Hủy
Doanh Nghiệp

Hàng Việt đã đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa?

Mai Hân Thứ Sáu | 12/10/2018 20:18

Các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất địa phương trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm đã tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ cho hàng Việt.
 

Đẩy mạnh sản phẩm hàng Việt đến người tiêu dùng. Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018, sẽ tập trung kết nối các đơn vị sản xuất kinh doanh, phân phối để mở ra những không gian kết nối phát triển sản phẩm và thị trường. 

Hiện thị trường đã được phủ hàng Việt với tỉ lện ngày càng tăng, người tiêu dùng cũng có xu hướng tiêu thụ hàng Việt ngày càng nhiều hơn tại các hệ thống siêu thị

Hang Viet da du suc canh tranh tren thi truong noi dia?
 



Hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường

Ngày 11/10, Hội nghị Đối tác phát triển hàng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức đã chính thức diễn ra tại TP.HCM. Tại hội nghị này, hơn một trăm doanh nghiệp đến từ mọi miền đất nước đã tổ chức hoạt động triển lãm thông tin về hàng hoá, dịch vụ, nhu cầu cần bán, cần mua, để các đối tác tìm hiểu tiến tới hợp tác lâu dài. Theo Bộ Công Thương, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã bước sang năm thứ 9. Trong đó, hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường và trên 90% hàng sản xuất trong nước.

Đơn cử, tại TP.HCM, hàng Việt Nam chất lượng cao phủ sóng trên nhiều kênh phân phối đã tạo được niềm tin từ người tiêu dùng. Hiện tại, đa số hệ thống phân phối lớn đều có tỷ lệ hàng Việt từ 65-95%. 

Còn các doanh nghiệp lớn như Co.opmart, Satra, Vissan… đã phát triển hệ thống phân phối của mình tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với tỷ lệ hàng Việt luôn chiếm từ 90-95% trên các quầy kệ.

Trong chuỗi liên kết TP.HCM đang xây dựng, hầu hết các tỉnh đều coi TP.HCM là trọng tâm trong tiêu thụ và cung cấp sản phẩm. Ngược lại, TP.HCM sẽ dựa vào nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của người tiêu dùng để đặt hàng sản xuất và cung cấp sản phẩm.

Tỉnh Lâm Đồng hợp tác với 13 tỉnh, thành về lĩnh vực công nghiệp và thương mại trong đó việc xúc tiến, hỗ trợ tiêu thụ đặc sản các địa phương, phát triển nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, ông Bùi Thế, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng công nhận và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho 27 sản phẩm, để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa địa phương tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

Hang Viet da du suc canh tranh tren thi truong noi dia?

Đây là năm thứ 4 liên tiếp Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam” được tổ chức

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý và giải pháp hỗ trợ hiệu quả trong việc đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm phát triển, quảng bá các sản phẩm đặc sản gắn với địa danh, góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tính đến giữa năm 2018 đã có 60 chỉ dẫn địa lý ở 39 tỉnh, thành phố và đã được cập nhật, giới thiệu, bảo hộ bên cạnh hàng ngàn mặt hàng đặc sản khác nhau như nước mắm Phú Quốc, cam Vinh, tỏi Lý Sơn… 

Tăng thị phần đến năm 2020

Mục tiêu của Chương trình phấn đấu đến năm 2020, tăng thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết, hoạt động hỗ trợ kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất-phân phối gặp khó khăn khi nhiều sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của các địa phương vẫn còn sản xuất với quy mô nhỏ, sản xuất thủ công. Đồng thời, chưa đảm bảo tiêu chí mẫu mã, bao bì, an toàn thực phẩm... theo yêu cầu, điều kiện cung ứng vào các hệ thống phân phối hiện đại.

Trong khi đó, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho hay: Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong ngành lương thực - thực phẩm chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên rất hạn chế về quy mô, vốn và công nghệ. Do đó, các doanh nghiệp ngành gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận kênh phân phối thị trường bán lẻ. Doanh nghiệp trong nước gần như không thể chào hàng các sản phẩm mới cho siêu thị khi mức chiết khấu vẫn còn khá cao (15%-25%). Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải đẩy giá thành cao hơn so với bên ngoài 15%-30% mới đảm bảo lợi nhuận. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ càng gặp khó khăn hơn khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trên chính thị trường trong nước.

Bà Võ Phương Thủy, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho rằng cần có giải pháp tiếp tục các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất... đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tiến kỹ thuật, trang thiết bị... Song song đó, thực hiện nhân rộng chuỗi liên kết giữa nông dân - nhà vựa, thương lái - doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản đối với những mặt hàng đặc thù của địa phương.

Sài Gòn Coop, Satramart, Vinmart… mở rộng thêm quy mô và số lượng điểm bán mới nhằm hỗ trợ liên kết vùng hỗ trợ tiêu thụ đặc sản địa phương tại thị trường trong nước. Ngoài ra, cũng như tập trung xây dựng và đổi mới hệ thống các chợ truyền thống để các doanh nghiệp bán lẻ nội địa tăng sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài tại thị trường Việt Nam.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới