Hủy
Công Nghệ

Thời đại của các trợ lý ảo

Thứ Hai | 21/09/2015 12:30

 
 
Theo hãng nghiên cứu Gartner, gần đây khoảng 38% người tiêu dùng Mỹ sử dụng dịch vụ trợ lý ảo trên điện thoại thông minh

Đám đông đầy kích động chen chúc nhau vào khán phòng Bill Graham ở San Francisco vào ngày 9.9 vừa qua để xem buổi trình diễn các sản phẩm được trông đợi từ lâu của hãng Apple. Các nhà điều hành đã bước lên sân khấu để trình làng những phiên bản mới nhất của chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch, iPhone và iPad cũng như một thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình (set-top box) mới, giúp cho người xem dễ dàng tìm kiếm các chương trình truyền hình và chơi game.

Tuy nhiên, ngôi sao sáng thực sự của buổi trình diễn là Siri, công nghệ trợ lý cá nhân của Apple. Siri, vốn đã có mặt trên iPhone, trả lời các yêu cầu bằng giọng nói và sẽ được gắn vào các bộ điều khiển tivi từ xa mới của Apple. Nhờ đó, người sử dụng sẽ không phải đụng tay đụng chân khi muốn đổi kênh hay tìm các chương trình truyền hình mới. Nếu người sử dụng muốn biết về thời tiết hoặc kết quả của một sự kiện thể thao, họ có thể hỏi Siri và sẽ nhận được câu trả lời nhanh chóng. 

Việc Siri bước chân vào truyền hình là ví dụ cho thấy sự trỗi dậy của phần mềm trợ lý ảo có khả năng bắt chước một số kỹ năng của những thư ký trong đời thực: ghi chú nhắc nhở các cuộc họp, tìm kiếm thông tin, cũng như thực hiện các nhiệm vụ khác. Apple, sau khi mua lại Siri vào năm 2010 với giá ước tính 200 triệu USD, hiện đang là kẻ dẫn đầu trong lĩnh vực này. Nhưng nhiều hãng công nghệ khác cũng đã và đang phát triển các sản phẩm tương tự để cạnh tranh với Apple.

Google và Microsoft đã lần lượt tung ra trợ lý ảo dùng cho điện thoại thông minh là Google Now và Cortana. Những trợ lý ảo này hiểu rất rõ thói quen và lịch trình công việc của chủ nhân mình. Còn Amazon thì bán một thiết bị độc lập có thể chơi nhạc, đọc sách cho người nghe và đặt hàng qua Amazon cùng nhiều chức năng khác. Hồi ngày 8.9, Baidu, một công ty internet Trung Quốc, đã ra mắt trợ lý ảo của mình là Duer. Gần đây, Facebook cũng cho biết một dịch vụ trợ lý kỹ thuật số mới gọi là M sẽ có mặt trong ứng dụng nhắn tin của mạng xã hội này. 

Tất cả các công ty nói trên dù vẫn còn nhiều điều cần phải làm để hoàn thiện dịch vụ trợ lý ảo, nhưng mức độ phức tạp và danh sách các nhiệm vụ mà các trợ lý ảo có thể làm được đang gia tăng nhanh chóng. Ứng dụng nhận diện giọng nói, dù chưa hoàn thiện, nhưng đã được cải tiến rất nhanh. Cách đây 2 năm, Google Now từng “hiểu sai” khoảng 25% từ được nói ra, nhưng giờ chỉ sai 8%, theo Aparna Chennapragada, người giám sát sản phẩm này. Mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp hiện đang là làm thế nào để sử dụng các thông tin mà người tiêu dùng lưu trữ trong các thiết bị của họ để chủ động đưa ra các đề xuất thay vì chỉ làm theo những gì người sử dụng yêu cầu.

Google đặc biệt nhạy về vấn đề này. Chẳng hạn, Công ty đã “lọc” qua các email của người sử dụng để đề nghị họ khi nào nên xuất phát để đi tới một điểm hẹn hoặc ra phi trường để không bị trễ chuyến bay. Cortana của Microsoft cũng làm được việc này nhưng chỉ giới hạn dùng cho các thiết bị Windows. Công nghệ định vị toàn cầu, một đặc tính thường thấy trên điện thoại thông minh, đang giúp các trợ lý ảo này thực hiện nhiệm vụ của họ tốt hơn. Nếu một người tiêu dùng muốn được nhắc nhở phải đi mua sữa khi đi siêu thị vào lần tới thì một tín hiệu sẽ lóe sáng khi điện thoại nhận thấy anh ta đã đến siêu thị.

Công nghệ cũng giúp cho các trợ lý ảo sắp xếp các cuộc họp mặt. Một vài công ty khởi nghiệp trong đó có Clara Labs và x.ai hiện cung cấp các dịch vụ trợ lý ảo chuyên sắp xếp lịch hẹn. Dựa trên email của người sử dụng, các trợ lý ảo “quét qua” lịch làm việc của họ và chọn ra một thời điểm thuận tiện thay mặt người đó, giúp tiết kiệm thời gian cho người sử dụng.

Sự trỗi dậy của các trợ lý ảo cho thấy 2 xu hướng quan trọng mà sẽ định hình nên tương lai của internet tiêu dùng. Xu hướng thứ nhất là sự “tiến hóa” của cách thức tìm kiếm, khi vượt ra khỏi kiểu đặt câu hỏi bằng cách gõ từ khóa trong các công cụ tìm kiếm, để tiến đến một dịch vụ mang tính cá nhân hóa hơn và tương tác tốt hơn. Thứ hai là sự chuyển đổi dần dần từ các ứng dụng cá nhân sang một hệ sinh thái gồm các dịch vụ được sắp xếp, tổ chức bởi một trợ lý ảo đầy quyền lực.

Trợ lý ảo là một phần nỗ lực của các hãng công nghệ nhằm thúc đẩy trí tuệ nhân tạo, dạy máy móc xử lý khối lượng khổng lồ các dữ liệu, nhận biết những mẫu hành vi lặp đi lặp lại để hỗ trợ con người trong công việc hằng ngày. Thấy được triển vọng của nó, các doanh nghiệp đang bỏ ra hàng tỉ USD mua lại các công ty khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực này và đang đẩy mạnh việc tuyển dụng các chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Apple đang có kế hoạch tuyển dụng khoảng 90 chuyên gia. Facebook đã thuê một siêu sao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là Yann LeCun để dẫn dắt trung tâm nghiên cứu của mình.

Với những lợi ích từ trợ lý ảo, người tiêu dùng cũng thường xuyên sử dụng chúng hơn trước. Theo hãng nghiên cứu Gartner, gần đây khoảng 38% người tiêu dùng Mỹ sử dụng dịch vụ trợ lý ảo trên điện thoại thông minh; đến cuối năm 2016 ước tính có 2/3 người tiêu dùng tại các thị trường phát triển sẽ sử dụng chúng mỗi ngày.

Các trợ lý ảo ngày càng giỏi hơn trong việc dự đoán nhu cầu của người sử dụng. Dù vậy, chúng chưa thể hoàn tất các nhiệm vụ mà đòi hỏi các bước xử lý phức tạp hơn như đặt vé máy bay. Lấy ví dụ, một trợ lý ảo có thể tìm được nhà hàng gần đó và đặt chỗ qua dịch vụ trực tuyến OpenTable, nhưng lại không hiểu rõ chủ nhân hoặc chưa đủ trình độ phán đoán để có thể đưa ra đề nghị món ăn Ý nào là ngon nhất.

Để làm hài lòng người sử dụng, các trợ lý ảo sẽ cần phải thực hiện tốt hơn việc kết nối với các dịch vụ bên ngoài để hoàn thành các yêu cầu đưa ra. Đây chính là mục đích của Viv, một công ty khởi nghiệp dẫn dắt bởi các nhà sáng lập nên ứng dụng Siri, vốn dự kiến sẽ tung ra một dịch vụ như vậy trong năm tới. Các trợ lý ảo hiện có cũng đang trở nên “cởi mở” hơn. Chẳng hạn, trợ lý ảo Cortana kết nối với Uber để giúp người sử dụng đặt xe và gần đây bắt đầu cho xem những phiếu mua hàng khi họ đi vào cửa hàng hoặc tìm mua trên mạng.

Sự trỗi dậy của các trợ lý ảo cũng có nhiều thách thức. Một trong số đó là tính riêng tư. Các dịch vụ muốn tốt thì phải tiếp cận được khối lượng lớn dữ liệu về người sử dụng nhưng vẫn chưa rõ cách mà thông tin về người tiêu dùng được chia sẻ với các doanh nghiệp bên ngoài. Không giống như thư ký ngoài đời thực là chỉ làm việc cho một người hoặc một doanh nghiệp thì các trợ lý ảo lại không có lòng trung thành đến vậy. Chẳng hạn, Google Now và Facebook M có thể làm việc thay mặt cho người tiêu dùng, nhưng các công ty tạo ra các trợ lý ảo này lại kiếm tiền từ việc bán quảng cáo nhắm đến đối tượng cụ thể và khai thác thông tin người tiêu dùng.

Một tình huống tương tự cũng nảy sinh liên quan đến thương mại. Khi các trợ lý ảo thay mặt chủ nhân mua nhiều hàng trên mạng, họ sẽ có quyền lực để tăng doanh số bán của một số doanh nghiệp nào đó và làm giảm sút doanh thu của các doanh nghiệp khác. Khi được hỏi đặt một vé đi từ San Francisco đến London, liệu một trợ lý ảo chọn vé rẻ nhất hay là vé của một hãng hàng không mà có quan hệ “làm quảng cáo” với công ty tạo ra trợ lý đó? Khi các trợ lý trở nên có quyền lực hơn, câu hỏi về việc ai làm việc cho ai sẽ càng được đặt ra.

Văn Quốc

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới