Hủy

BIDV, Vietinbank có thể gặp khó, nhưng Vietcombank sẽ hưởng lợi nhiều từ Thông tư 22?

Phạm Vũ Thứ Tư | 04/12/2019 11:18

Vietcombank được nhiều từ Thông tư 22. Ảnh: Vietcombank.

 
 
Khác với BIDV và Vietinbank, Vietcombank dường như được nhiều lợi thế khi Thông tư 22 được áp dụng...

Ngày 15/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 22 thay đổi quy định giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng (LDR). Trong đó, NHNN có động thái siết chặt hơn cho các Ngân hàng Thương mại (NHTM) Nhà nước và nới lỏng cho các NHTM tư nhân. 

Thông tư này đã tác động đến tăng trưởng tín dụng của nhiều Ngân hàng lớn. Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định nhóm NHTM Nhà nước, đặc biệt là 2 Ngân hàng chưa đạt chuẩn Basel II là BIDV và Vietinbank sẽ chịu tác động tiêu cực từ thông tư trên. Tính toán tỷ lệ LDR theo thông tư 36 cho thấy LDR của 2 Ngân hàng này đang ở mức 84% và 85,5% trong quý I/2019. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng NIM* của hai Ngân hàng này. Bên cạnh đó, KBSV đánh giá việc 2 Ngân hàng này chưa đạt chuẩn Basel II sẽ khiến cho dư địa mở rộng tín dụng trong 2020 sẽ không còn nhiều.

 

Ngược lại với hai Ngân hàng trên, Vietcombank “được nhiều hơn” khi Thông tư 22 được áp dụng. Theo tính toán của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tỷ lệ LDR của Vietcombank hiện ở mức 72%, thấp hơn nhiều so với mức trần 85%  được quy định trong Thông tư 22. Do đó, Vietcombank có rất nhiều room tăng LDR trong các năm tới để cải thiện NIM.

Ngoài ra, BVSC đánh giá, NIM của Vietcombank tiếp tục được mở rộng nhờ tài sản sinh lời cao chiếm tỷ trọng cao hơn và tăng LDR.

Lãi suất cho vay giảm được bù đắp bởi gia tăng tỷ trọng cho vay cá nhân

Tính đến hết quý III/2019, dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt hơn 715.000 tỷ đồng, trong đó tập trung ở khối khách hàng cá nhân. BVSC nhận định cho vay mua nhà vẫn là động lực tăng trưởng chính của cho vay cá nhân, chiếm khoảng 55% phân khúc. BVSC dự báo cho vay cá nhân tiếp tục tăng trưởng 23% CAGR giai đoạn 2020-2022. 

Nguồn: BVSC.
Nguồn: BVSC.

Tỷ trọng cho vay cá nhân (không tính SME) sẽ chiếm khoảng 65% tổng dư nợ vào 2025. BVSC dự báo tỷ trọng danh mục cho vay khách hàng/tổng tài sản sẽ tăng từ mức 60% hiện nay lên khoảng 66% vào 2025.

 

Bên cạnh Thông tư 22, quy định về tỷ lệ LDR, mặt bằng lãi suất huy động có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi NHNN ban hành quyết định về việc hạ trần lãi suất huy động cho các kì hạn ngắn hạn. Theo đó, Vietcombank cũng giảm 0,2% đối với một số kì hạn ngắn dưới 12 tháng và giữ nguyên lãi suất ở các kì hạn dài hơn. BVSC  ước tính lãi suất huy động bình quân của Vietcombank sẽ giảm nhẹ 0,05% do khách hàng sẽ chuyển sang gửi tiền ở các kì hạn dài hơn để hưởng mức lãi suất tốt hơn.

Với cơ cấu cho vay của Vietcombank đang dịch chuyển dần sang khách hàng cá nhân và cho vay khách hàng doanh nghiệp tăng trưởng chậm lại, BVSC cho rằng cơ cấu huy động cũng sẽ có sự dịch chuyển dần sang phân khúc cá nhân, khiến cho lãi suất bình quân tiền gửi khách hàng tăng nhẹ dần lên trong các năm tới. Điểm tích cực là LDR của Vietcombank thấp hơn nhiều so với mức trần 85% quy định trong Thông tư 22 nên Vietcombank ít có áp lực phải tăng lãi suất huy động để cạnh tranh.

Như vậy, theo đánh giá của BVSC, NIM của Vietcombank trong tương lai tiếp tục mở rộng nhờ tăng LDR, lãi suất cho vay giảm được bù đắp một phần bởi tỷ trọng gia tăng của cho vay cá nhân.

(*)  Hệ số NIM (Net Interest Margin) là sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng, cho biết hiện các ngân hàng đang thực sự hưởng chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng là bao nhiêu.

►Thông tư 22 dồn BIDV vào thế khó?

►Thông tư 22 tác động như thế nào đến Vietinbank?

►KBSV: Điều chỉnh tỷ lệ LDR là hành động nhằm cải thiện sức khỏe hệ thống Ngân hàng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới