Tiền di động đã sẵn sàng triển khai "rất nhanh và rộng"
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam - TP.HCM, cho rằng Việt Nam trở thành một hình mẫu trên toàn cầu trong cuộc chống dịch COVID-19 và đây là cơ hội để tăng tốc chuyển đổi nền kinh tế sang kỹ thuật số.
Việc sử dụng dữ liệu điện tử, và chính sách thúc đẩy nền kinh tế số, cởi mở, tự do không chỉ tạo thuận lợi cho thương mại mà cả hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp truyền thống. Các doanh nghiệp bản địa cũng sẽ mở đường cho Việt Nam vượt qua các đối thủ cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành người dẫn đầu trong nền kinh tế số. Ý kiến của đại diện AmCham một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc đẩy nhanh kinh tế số tại Việt Nam
Theo dự báo của Google, kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, ở mức khoảng 38% và dự kiến có thể đạt 43 tỉ USD vào năm 2025.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hiệu quả rất lớn của kinh tế số khi các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, năng suất đã tăng thêm khoảng 30%.
Đây là thời điểm để Việt Nam nhắc nhiều đến nền kinh tế số cùng với nỗ lực thúc đẩy thanh toán di động, thương mại điện tử. Trong đó, thương mại điện tử tại Việt Nam quy mô 8 tỉ USD nhưng 97% thanh toán tiền mặt. Một trong những hướng vượt qua rào cản này chính là sự lan tỏa của tiền di động (mobile money).
Theo báo cáo của PwC, tỉ lệ số người tại Việt Nam sử dụng thanh toán di động qua các ứng dụng thanh toán như MoMo, ZaloPay, Samsung Pay, Moca... tăng gấp đôi từ 37% vào năm 2018 lên 61% năm 2019. Tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng hiện phát triển rất mạnh, 50% người dân đã có tài khoản ngân hàng, ngoài ra các loại hình thanh toán trung gian khác như ví điện tử cũng rất phát triển. Cũng theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, dự kiến đến năm 2020, số người sử dụng ví điện tử sẽ đạt 10 triệu người.
Dự kiến trong tháng 6, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông khai thác mobile money. Thủ tướng đã đồng ý để cho phép triển khai trên toàn quốc, thay vì “khoanh vùng” thực hiện mobile money như một số đề xuất trước đó. Việt Nam hiện có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quận, huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G.
Số thuê bao di động băng rộng smartphone dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Nếu triển khai thành công, mobile money sẽ là một cú hích khác cho hoàn thành mục tiêu nền kinh tế không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam. Đó là mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ không dùng tiền mặt chiếm hơn 30% trên tổng phương diện thanh toán.
Hiện nay, VNPT-Media và Viettel đều đã được cấp giấy phép trung gian thanh toán. MobiFone cũng đã nộp hồ sơ mong muốn được triển khai thử nghiệm mobile money. Với 90% giao dịch nhỏ không qua tài khoản ngân hàng hiện nay, nếu có mobile money sẽ rất tiện lợi, người dân sẽ chỉ cần chuyển qua số điện thoại trên danh bạ.
Trên thực tế, tại Việt Nam dù tỉ lệ người dùng thẻ tín dụng chưa cao, nhưng mật độ thuê bao di động đạt trên 100%. Mặt khác, trên 90% giao dịch dưới 100.000 đồng bằng tiền mặt, vì thế mobile money hướng tới giao dịch giá trị nhỏ sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Lợi thế của các nhà mạng so với ngân hàng là các điểm bán hàng rộng khắp, riêng Vinaphone - VNPT-Media có tới 100.000 điểm bán hàng. Viettel cũng có thế mạnh mạng lưới rộng khắp cả nước, với hơn 2.600 cửa hàng, bưu cục, hơn 270.000 đại lý/điểm bán hàng...
Do không cần liên kết với tài khoản ngân hàng, mobile money nhắm tới phân khúc khách hàng không có tài khoản ngân hàng, chủ yếu là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, mobile money có thể triển khai nhiều dịch vụ như giải ngân các khoản vay, tài trợ cho người dân cho đến thanh toán các dịch vụ thiết yếu, hành chính công, giáo dục, vận chuyển... Mobile money còn dễ kết hợp với các công ty thương mại điện tử, giao vận, tài chính... để tạo nên một hệ sinh thái, thúc đẩy lưu thông tiền tệ, thương mại quốc gia và tăng trưởng kinh tế.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tất cả các quốc gia cho phép mobile money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%. Hiện dịch vụ mobile money đã có mặt tại hơn 90 quốc gia với gần 870 triệu tài khoản đăng ký, 272 ứng dụng, doanh số giao dịch mỗi ngày bình quân 1,3 tỉUSD. Tại châu Á, Thái Lan và Ấn Độ, dịch vụ này cũng đang phát triển nhanh với 1/2 hoặc 2/3 người lớn có tài khoản mobile.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư