sẽ là động lực tăng trưởng tiếp theo của các doanh nghiệp dịch vụ gọi xe.
Đây là mô hình đã chứng minh thành công từ Ant Financial (tiền thân là Alipay). Ant Group ra đời vào năm 2014 để cung cấp dịch vụ tài chính như cho vay và quản lý tài sản cho các tài khoản sử dụng Alipay. Dịch vụ này bắt đầu hoạt động mạnh từ năm 2015, khi Ant Group đưa ra dịch vụ chấm điểm tín dụng mang tên Sesame Credit. Theo báo cáo của Ant Group, từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020, nền tảng này đã xử lý lượng giao dịch trị giá 17,2 tỉ USD, cho vay 209 tỉ USD, quản lý tài sản 173 tỉ USD và cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho 107 triệu người.
Các quỹ đầu tư và doanh nghiệp fintech ở Việt Nam đã nhìn thấy đường đi của Ant: trước hết họ cần là nền tảng thanh toán trực tuyến phổ biến nhất và sẽ có nguồn thu từ mỗi giao dịch. Và khi dữ liệu đủ lớn có thể chấm điểm uy tín từng người dùng, họ sẽ kết nối với công ty cung cấp dịch vụ cho vay và thu phí “chấm điểm công nghệ” như cách Ant Group và Tencent đã và đang làm.
Đối thủ trực tiếp của Gojek ở Việt Nam là Grab gần đây cũng công bố hợp tác chiến lược với các ngân hàng VietinBank, Shinhan. Theo đó, các đối tác này sẽ thiết kế gói tín dụng cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ, phục vụ tài xe và cửa hàng trên Grab.
Không chỉ Grab, Gojek còn đang đối mặt với hàng loạt startup fintech khác cũng đang hướng đến việc kết nối các dịch vụ tài chính ở Việt Nam. Theo báo cáo của Fintech News (Singapore), từ 39 công ty khởi nghiệp trên thị trường fintech Việt Nam vào năm 2015, hiện con số đã lên tới 115.
Các startup này bỏ qua đường vòng làm ứng dụng gọi xe để thu hút người dùng mà hướng trực tiếp kết nối dịch vụ cho vay, đầu tư tài chính cho người dùng như MFast, Mcredit, Infina... nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức của nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Mạnh Khang, Giám đốc Công nghệ Mcredit, cho biết nhìn chung đây là lĩnh vực mới, cạnh tranh cao và không có khoảng cách giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ, đơn vị nào có dịch vụ thuận tiện nhất với người sử dụng sẽ có lợi thế hơn. Hơn ai hết, Gojek hiểu rõ càng đẩy nhanh dịch vụ ví điện tử ở Việt Nam, họ càng có nhiều lợi thế.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Công Sang
-
Hằng Nga
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Long