Vì sao doanh thu Vĩnh Hoàn giảm nhưng lợi nhuận tăng mạnh?
Ảnh: Tin nhanh chứng khoán.
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý I.2019, với doanh thu đạt 1.789 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 1%, tương ứng mức 15 tỷ đồng so với cùng kỳ. Dù vậy, lợi nhuận của VHC lại tăng tới hơn 200% lên mức 307 tỷ đồng.
Theo giới phân tích, một trong những nguyên nhân khiến doanh thu của VHC suy giảm là vì công ty đã không còn hợp nhất kết quả kinh doanh của công ty Vạn Đức Tiền Giang từ quý I.2018.
Cụ thể, vào đầu tháng 2/2018, VHC đã giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty Vạn Đức Tiền Giang xuống còn 35%, chuyển hình thức từ công con sang công ty liên kết. Điều này khiến cho doanh thu của công ty con Vạn Đức Tiền Giang không được ghi nhận vào doanh thu hợp nhất của công ty mẹ.
Theo báo cáo thường niên năm 2017, Vạn Đức Tiền Giang (VĐTG) đóng góp 25,5% doanh thu cho VHC trong năm. Năm 2017, VĐTG có doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng và lãi 178 tỷ đồng.
Khi VHC quyết định bán đi VĐTG, nhiều cổ đông cho rằng, Vĩnh Hoàn đã “bán rẻ” đi một tài sản có thể sinh lời và đang sở hữu nhiều lợi thế. Tuy nhiên, HĐQT Vĩnh Hoàn khi ấy phủ nhận ý kiến đó. “Đây là chiến lược của công ty nhằm củng cố nguồn tài chính để phát triển vùng nuôi cũng như giảm gánh nặng lãi vay. Chúng tôi cũng chỉ muốn tập trung vùng nguyên liệu và sản xuất về khu vực Đồng Tháp như nhà máy Thanh Bình để lấy lợi thế về vị trí", bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn lý giải khi ấy.
Trong báo cáo tài chính quý 1, ngoài việc doanh thu của VHC giảm nhẹ thì có một số vấn đề cần lưu ý đó là giá bán vốn hàng bán giảm tới 11%, hay 182 tỷ đồng, xuống chỉ còn 1.368 tỷ đồng. Chính điều này là nguyên nhân khiến lợi nhuận của VHC tăng mạnh 168 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái, lên 421 tỷ đồng. Dẫn đến lợi nhuận gộp của công ty được cải thiện đáng kể, tăng từ 13,8% lên đến 23,5% so với cùng kỳ quý I/2018.
Ngoài ra, một khoản mục chi phí giảm mạnh là chi phí quản lý giảm tới 54 tỷ đồng so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 45 tỷ đồng. Đây có thể là điều mà ban lãnh đạo VHC đã nói tới, là củng cố nguồn tài chính, vì không còn phải chịu chi phí quản lý của nhà máy Vạn Đức Tiền Giang sau khi trở thành công ty liên kết.
Về bảng cân đối kế toán, chúng ta cũng chứng kiến hai thay đổi. Đó là khoản mục phải thu ngắn hạn từ khách hàng chỉ còn 1.131 tỷ đồng vào, giảm 792 tỷ đồng xuống so với thời điểm đầu năm. Điều này cũng phản ảnh phần nào vào việc tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn tăng hơn 400 tỷ đồng lên 1.024 tỷ đồng.Và hàng tồn kho tăng hơn 300 tỷ đồng lên 1.826 tỷ đồng. Có thể hiểu, VHC sử dụng một phần nguồn tiền thu được để tích lũy thêm tồn kho và động thái tích lũy nguyên liệu diễn ra khi giá đang giảm.
Trong tháng 4.2019 này, Bộ thương mại Mỹ (DOC) cũng sẽ công bố kết luận chính thức của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1.8.2016 -31.7.2017 đối với sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Vì vậy, các doanh nghiệp cá tra đang hồi hộp chờ đợi kết quả cuối cùng. Kết quả này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp trong năm nay.
Trước đó vào tháng 3.2018, bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra quyết định chính thức cho đợt xem xét hành chính cuối cùng về thuế chống bán phá giá lần thứ 13 (POR 13) giai đoạn 1.8.2015 – 31.7.2016. Theo quyết định cuối cùng của DOC khi ấy, VHC hưởng thuế suất 0%, tạo ra lợi thế cạnh tranh của công ty so với các đối thủ khác, và điều đó khiến tình hình kinh doanh của công ty thăng hoa trong năm 2018.
Theo CTCP Chứng khoán KIS, POR 14 sơ bộ giảm từ 3,87 USD/kg xuống 2,39 USD/kg. Nếu kết quả POR 14 cuối cùng khả quan, điều này sẽ khuyến khích các công ty thủy sản Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Mỹ. Khi đó, cuộc chiến giành thị phần sẽ khốc liệt hơn do có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh vào cuộc.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư