Hủy

"Vua cá tra" mắc lưới nợ

Thanh Hương Thứ Tư | 18/04/2018 14:00

 
 
M&A là con đường ngắn nhất và tiết kiệm nhất để Hùng Vương hoàn thành chuỗi khép kín.

Hàn Quốc “dễ chịu” với thủy sản Việt

Thủy sản tăng tốc nhắm đích 8 tỷ USD


Năm 2012, khi công ty thủy sản Bình An đứng trước nguy cơ vỡ nợ, ông chủ của là Dương Ngọc Minh đã “nhờ” Bình An gia công cá tra phi lê để xuất khẩu. Thậm chí, ông Minh còn có công văn đề nghị Thành phố Cần Thơ hỗ trợ giúp Công ty Bình An kiểm soát tình trạng lộn xộn do nông dân đến đòi nợ cá và kiểm soát nguồn tiền trong tài khoản để không bị xiết nợ.

Đến nay, Bình An đã ổn định trở lại thì “vua cá tra” một thời lại đứng bên bờ vực phá sản. Trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2017, Hùng Vương bị lỗ ở cả báo cáo riêng là 224 tỉ đồng và báo cáo hợp nhất cũng lỗ 713 tỉ đồng. Liệu Hùng Vương có trở lại thời hoàng kim?

“Bội thực” vì M&A

Bắt đầu từ một công ty thủy sản nhỏ với vốn điều lệ chỉ 32 tỉ đồng thành lập vào năm 2003, Hùng Vương chỉ mất hơn 10 năm đã hoàn thành chuỗi khép kín bằng phương án tham gia mua bán - sáp nhập (M&A) những công ty trong ngành. Liên tiếp những công ty được mua lại như Công ty Thủy sản An Giang (AGF), Công ty Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF), Thực phẩm Sao Ta (FMC), Thủy sản Tắc Vân (TFC). Chưa dừng lại, Hùng Vương thành lập thêm 2 công ty con khác là Hùng Vương Sông Đốc và Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre.

M&A là con đường ngắn nhất và tiết kiệm nhất để Hùng Vương hoàn thành chuỗi khép kín. Nhưng cũng là bậc thềm ngắn nhất đưa Công ty trở về vạch xuất phát khi đang phải bán các công ty con để trả nợ. Đầu tiên là thoái toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho SSI, đây vốn là con cưng và đang hoạt động hiệu quả nhất trong hệ thống các công ty con của Hùng Vương. Năm 2017, Sao Ta đạt doanh thu cao nhất từ trước đến nay lên tới 144 triệu USD (tương đương hơn 3.200 tỉ đồng); lợi nhuận trước thuế ước đạt 125 tỉ đồng, vượt 25% kế hoạch năm, tăng 60% so với năm trước. Ông Minh cho biết “rất tiếc vì bán Sao Ta đang rất tốt nhưng đây là giải pháp cuối cùng”.

Vừa qua, Hùng Vương đã bán Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng cho công ty con của Tập đoàn Vingroup. Từ ngày về với Hùng Vương, Việt Thắng cũng liên tục vướng vào thua lỗ. Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish) được Hùng Vương thâu tóm thông qua M&A cũng đã có một năm thua lỗ 187 tỉ đồng sau kiểm toán do điều chỉnh tăng chi phí dự phòng khoản phải thu khó đòi từ khách hàng. Trước đó, năm 2015, công ty này cũng bị âm 3 tỉ đồng. Từ ngày về với Hùng Vương, Agifish cũng bị nhiều khách hàng bỏ đi nên hợp đồng càng thiếu. Công ty cũng đang thanh lý một số bất động sản như lô đất 765 Hồng Bàng, 94 Phạm Đình Hổ, TP.HCM và đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.

Còn về những khoản nợ, Công ty dự kiến thỏa thuận với ngân hàng về việc tiếp tục tài trợ nguồn vốn trung và dài hạn để hoàn thành các dự án đang triển khai dở dang. Đồng thời, khoanh nợ và có chính sách ưu đãi lãi suất đối với các khoản nợ hiện tại. Vay nợ đang chiếm hơn một nửa tổng tài sản của Hùng Vương, trong đó chiếm phần lớn là các khoản vay ngắn hạn. Công ty phải trả chi phí lãi vay lên tới 400-500 tỉ đồng mỗi năm trong vài năm gần đây. Hiện tại, những phương án này vẫn chưa giúp cho Hùng Vương thoát nạn.

Nhìn lại chặng đường trước đây, dường như ông Minh đã đoán trước được những khó khăn của ngành cá tra nhưng vẫn không thoát được khó khăn chồng chất. Năm 2014, ông Minh từng trả lời phóng viên Tạp chí NCĐT rằng, thị trường cá tra tại Việt Nam đang bắt đầu bão hòa và cần một hướng đi mới. Lúc đó, Hùng Vương sang thị trường Indonesia liên kết đầu tư sản phẩm để vào hệ thống siêu thị nước này. Sau đó, Công ty này còn sang Nga liên kết với Russia Fish sản xuất và phân phối trực tiếp vào các siêu thị tại đây. 

Thậm chí, ông Minh cũng từng đi khảo sát thị trường Mỹ để mở rộng kênh phân phối... nhưng mấu chốt dẫn đến thua lỗ kéo dài của Hùng Vương lại đến từ hoạt động đầu tư ồ ạt với nguồn vốn vay ngắn hạn, trong khi không lường trước được sự thay đổi từ thị trường trong nước.
 
Dấu chấm hỏi của  ngân hàng 

Tình hình khó khăn của Hùng Vương trong thời gian vừa qua được Công ty lý giải chủ yếu là do thiếu hụt nguyên liệu và chi phí lãi vay cũng như áp lực tài chính từ những dự án xây dựng dở dang. Trong đó, năm 2017 giá xuất khẩu cá tra phi lê tăng không ngừng, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nhưng nguồn nguyên liệu cá đầu vào lại giảm mạnh do nguồn nuôi trong dân gần như không còn, còn nguồn nuôi của Công ty lại không đáp ứng đủ nhu cầu.

Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đã bắt đầu từ năm 2016 và kéo dài đến đầu năm 2018 chưa có dấu hiệu phục hồi. Cũng phải nói thêm, năm 2014 khi giá bán cá trong dân xuống thấp, nhiều hộ dân thua lỗ khiến họ nản lòng treo ao suốt từ đó đến nay. Tại Hùng Vương, dù đã khép kín chuỗi sản xuất với vùng nuôi lớn nhưng cũng chỉ đáp ứng một phần.

 

11 nhà máy của Hùng Vương đều hoạt động cầm chừng, giảm 50% công suất, sản phẩm của Công ty chủ yếu tái chế hàng trong kho để tiếp tục duy trì xuất khẩu, nguyên liệu không đủ trong khi chi phí cố định lại lớn. Thêm vào đó, chi phí trợ cấp cho người lao động trong thời gian tạm ngừng sản xuất làm cho giá sản xuất tăng lên 30%. Giá xuất khẩu dù tăng mạnh nhưng không bù đắp được chi phí sản xuất. đây là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ.

Có lẽ do tham vọng của Hùng Vương đã đẩy công ty này đến những khó khăn hiện tại. Cũng có xuất phát điểm và cũng mở rộng đa ngành như Hùng Vương nhưng khi thấy thị trường nhiều bất ổn, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đã quyết định buông bỏ những lĩnh vực đa ngành như gạo, thức ăn chăn nuôi... để trở về với cốt lõi cá tra, còn Hùng Vương lại ngày càng lấn sâu vào đa ngành khi vay ngân hàng một khoản rất lớn để đầu tư vào chăn nuôi heo.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến chi phí lãi vay. Từ năm 2015 đến cuối năm 2017, Hùng Vương đã triển khai thực hiện các đề án phát triển về chăn nuôi heo theo mô hình công nghệ cao và xây dựng kho lạnh 60.000 pallet vận hành hoàn toàn bằng robot với nguồn vốn vay từ ngân hàng. Thế nhưng, từ giữa năm 2016 đến giữa năm 2017, thịt heo hơi rớt giá thê thảm khiến những doanh nghiệp ngành này bị thua lỗ rất nặng. Ngành chăn nuôi heo của Hùng Vương chưa có đầu ra nên không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng chính nguồn vốn vay để triển khai những dự án này trong thời điểm ngành thủy sản nhiều khó khăn, Công ty lại không có nguồn dự phòng đã đẩy Hùng Vương đến bước đường cùng.

Trong khi đó, những dự án như chăn nuôi heo, bất động sản, kho lạnh... đã hoàn tất đến 80%, nhưng việc giải ngân từ phía ngân hàng lại bị trì hoãn. Có những dự án phải sử dụng hoàn toàn nguồn vốn ngắn hạn của Công ty mà không có sự hỗ trợ nào từ phía ngân hàng cam kết. Tổng số vốn mà phía ngân hàng cam kết tài trợ cho các dự án nói trên là 1.508 tỉ đồng, tương ứng với 70% tổng giá trị đầu tư các dự án, thực tế mới chỉ giải ngân được 484 tỉ đồng, nghĩa là chưa được 1/3 giá trị cam kết.

Tổng số vốn Công ty đã bỏ ra lên đến 640 tỉ đồng, được trích từ nguồn vốn ngắn hạn, với lãi suất bình quân 9%/năm. Điều này gây ra tình trạng mất cân đối vốn nghiêm trọng cho Công ty. Trong khi các dự án còn dở dang chưa thể tạo ra lợi nhuận thì Công ty vẫn phải gồng gánh chi phí lãi vay phát sinh mỗi ngày. Có thể thấy, mặc dù tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn cuối kỳ vào ngày 30.9.2017 đã giảm 969 tỉ đồng so với đầu kỳ, tương đương 11%, nhưng chi phí lãi vay của cả năm 2017 lại tăng đến 8%.

Từ năm 2012 đến nay, sau hàng loạt cuộc chạy trốn của công ty thủy sản để lại một đống nợ cho các ngân hàng thì hầu hết ngân hàng không còn mặn mà với doanh nghiệp thủy sản. Các khoản vay không còn được ưu đãi như trước đây, Hùng Vương cũng nằm trong số được ưu ái vay vốn nhưng nguồn vay ngày càng nhiều và thua lỗ tăng lên khiến ngân hàng dần đặt dấu hỏi và Hùng Vương bỗng chốc bơ vơ. Liệu có ai dang tay ra để giải cứu một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra một thời lừng lẫy như Hùng Vương?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới