Robot Made in Vietnam sắp ra đồng
Ảnh: Trường ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội
Một năm trước, ông Nguyễn Văn Cường (Thôn 5, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) quyết định chơi lớn khi đầu tư thêm hệ thống robot chăm sóc cây cho 5.000 m2 nhà kính của gia đình. Nếu làm nhà kính bình thường chi phí sẽ từ 270-350 triệu đồng/1.000 m2, còn đầu tư thêm hệ thống chăm sóc cây tự động thì phải trên 500 triệu đồng/1.000 m2. Tuy nhiên, ông Cường vẫn chọn tăng mức đầu tư vì lợi ích về công lao động do robot mang lại.
Trang trại của ông chuyên trồng những loại rau trên giàn cao và cần chế độ chăm sóc khá phức tạp. Với hệ thống chăm sóc cây tự động trong đó có robot, trang trại này chỉ cần 2-3 người làm là đủ. Hệ thống gồm những đường ray chạy dọc các rãnh luống, robot tự động chạy dọc đường ray có tốc độ nhanh, chậm tùy người điều khiển. Người ngồi trên robot có thể nâng lên, hạ xuống, từ thu hoạch như hái quả, buộc ngọn, làm lá, cắt chồi, bẻ ngọn đều dễ dàng.
Không chỉ chạy trên đường ray, con robot còn có thể lắp bánh hơi, tự chạy trên đường bình thường. Ảnh: Diệp Quỳnh |
Không chỉ chạy trên đường ray, robot còn có thể lắp bánh hơi, tự chạy trên đường bình thường, di chuyển dễ dàng từ nhà kính này sang nhà kính kia. Sử dụng điện từ hệ thống ắc quy, người ngồi trên robot hoàn toàn không lo việc cháy nổ, điện giật hay các tai nạn từ điện khác. Không chỉ phục vụ thu hoạch hay vặt lá, bẻ chồi, robot còn phục vụ việc phun thuốc hợp lý. Từ trên robot, chọn độ cao phù hợp, người nông dân có thể phun thuốc tới tận các ngóc ngách khó vươn tới nhất, điều chỉnh lượng thuốc đúng theo hướng dẫn.
Hiện nay, tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, chế tạo robot phục vụ nông nghiệp đang là đề tài được giới khoa học quan tâm. Đầu năm 2023, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức nghiệm thu thành công đề tài khoa học công nghệ cấp Đại học Quốc gia Hà Nội mang tên “Nghiên cứu phát triển Robot thao tác di động tích hợp công nghệ 4.0 ứng dụng trong nông nghiệp” Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Mạnh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Cơ học Kỹ thuật và Tự động hóa làm chủ nhiệm.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Mạnh Thắng, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chế tạo robot nông nghiệp. Ảnh: Đại học Công nghệ, Quốc gia Hà Nội. |
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Mạnh Thắng, Chủ nhiệm đề tài, công nghệ robot đang được kỳ vọng sẽ ứng dụng phổ biến trong nông nghiệp công nghệ cao. Cơ hội ứng dụng công nghệ cao và xu thế ứng dụng robot trong nông nghiệp là tất yếu. Tuy nhiên, việc ứng dụng này sẽ tăng nhanh và rộng rãi khi nền nông nghiệp các nước đạt một số chuẩn nhất định về hạ tầng cùng với sự quan tâm của các nhà quản lý nông trại đến việc tự động hóa bằng robot, nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí và giải quyết những mối lo ngại về nguồn nhân lực trong thị trường nông nghiệp.
Trăn trở trước bài toán ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn và từ những lần được trải nghiệm mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nhóm nghiên cứu về Cơ điện tử và Tự động hóa nung nấu ý tưởng nghiên cứu chế tạo robot trong sản xuất nông nghiệp. Nhóm cũng đã tham quan, trao đổi tại nhiều nông trại và nhà kính công nghệ cao được nhập khẩu từ các nước phát triển và áp dụng quy trình trồng cà chua, dưa chuột và các hoa quả khác tại Việt Nam với các công nghệ hiện đại.
Chỉ sau 9 tháng từ đầu năm 2021, nhóm đã phân tích bài toán và thiết kế, bước đầu chế tạo sản phẩm với 1 robot có kích thước nhỏ gọn, có thể luồn qua các khe trống giữa 2 luống canh tác. Robot có khả năng phát hiện các loại trái cây, nhận biết các quả chín. Từ đó, chúng có thể xác định được quả nào có thể thu hoạch, ngay cả trong vườn cây lộn xộn và phức tạp. Đồng thời, robot cần phải có khả năng kẹp sâu vào dây leo để hái quả chín mà không làm ảnh hưởng đến các quả xanh xung quanh.
Vì được thiết kế, chế tạo toàn bộ các thành phần trong nước nên giá robot do nhóm của Tiến sĩ Thắng sẽ chỉ bằng khoảng 30% so với chủng loại robot tương tự phải nhập khẩu. Các phần mềm điều khiển robot các kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có thể lập trình và làm chủ được, không phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, kết hợp với các đối tác doanh nghiệp có nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển như Hàn Quốc… để mở rộng khả năng và không gian hoạt động của robot để nhân rộng mô hình hoạt động cũng như hiệu quả của sản phẩm này.
Có thể bạn quan tâm:
[Infographic] 6 mô hình kinh doanh thành công nhất kỷ nguyên số
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Công Sang
-
Hằng Nga
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Long
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ