Hủy
Công Nghệ

Tài sản số chuyển mình

Minh Đức Thứ Tư | 16/04/2025 07:30

Ảnh: Shutterstocks

 
 
Hàng trăm tỉ USD tiền số giao dịch cần khung pháp lý quản lý.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa, trong đó đề xuất cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước). Đây là thông tin có tác động mạnh mẽ trong bối cảnh tài sản số đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, từ các tổ chức lớn đến cá nhân nhỏ lẻ.

Trên thế giới, các tổ chức tài chính lớn đang ngày càng quan tâm đến tài sản số. BlackRock, Fidelity và nhiều công ty khác đã ra mắt các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) Bitcoin, tạo điều kiện cho việc đầu tư một cách chuyên nghiệp và an toàn hơn. Đầu năm 2024, ETF IBIT của BlackRock đã thu hút hơn 10 tỉ USD chỉ trong tháng đầu tiên ra mắt.

Ngoài ETF, các ngân hàng đầu tư cũng đã triển khai dịch vụ lưu ký tài sản số cho khách hàng tổ chức. Bank of New York Mellon, ngân hàng lưu ký lớn nhất thế giới, đã triển khai nền tảng lưu ký tiền mã hóa vào năm 2022, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tích hợp tài sản số vào hệ thống tài chính truyền thống.

Về phía nhà đầu tư nhỏ lẻ, số lượng ví tiền mã hóa đang tăng nhanh, phản ánh sự chấp nhận ngày càng rộng rãi của người dùng cá nhân. Chẳng hạn, token hóa tài sản cũng đang mở ra những cơ hội mới. Một minh chứng điển hình là bất động sản có thể được chia nhỏ thành nhiều token, cho phép nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia với số vốn thấp hơn. Báo cáo từ Custom Market Insights cho thấy con số đã tăng lên 3,5 tỉ USD vào năm 2024. Không chỉ bất động sản, token hóa còn được áp dụng cho nhiều loại tài sản khác như tác phẩm nghệ thuật, sở hữu trí tuệ và thậm chí cả cổ phần của các công ty tư nhân.

Đặc biệt, các ứng dụng DeFi (tài chính phi tập trung) đang tạo ra những cơ hội đầu tư mới cho người dùng nhỏ lẻ. Họ có thể cho vay, cung cấp thanh khoản và kiếm lợi nhuận từ phí giao dịch mà không cần thông qua các trung gian tài chính truyền thống. Tổng giá trị tài sản được khóa lại trong các ứng dụng DeFi đã đạt 55,75 tỉ USD vào đầu năm 2024 và tăng lên 119,72 tỉ USD vào cuối năm 2024 (theo Statista).

Theo Chi hội Blockchain TP.HCM (HBA), khối lượng giao dịch tiền số từ Việt Nam ước đạt 800 tỉ USD mỗi năm. Thống kê được lãnh đạo HBA lấy từ báo cáo của Wall Street Journal, khi Việt Nam đứng thứ 4 trong các thị trường lớn nhất của sàn giao dịch Binance.

Bà Krist Phạm, chuyên gia truyền thông và marketing blockchain, cho rằng, việc có hành lang pháp lý rõ ràng đem lại cho Việt Nam 3 lợi ích rất lớn. Thứ nhất là ngăn chặn thất thoát thuế đáng kể từ các giao dịch tài sản số. Thứ 2 là tạo động lực cho ngành fintech (công nghệ tài chính), blockchain phát triển. Thứ 3 là khi có khung pháp lý rõ ràng, các quỹ đầu tư lớn sẽ an tâm hơn khi rót vốn vào những dự án blockchain tại Việt Nam.

Tuy nhiên, rủi ro trong lĩnh vực này vẫn là mối đe dọa lớn đối với các nhà đầu tư cũng như giới làm chính sách. Theo Chainalysis, thiệt hại do các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền điện tử trong năm 2024 đạt ít nhất 9,9 tỉ USD và dự báo con số này có thể tăng lên mức 12,4 tỉ USD sau khi có thêm dữ liệu về các cuộc tấn công. Đặc biệt, gần đây vụ sàn giao dịch tiền mã hóa lớn thứ 2 thế giới là Bybit bị trộm 1,5 tỉ USD đã gây chấn động thị trường. Một rủi ro khác là sự phụ thuộc vào các sàn giao dịch tập trung. Vụ sụp đổ của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX năm 2022 là một ví dụ về việc tập trung quá nhiều tài sản vào một điểm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho toàn thị trường.

Tại Mỹ, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán  Mỹ (SEC) đã tăng cường giám sát các dự án tiền mã hóa, đặc biệt là các token được coi là chứng khoán. Trong khi đó, Liên minh châu Âu đã thông qua quy định MiCA (Markets in Crypto-Assets), tạo ra khung pháp lý toàn diện đầu tiên cho tài sản số trên thế giới.

Môi trường pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu. Ông Jan Van Eck, CEO VanEck, khi nói về thị trường crypto, cho rằng cần bắt đầu bằng ETF (Exchange Traded Fund - quỹ mô phỏng theo biến động của tài sản cơ sở nào đó, ví dụ như chứng khoán). Tuy nhiên, ông Jan Van Eck nhấn mạnh trở ngại lớn nhất không nằm ở việc triển khai sản phẩm ETF, mà là vấn đề bảo vệ tài sản số - yếu tố nền tảng mà bất kỳ khung pháp lý nào cũng phải đặt lên hàng đầu. “Một khi bạn gửi tài sản số đi, nó có thể biến mất”, ông nói. Vì vậy, để phát triển sàn giao dịch crypto, Việt Nam cần có quy định về bảo vệ tài sản, cơ chế lưu trữ an toàn.

Có thể nói, thị trường tài sản số đang trải qua giai đoạn chuyển mình quan trọng. Sự tham gia của các tổ chức tài chính lớn và khung pháp lý rõ ràng hơn đang giúp thị trường trưởng thành. Tiến sĩ Hà Xuân Sơn, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng: “Các thách thức về quy định, bảo mật và tính bền vững cần được giải quyết để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường. Triển vọng dài hạn vẫn tích cực, đặc biệt khi công nghệ blockchain tiếp tục phát triển và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Việc token hóa các tài sản truyền thống và sự phát triển của DeFi có thể tạo ra những cơ hội đầu tư mới và thúc đẩy sự đổi mới trong ngành tài chính”.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới