Hủy
Công Nghệ

Tái khởi động cuộc đua lên Mặt Trăng: Ai sẽ được lợi?

Thứ Sáu | 21/07/2017 15:49

NASA/Bloomberg

 
 
Hàng loạt chính phủ và tập đoàn tư nhân đang có kế hoạch đổ bộ lên Mặt Trăng để thăm dò khoa học và khai thác tài nguyên.

Ngày 20/7 vừa qua đánh dấu 48 năm ngày Neil Armstrong đặt chân lên Mặt Trăng. Năm 1969, phi hành đoàn tàu Apollo 11 đã cắm cờ Mỹ và một tấm bảng trên bề mặt Mặt Trăng với dòng chữ: "Chúng tôi thay mặt con người đến đây vì hòa bình". 

Nhân dịp kỷ niệm 48 năm sự kiện này, luật sư Nancy Lee Carlson ở Illinois (Mỹ) đã nhờ nhà đấu giá Sotheby's bán một chiếc túi đựng một đầy đá mà các phi hành gia Apollo 11 đã mang về từ Mặt Trăng. Bà Carlson đang hy vọng kiếm được khoảng 4 triệu USD từ thương vụ này.

Tai khoi dong cuoc dua len Mat Trang: Ai se duoc loi?
Túi mẫu vật từ mặt trăng. Ảnh: Bloomberg

Lịch sử của chiếc túi này cũng khá thú vị: chính phủ Mỹ vô tình bán nó vào năm 2015, sau đó đã cố gắng giành lại chúng từ bà Carlson. Đến năm ngoái, chính phủ đã thua kiện và buộc phải trả lại túi cho Carlson.

NASA và những người khác vẫn cho rằng một di sản văn hóa quan trọng như chiếc túi này không nên thuộc về sở hữu tư nhân. Một tổ chức phi lợi nhuận mang tên For All Moonkind đang kêu gọi Liên Hợp Quốc bảo vệ 6 địa điểm hạ cánh trên Mặt Trăng của các chuyến tàu Apollo, cũng như những di sản có liên quan như chiếc túi này.

Luật sư Michelle Hanlon, người đang thúc đẩy nỗ lực của For All Moonkind, nói: "Điều chúng ta cần làm là tạo ra một Unesco cho không gian".

Khi ngày càng nhiều quốc gia và công ty lên kế hoạch khai thác Mặt Trăng, sẽ ngày càng có thêm nhiều mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và nhu cầu bảo tồn như thế này. Khi đó, người ta sẽ không còn tranh cãi về việc nên làm gì với những di vật lịch sử nữa, mà là về việc có nên cho phép đổ bộ hàng loạt lên Mặt Trăng hay là mở tổ hợp khai thác mỏ hay không.

Cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động không gian là Hiệp ước Không gian (OST) 1967 được soạn thảo bởi Văn phòng về Hoạt động Vũ trụ của Liên Hiệp Quốc (OOSA). Quy tắc chính của thỏa thuận này là ngăn chặn các quốc gia đòi chủ quyền hay sở hữu không gian, cũng như chỉ được sử dụng Mặt Trăng và các thiên thể khác cho các mục đích hòa bình.

Vào năm 1979, Đại hội đồng LHQ thông qua Hiệp định Mặt Trăng, nói rằng tài nguyên thiên nhiên của Mặt Trăng là "di sản chung của nhân loại" và rằng cần phải thiết lập một cơ quan quốc tế mới để quản lý việc sử dụng các nguồn tài nguyên này "vì việc khai thác gần đây đã trở nên khả thi" . Tuy nhiên, Mỹ và hầu hết các quốc gia có chương trình thám hiểm không gian đã không ký tên vào hiệp định này.

Một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Luxembourg, đã thông qua luật để thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp của các tài nguyên mà các công ty tư nhân khai thác được trong không gian. Hanlon cho biết, trong khi các nhà nghiên cứu pháp luật có thể không đồng ý với nhau về việc liệu các luật đó có trái với các quy định của OST, nhưng vấn đề đã trở nên rõ ràng: Rất nhiều quốc gia và doanh nghiệp đang nuôi những kế hoạch lớn cho không gian, và Mặt Trăng là một trong những nơi có nhiều triển vọng về khoa học và thương mại.

Tai khoi dong cuoc dua len Mat Trang: Ai se duoc loi?
Xe tự hành Yutu của Trung Quốc trên bề mặt mặt trăng. Ảnh: purch.com

Nằm cách trái đất 385.000 km, Mặt Trăng là một mục tiêu lớn và tương đối gần, và có  trữ lượng lớn khí helium và các loại tài nguyên khác. Ít nhất 5 quốc gia đang tích cực lập kế hoạch khám phá Mặt Trăng bằng tàu có người lái, và Trung Quốc đang mong muốn tiếp cận nguồn helium-3 trên Mặt Trăng. Đây là một nhiên liệu hạt nhân hiếm thấy trên trái đất, nhưng lại có nhiều trong vỏ Mặt Trăng.

Hanlon cho biết "Thật tuyệt nếu có những cuộc tranh luận về thương mại hóa không gian. Hiện tại thì chưa có gì cả".

Vào năm 2013, Trung Quốc  trở thành quốc gia thứ ba có thể đưa tàu vũ trụ hạ cánh mềm (soft landing) xuống Mặt Trăng, sau Nga và Mỹ. Sau đó, Trung Quốc đã cho một xe tự hành thám hiểm Mặt Trăng trong 2 năm liền. Nước này cũng có kế hoạch phóng một tàu thăm dò Mặt Trăng khác mang tên Chang'e 5 vào cuối năm nay hoặc năm 2018, và mang mẫu vật từ Mặt Trăng về trái đất. Trung Quốc cũng có kế hoạch đưa con người lên Mặt Trăng vào giữa những năm 2030.

Trong khi đó, tàu Chandrayaan-2 của Ấn Độ được thiết kế để thực hiện một cuộc hạ cánh mềm lên Mặt Trăng vào năm 2018, trong khi tập đoàn tư nhân SpaceX của Elon Musk đã tuyên bố họ có hợp đồng để đưa hai người bay tham quan vòng quanh Mặt Trăng vào năm 2018. Cũng trong năm tới, cuộc thi Lunar X Prize của Google sẽ thưởng 30 triệu USD cho những ai có thể phóng thành công một xe tự hành lên Mặt Trăng. Những nhà tổ chức Lunar X Prize đã nói rằng có khả năng ít nhất sẽ có 1 bên tham gia làm được điều này.

Nhật Bản và Nga cũng dự định đưa người lên Mặt Trăng, và Mỹ cũng nói họ có thể lên kế hoạch đưa người lên Mặt Trăng trở lại.

Bá Ước

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới