Hủy

Bắt tay Formosa, Hoa Sen đối đầu Hòa Phát

Sơn Nguyễn Thứ Sáu | 05/10/2018 06:30

Quy trình sản xuất thép cuộn tại Hoa Sen.

 
 
Hoa Sen và Formosa bắt tay nhau để giải quyết bài toán nguyên liệu và đầu ra.

Giữa lúc bốn bề khó khăn và thị phần bị đe dọa bởi các đối thủ mới, Tập đoàn Hoa Sen đã có bước đi mới đáng chú ý khi ký kết thỏa thuận mua bán thép cuộn cán nóng (HRC) từ khu liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á: Formosa Hà Tĩnh.

 
Triển vọng liên minh

HRC là nguyên liệu đầu vào cho dây chuyền sản xuất tôn và ống thép của các doanh nghiệp chuyên hoạt động ở hạ nguồn như Hoa Sen. Giá HRC nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm bất ngờ tăng mạnh 16% là nguyên nhân quan trong khiến kết quả kinh doanh của Hoa Sen không được như ý (lợi nhuận ròng giảm 55%, xuống còn 512 tỉ đồng). Vì vậy, động thái này hứa hẹn sẽ mang lại những dấu hiệu tích cực mới trong năm tài chính 2019. “Việc ký kết mua HRC với Formosa Hà Tĩnh giúp Hoa Sen tạm thời giảm áp lực nhập khẩu một phần và giữ thị trường nội địa ổn định”, ông Trần Dương, chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định.

Liên minh Hoa Sen - Formosa xem ra khá tiềm năng khi cả hai bên đều sở hữu các thế mạnh có thể bổ trợ cho nhau. Đối với Hoa Sen, đó là lời giải về nguồn nguyên liệu đầu vào vì so với hàng nhập khẩu, HRC mua từ Formosa có giá tốt hơn (618 USD/tấn so với 600 USD/tấn). Việc tận dụng được nguồn nguyên liệu nội địa còn giúp Công ty hạn chế tác động tiêu cực của biến động tỉ giá, vốn diễn biến căng thẳng từ đầu năm đến nay.

Formosa sẽ giải quyết được bài toán đầu ra cho dự án trị giá gần 13 tỉ USD nhờ đối tác Hoa Sen đang nắm giữ thị phần số 1 trên thị trường tôn (34%), số 2 trên thị trường ống thép (18%). Hoa Sen còn là doanh nghiệp sở hữu kênh phân phối lớn nhất cả nước khi tính đến cuối quý III/2018, tổng số cửa hàng và chi nhánh của Tập đoàn đã lên tới 410, dự kiến tiếp tục nâng lên 450 vào cuối năm.

Bat tay Formosa, Hoa Sen doi dau Hoa Phat
 

Năm ngoái, tuy mới chạy ở giai đoạn thử nghiệm nhưng Formosa đã tiêu thụ được khoảng 150.000 tấn. Nhờ lò cao thứ 2 hoạt động trong năm nay, Formosa có thể cung cấp 3 triệu tấn HRC, thậm chí lên 6 triệu tấn vào các năm tiếp theo, hứa hẹn mang đến giải pháp hiệu quả về mặt chi phí cho các doanh nghiệp tôn mạ nội địa.

Thực tế, cuộc chiến thương mại gia tăng dần giữa Mỹ và các quốc gia cũng là yếu tố thuận lợi cho Formosa. Theo Tạp chí Metal Bulletin, các nhà máy cán thép Việt Nam đang quan tâm nhiều hơn đến tiêu thụ HRC nội địa thay vì hàng nhập khẩu để tránh bị chính quyền Mỹ đưa vào danh sách bị áp thuế chống bán phá giá.

Đầu tháng 8 nay, Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục khởi động các cuộc điều tra thép nhập khẩu từ Việt Nam khi nghi ngờ các doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan lẩn tránh thuế bằng cách nhập khẩu thép vào Việt Nam, sau đó xuất sang Mỹ.

Thách thức vẫn lớn

Tăng trưởng toàn ngành thép năm 2018 dự báo sẽ đạt tốc độ khả quan khoảng 20-22%, trong đó cao nhất là thép xây dựng (10%), tôn mạ và sơn phủ màu (12%). Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% và nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản được triển khai trong năm nay sẽ giúp nhu cầu sắt thép tiếp tục tăng.

Nhưng áp lực dư thừa đang trở nên rõ ràng hơn trên thị trường tôn. Trong 2 năm qua, khá nhiều thương hiệu tôn nội địa đã đẩy mạnh cuộc đua mở rộng đầu tư, điển hình như Hoa Sen đã tăng công suất thêm 1,5 triệu tấn, thép Nam Kim tăng 800.000 tấn và đặc biệt là đầu năm nay, dây chuyền sản xuất 400.000 tấn tôn của Hòa Phát chính thức cho ra những sản phẩm đầu tiên. Trong tương lai, khi các dự án của Tôn Đông Á hay Pomina hoàn thành, nguồn cung tôn sẽ gia tăng thêm đáng kể.

Theo VSA, nhu cầu tiêu thụ tôn trong nước chỉ khoảng 2,5-2,8 tấn nhưng tổng công suất thiết kế của toàn ngành đang lên tới 3,2-3,5 triệu tấn. Do thị trường tôn khá đồng nhất về chất lượng, mẫu mã nên chỉ những đơn vị nào giảm được chi phí sản xuất mới có thể duy trì được lợi thế cạnh tranh trong các năm tới.

Bat tay Formosa, Hoa Sen doi dau Hoa Phat
 

Áp lực dành cho vị Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ hiện không hề nhỏ. Tính đến cuối quý III/2018, lượng hàng tồn kho tuy có giảm nhẹ so với quý trước nhưng vẫn ở mức khá cao 8.337 tỉ đồng. Tiếp tục theo đuổi chiến lược mở rộng công suất và mạng lưới phân phối nên tổng nợ vay của Tập đoàn tăng mạnh 34% lên 15.879 tỉ đồng, đưa tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức khá cao: 2,96 lần.

Vì vậy, hợp tác với Formosa là một bước đi đúng hướng ban đầu, nhưng vẫn còn đó một số nghi ngại về triển vọng của Hoa Sen trong thời gian tới. “Dù nhu cầu cho sản phẩm, cả trong nước lẫn quốc tế vẫn duy trì lành mạnh nhưng môi trường xuất khẩu đầy thách thức và tình hình trong nước cạnh tranh gay gắt sẽ tạo áp lực cho sản lượng và giá bán của tất cả các công ty trong ngành”, Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới