Hủy

Hoàng Anh Gia Lai: Lấy ngắn nuôi dài

Thanh Hằng Thứ Tư | 06/12/2017 01:00

T.H

 
 
Chuyển đổi sang trồng trái cây đã mang lại hiệu quả tức thời cho Hoàng Anh Gia Lai so với cao su hay nuôi bò.

Những trang trại nông nghiệp của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)  trải dài trong phạm vi 200km với địa thế đồi núi dọc biên giới 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Mới đây, NCĐT đã có chuyến thực địa nông trường Snoul và Koun Mum ở Campuchia, nông trường Paksong và Attapeu tại Lào của HAGL. Những vườn trái cây rộng hàng chục ngàn hecta của HAGL đều tăm tắp, thi thoảng bắt gặp những hồ nước lớn được ngăn từ những con sông dùng để tưới cho những khu vườn cây, đẹp như những sân golf.

Trái ngọt đầu mùa
Trong năm 2017, nguồn doanh thu hoạt động lớn nhất của HAGL đến từ việc xuất khẩu chanh dây, chuối, và thanh long. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, Công ty đã xuất khẩu 50.000 tấn trái cây, cho doanh thu 1.257 tỉ đồng, mang lại lợi nhuận gộp tới 617 tỉ đồng. Với đặc điểm là các cây trồng ngắn ngày, những loại trái cây đang cho thu hoạch chỉ cần thời gian rất ngắn để trồng trọt, chăm sóc nhưng lại cho doanh thu ngay lập tức.

Hoang Anh Gia Lai: Lay ngan nuoi dai
 

 Hơn nữa, các loại cây này dù thu hoạch nhanh nhưng lại có vòng đời không ngắn. Một cây chuối trồng 9 tháng cho thu hoạch, có thể cho ra 5 lứa cây tức là thu hoạch được trong 3 năm. Thanh long trồng chỉ sau 14 tháng cho mùa trái bói đầu tiên, nhưng sẽ cho thu hoạch trong tận 15 năm. Tương tự với chanh dây, trong vòng đời 3 năm của cây chỉ tốn 6 tháng chăm sóc đầu tiên. 

Chuyển qua trồng cây ăn trái, HAGL hưởng lợi thế lớn đã đầu tư cho những vườn cây công nghiệp trước đó. Trong tổng diện tích 80.000ha đã đầu tư, Công ty đang dành gần 18.000ha để trồng các loại cây ăn trái, trong đó lớn nhất phải kể đến 3 loại trái cây chủ lực là chuối, thanh long và chanh dây.

HAGL hiện đang sở hữu vườn chuối lớn thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Philippines - đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chuối, vườn thanh long lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh 95% nông dân trong nước có vườn cây trái dưới 5ha, Nafood, công ty trái cây lớn nhất trên sàn giao dịch chứng khoán, cũng chỉ sở hữu khu vườn dưới 100ha, thì quy mô lên đến chục ngàn hecta của HAGL là ưu thế lớn.

→Thâm nhập vườn trái cây của Hoàng Anh Gia Lai

Hệ thống tưới nhỏ giọt độc quyền của Israel tạo nên lợi thế lớn về nhân công khi chỉ cần một công nhân cũng có thể vận hành tưới tiêu cho hàng chục hecta. Các hồ chứa nước được ngăn từ những con sông bao quanh các trang trại cũng giải quyết được bài toán lớn nhất là nước cho hoa màu.

Hoang Anh Gia Lai: Lay ngan nuoi dai
 

Với lợi thế nhờ quy mô, HAGL có thể thương lượng giá cao hơn nông dân trong nước, khi làm việc trực tiếp với những nhà nhập khẩu lớn ở Trung Quốc. Công ty còn phát triển hệ thống logistics khép kín, từ khâu thu hoạch, trữ trong kho lạnh đến việc vận chuyển bằng container lạnh đến tận địa điểm giao hàng ở biên giới. Những lợi thế đó đem lại tỉ suất lợi nhuận đáng mơ ước cho HAGL, lên đến 50-60%, so với 10% của cao su.

 Ngoài 3 loại cây kể trên, Công ty còn trồng thêm 16 loại cây ăn trái và cây công nghiệp ngắn ngày khác như xoài, ổi, mít, tiêu... trong đó đáng chú ý nhất là ớt. Từ nay đến cuối năm 2017, dự kiến HAGL sẽ hoàn thành trồng 1.000ha ớt và đến hết năm 2018 sẽ đạt 2.000 ha. Ớt cũng được dự đoán sẽ mang về 1.083 tỉ đồng, chiếm 14% doanh thu dự kiến về trái cây năm 2018, với tỉ suất lợi nhuận lên đến 65%. Việc đầu tư cho loại cây trồng ngắn ngày này là để phục vụ cho nhu cầu ớt của Trung Quốc bị thiếu hụt sau khi nguồn nhập khẩu từ Ấn Độ bị hạn chế do xung đột chính trị giữa hai nước.

Rủi ro vẫn còn đó
Bức tranh về mảng trái cây rất tươi sáng. Đó cũng là nhận định chung của giới đầu tư và phân tích. Ban lãnh đạo của những công ty con cũng rất lạc quan với việc chuyển hướng đầu tư này. “Nếu ngay từ đầu anh Đức chọn trái cây thay vì cao su và dầu cọ thì Công ty đã tốt hơn nhiều rồi”, ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc HAGL, tâm sự. “Chiến lược trong giai đoạn tới của HAGL là trở thành nhà sản xuất trái cây nhiệt đới tầm cỡ toàn cầu”, ông Sơn cho biết.

Từ cuối năm 2017, chuối sẽ vượt qua cao su và bò, chính thức trở thành trụ cột về doanh thu và lợi nhuận cho HAGL bên cạnh thanh long, chanh dây. Từ năm 2018, lần lượt 10 loại cây như ớt, xoài, bưởi da xanh, cam quýt, nhãn, mít... với diện tích hàng ngàn hecta mỗi loại đồng loạt đi vào khai khác với doanh thu ở giai đoạn tối ưu đều hơn 1 tỉ đồng/ha và biên lợi nhuận cao hứa hẹn thay đổi rất mạnh cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của HAGL.

Hoang Anh Gia Lai: Lay ngan nuoi dai
 

Bước sẩy chân khi đầu tư vào cây công nghiệp cách đây 7 năm đang là vấn đề gây khó cho HAGL. Cao su, cọ dầu là những cây công nghiệp lâu năm, đòi hỏi thời gian đầu tư dài mới cho thu hoạch. Sau đợt tái cơ cấu nợ năm 2016, thanh lý tài sản năm 2017 thì hiện nay Công ty chỉ còn nợ khoảng 23.000 tỉ đồng, trong đó 87% là nợ dài hạn, đa số có thời gian trả nợ từ năm 2020, vừa kịp thời gian vườn trái cây khai thác ổn định.

Tuy mảng trái cây khả quan là vậy, Công ty còn nhiều rủi ro khiến cho giới đầu tư dè dặt. Đầu tiên là Công ty chưa thể đạt được lợi nhuận tối ưu. Việc HAGL quá thiếu hụt tiền mặt đã dẫn đến ưu tiên cho người mua về phương thức thanh toán thay vì về giá. Cũng vì ưu tiên khách hàng trả tiền ngay mà hầu hết nông phẩm HAGL làm ra được đều bán cho khách hàng Trung Quốc, từ thanh long, chanh dây, chuối, cho đến mủ cao su.

Việc này làm Công ty chưa thể mở rộng được thị trường để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn và tránh rủi ro về kinh tế và chính trị khi chỉ phụ thuộc vào một thị trường. Cuối cùng, Công ty có tính linh hoạt rất cao trong việc chuyển đổi cây trồng, ví dụ như các loại cây tương đối ngắn ngày như chuối, ớt. Đây vừa là ưu điểm, vừa là khuyết điểm đối với Công ty vì tính không ổn định của dòng tiền để dự báo.

Trong khi đó, lãi suất bình quân của các hợp đồng tín dụng của HAGL khoảng 10%/năm, tạo áp lực rất lớn lên thanh khoản. Nhiều người cũng biết đến hoạt động nông nghiệp hậu bất động sản của Công ty, với việc phát triển hàng chục ngàn hecta 2 loại cây công nghiệp là mía đường và cọ dầu, xây dựng nhà máy đường và vùng nguyên liệu trồng mía, cùng với việc nuôi bò trong một chu trình khép kín.

Thế nhưng, việc doanh nghiệp có thâm niên 10 năm niêm yết trên sàn chứng khoán này đột ngột công bố doanh thu khả quan từ những vườn trái cây vừa trồng năm ngoái khiến cho nhiều nhà đầu tư bất ngờ, không theo kịp sự xoay chuyển của doanh nghiệp. Giờ đây, HAGL chọn cách hành động thay lời nói, để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Hoang Anh Gia Lai: Lay ngan nuoi dai
 

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới