Hủy

Khẩu trang y tế thoát đời manh mún

Thứ Tư | 09/03/2016 08:00

 
 
Phú Bảo, Thời Thanh Bình, Bảo Thạch đều có chiến lược xuất khẩu khẩu trang y tế.

Hơn 3 năm trước, Công ty Phú Bảo bắt đầu tham gia ngành khẩu trang y tế. Ban đầu Công ty đặt hàng từ Ấn Độ. Nhưng trước nhu cầu tăng cao, với tăng trưởng sản lượng tiêu thụ hằng năm trên 100% cùng triển vọng của ngành vật tư tiêu hao y tế (gồm bao tay, bông băng gòn gạc, các loại ống thông, kim, dây truyền dịch...) ở châu Á - Thái Bình Dương ước đạt 6 tỉ USD cho giai đoạn 2015-2020 (theo Reportlinker), Phú Bảo quyết định tiến đến sản xuất.

Thế là một nhà máy mới với công suất khoảng 210 triệu sản phẩm/năm được ra đời vào cuối năm ngoái. Theo đại diện của Phú Bảo, dự kiến đến tháng 6.2016, sau khi nhà máy đạt được các chuẩn mực chất lượng quốc tế như FDA (Mỹ), CE (châu Âu), BSI (Anh) cùng chứng nhận ISO 9001: 2015, chứng nhận ISO 13485, Phú Bảo sẽ xuất hàng sang Mỹ, Nhật và châu Âu. Mục tiêu sắp tới của công ty này là dành 60% sản lượng cho xuất khẩu, còn lại tiêu thụ trong nước. Ngoài ra, Phú Bảo cũng hướng đến đa dạng hóa sản phẩm như sản xuất thêm vải không dệt, bao tay...

Công ty Trang thiết bị Y tế Thời Thanh Bình, đơn vị tham gia vào ngành khẩu trang từ những ngày đầu tiên của hơn 15 năm trước, cũng đang xây dựng nhà máy mới tại Củ Chi (TP.HCM).

Đầu tư của Phú Bảo, Thời Thanh Bình đã phần nào cho thấy sức hấp dẫn của ngành này, vốn đang thu hút những gương mặt mới như Nam Anh, Liworldco, Việt Thắng... Tuy nhiên, theo một chuyên gia nghiên cứu trong ngành (không muốn nêu tên), ước tính với giá trị khẩu trang chỉ vài trăm đồng mỗi cái, doanh thu của ngành không lớn, chỉ khoảng 360-400 tỉ đồng mỗi năm.

Đó là nhìn ở góc độ của một thị trường ước khoảng 20 triệu dân đô thị sử dụng, với trung bình mỗi người dùng 3 cái/tháng (do nhiều người vẫn còn thói quen dùng đi dùng lại nhiều lần). Nếu ý thức người dùng nâng cao, dưới tác động của môi trường ngày càng ô nhiễm, bệnh tật dễ lây lan và mong muốn bảo vệ sức khỏe, các công ty kinh doanh khẩu trang y tế tin rằng doanh thu của ngành sẽ tăng rất mạnh, không chỉ gấp đôi mà có thể gấp 3, 4 lần thậm chí cao hơn. Đó là chưa kể các xí nghiệp, nhà máy, bệnh viện, phòng khám, cơ sở làm đẹp... đều sử dụng khẩu trang y tế.

Một khi khẩu trang trở thành mặt hàng thiết yếu chứ không chỉ là vật dụng y tế, đại diện Công ty Phú Bảo nhận định, chiếc bánh cho ngành khẩu trang sẽ phình to, thu hút nhiều ông lớn trong ngành sức khỏe - tiêu dùng tham gia.

Hiện tại sân chơi khẩu trang y tế đã có phần chật chội. Chỉ tính ở miền Nam, số đơn vị kinh doanh khẩu trang y tế đã lên đến hơn 40. Trong đó, Bảo Thạch (với thương hiệu Bảo Thạch),Thời Thanh Bình (Medipro, 4U Med), Phú Bảo (Perfetta)... là những công ty đã tạo được uy tín. Ngoài ra, những cái tên chưa rõ chất lượng như Famapro của Nam Anh, Hafapro của Hoàng Hà, Lehaco của Lê Hằng cũng được chọn lựa. Bởi khách hàng hiện không khó tính trong chọn mua khẩu trang y tế và họ thường nhìn vào giá bán, lời tư vấn để quyết định.

Nhưng chính sự dễ chịu và mơ hồ của khách hàng, cùng với chất lượng khẩu trang y tế đang bị thả nổi về mặt kiểm tra kiểm định, cộng thêm yếu tố đầu tư không đòi hỏi vốn lớn đã khiến ngành khẩu trang y tế Việt Nam rơi vào cảnh bát nháo.

Hầu như ai cũng có thể đặt chân vào ngành này. Chỉ cần bỏ ra khoảng 1 tỉ đồng nhập máy từ Trung Quốc, một hộ gia đình có thể sản xuất hàng triệu khẩu trang y tế mỗi năm. Các hộ gia đình sẽ nhận gia công hoặc tự kinh doanh, với mục tiêu càng rẻ càng tốt, không cần quan tâm tới chất lượng. Đây là nguồn xuất phát của những khẩu trang y tế kém chất lượng, nhái nhãn mác của các thương hiệu quen thuộc rồi đem bày bán tràn lan từ chợ, cửa hàng cho đến vỉa hè. Loại khẩu trang y tế này hiện được bán với giá từ 20.000-25.000 đồng/hộp/50 cái. Có nơi còn bán thấp hơn.

Bán giá thấp không có nghĩa là lợi nhuận thấp. Theo những người trong ngành, mức sinh lời từ kinh doanh khẩu trang kém chất lượng có thể là 1 lời 1. Bởi thay vì dùng đúng chất liệu, tạo lớp lọc để bảo vệ người dùng tránh bụi và vi khuẩn, một số nơi sản xuất đã dùng giấy vệ sinh, vải phế liệu, vải độn bột đá để thay thế. Một số khẩu trang còn in hình, để thu hút người dùng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, các cơ sở sản xuất thường dùng mực rẻ tiền, độc hại.

Với một thị trường mà hàng giả hàng dỏm, hàng không đăng ký chất lượng chiếm tới 50-60% và được tiếp tay bởi các nhà bán lẻ, không chỉ khách hàng thiệt hại mà những đơn vị kinh doanh chân chính cũng gặp khó khăn. Đại diện Công ty Thời Thanh Bình cho biết, với các chi phí cho nguyên liệu, sản xuất, bán hàng, duy trì thương hiệu.. lợi nhuận của các công ty chân chính không thể “khủng” như các cơ sở sản xuất gia đình. 

Nhưng Thời Thanh Bình tin rằng cuộc chiến giữa hàng giả, hàng dỏm với hàng chất lượng được dự báo sẽ sớm kết thúc với phần thắng thuộc về những công ty làm ăn bài bản. Bởi người tiêu dùng ngày càng thông minh và được hướng dẫn cách phân biệt khẩu trang giả với khẩu trang thật. Họ cũng sẵn sàng bỏ thêm tiền cho loại khẩu trang giúp bảo vệ sức khỏe. Chỉ cần các công ty chứng minh được với người tiêu dùng chất lượng sản phẩm, thông qua các chứng nhận đạt được cùng uy tín thương hiệu, mức giá hợp lý, thì sản phẩm của công ty sẽ có chỗ đứng. Ngoài ra, phía cơ quan quản lý thị trường có thể tuýt còi bất cứ lúc nào những đơn vị kinh doanh gian dối.

Trong tình hình đó, những cơ sở làm ăn chụp giựt, tầm nhìn ngắn hạn, chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên chất lượng sẽ phải dừng cuộc chơi. Sự sàng lọc sẽ càng nghiệt ngã nếu Unicharm, Unilever, P&G... cùng tham gia. Với tiềm năng thị trường và xu hướng đầu tư mở rộng, đại diện Phú Bảo cho rằng, đây là điều chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai.

Khi đó, những ai tiềm lực mạnh, đầu tư nghiêm túc, chuẩn bị kỹ sẽ không ngại đối đầu. Đây là lý do vì sao Thời Thanh Bình, Phú Bảo đã không ngại bỏ tiền đầu tư công nghệ, máy móc, nhà xưởng, quy trình sản xuất, nhập khẩu nguyên vật liệu. Nếu Phú Bảo nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ thì Thời Thanh Bình cũng đặt hàng từ Hàn Quốc.

Không chỉ vậy, Phú Bảo, Thời Thanh Bình, Bảo Thạch đều có chiến lược trong xuất khẩu. Như vậy, các công ty dẫn đầu ngành khẩu trang  y tế đều đang tăng tốc theo cách riêng để đón đầu những cơ hội mới sẽ đến trong tương lai không xa.

Viết Nguyên


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới