Toan tính của Masan và VinGroup với thương vụ sáp nhập khủng giữa VinCommerce, VinEco và Masan Consumer

Ảnh: TL
Vingroup muốn tập trung vào Công nghệ và Công nghiệp
Theo nội dung thỏa thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (MCH) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ.
Đây là một động thái khá bất ngờ, khi mà trong một báo mà Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố tháng 9.2019, VinMart đang là thương hiệu thống lĩnh thị trường siêu thị và cửa hàng tiện lợi với tổng số lượng cửa hàng chiếm 53% thị phần, bỏ xa 2 đối thủ nội địa là Bách Hóa Xanh và Co.Opmart.
Vingroup lý giải rằng, giao dịch giúp tập đoàn có thể giải phóng nguồn lực cho hệ thống từ lãnh đạo đến quản trị để tập trung hết sức cho mảng Công nghệ và Công nghiệp. Do vậy, tập đoàn muốn tối ưu hoá mọi nguồn lực Vinfast và VinSmart.
Trước đó, trong tháng 8, Vingroup đã có một số động thái báo hiệu cho những thay đổi tại VinCommerce. Theo đó, một phần tài sản của VinCommerce được tách ra để thành lập 2 công ty mới, là Công ty CP đầu tư kinh doanh và thương mại P&S có vốn điều lệ 50 tỉ đồng, và Công ty CP phát triển thương mại dịch vụ Adayroi với vốn điều lệ 1 tỉ đồng. Sau khi tách, tỉ lệ góp vốn của Vingroup tại Vincommerce, P&S, Adayroi là 64,3%
Và cũng không lâu sau đó, Vingroup đã lại thực hiện thêm một động thái cơ cấu VinCommerce. Cụ thể, "Nhằm mục đích tái cơ cấu sở hữu nội bộ, Tập đoàn Vingroup hiện không sở hữu trực tiếp cổ phần tại Vincommerce, mà sở hữu thông qua công ty con là Công ty CP phát triển thương mại và dịch vụ VCM", văn bản do Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng kí, cho biết. Theo đó, VCM là công ty con vừa được Vingroup thành lập vào ngày 6/8/2019, với vốn điều lệ 1 tỉ đồng. Tỉ lệ góp vốn của Vingroup tại công ty này là 64,3%. Điểm đáng chú ý là sau đó vốn điều liệu của VCM cũng đã tăng nhanh chóng từ 1 tỷ đồng lên 6.437 tỷ đồng.
Trong một giao dịch hồi tháng 9, GIC dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư đã rót 500 triệu USD để mua cổ phần thiểu số tại VCM. Quỹ đầu tư nhà nước Singapore khi ấy đã nói rằng: "Là một nhà đầu tư dài hạn, GIC tin vào sự tăng trưởng của thu nhập khả dụng và sức chi tiêu tiêu dùng tại Việt Nam".
Masan Consumer muốn kiểm soát khả năng bán hàng
![]() |
Với Masan Consumer, thương vụ này được cho là động thái phù hợp với chiến lược của công ty. Chuyên gia Phan Lê Thành Long nhận xét: “Trong giao dịch sáp nhập này, MCH sẽ là bên mua, VCM và VinEco sẽ là bên bán. Xét trên góc độ chiến lược kinh doanh thì có lẽ đây là thương vụ lợi cả đôi bên. VCM cần MCH và MCH cần một hệ thống bán lẻ rộng khắp của VCM. MCH nắm giữ một hệ sinh thái sản xuất và 180.000 điểm phân phối hàng tiêu dùng, nắm những công ty con như Vinacafe Biên Hoà, Nước khoáng Vĩnh Hảo, Masan Meatlife,... VCM có 120 siêu thị và 2.600 cửa hàng tiện lợi. VinEco thì có 30.000ha diện tích đất nông nghiệp”. Ngoài ra, lãnh đạo của Masan gần đây cũng đã chia sẻ rằng các những công ty như Amazon hay Alibaba sẽ thâm nhập thị trường và các doanh nghiệp Việt như Masan sẽ mất đi khả năng bán hàng. Và các nhà bán lẻ, nhà phân phối có thể lấy đi tất cả lợi nhuận. Giờ đây chính nhà sản xuất Masan muốn trở thành người khống chế thị trường đó.
Masan sẽ có thể tận dụng mạng lưới của Vingroup, làm kênh phân phối cho công ty thịt của mình, Masan MEATLife, ông Trần Nhật Trung, nhà phân tích của công ty chứng khoán ACB nói với Bloomberg. Việc sáp nhập sẽ giúp Masan đẩy nhanh sự tăng trưởng của mảng thịt mà không phải phát triển mạng lưới phân phối của riêng mình từ đầu, ông nói thêm.
Trong khi đó, ông Trần Thái Sơn, nhà phân tích mảng tiêu dùng của Rồng Việt, cho hay, MCH khó có thể mở rông mạng lưới nhanh như khi Vingroup còn quản lý, mà sẽ tập trung và các cửa hàng hiện hữu. MCN sẽ phụ trách từ sản xuất đến bán lẻ, có thể sẽ có nhiều sản phẩm nhãn hàng riêng (private label) có biên lợi nhuận cao tại Vinmart hơn. do Vinmart và MCH về cùng 1 nhà, có thể sẽ có những ưu đãi riêng dành cho hàng hóa MCH.
Cùng đồng quan điểm với ông Trung, ông Sơn cũng nhận định rằng: "Kết hợp giữa 2 công ty này còn giúp MCH mở rộng kênh phân phối nhanh hơn với 2.600 siêu thị Vinmart, đặc biệt trong bối cảnh họ đang bắt đầu đẩy mạnh mảng kinh doanh thịt mát (MEATLife). Về phần Vinmart, chuỗi này sẽ có cơ hội đa dạng hóa hơn mảng hàng tươi sống, vốn đang là điểu yếu của chuỗi này so với các chuỗi minimart khác trên thị trường".
Dù vậy, ông Sơn nói thêm rằng: “Về mặt rủi ro, MCH trước giờ là công ty sản xuất, chỉ quen làm việc với các đối tác đại lý phân phối, còn tương tác với người tiêu dùng thì chưa có nhiều kinh nghiệm, mặc dù bộ máy VinCommerce vẫn giữ nguyên. Và MCH sẽ chịu thêm các rủi ro của một nhà bán lẻ”.
Hiện tại, các nhà bán lẻ đang cạnh tranh rất khốc liệt. Riêng mảng bán lẻ của Vingroup, theo báo cáo 9 tháng, đang lỗ 5.000 tỷ đồng, và ông lớn thứ 2 thị trường là Bách Hóa Xanh thì cũng phải dời mục tiêu hòa vốn sang năm sau….Trong khi đó, trong 9 tháng đầu năm, MCH vẫn lãi ròng gần 2.500 tỷ đồng.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
