Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa Bình và Phát triển TP.HCM: Tâm thế bình đẳng bước ra thế giới
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa Bình và Phát triển TP.HCM. Ảnh: TL.
Rất nhiều người đang học tập, trau dồi ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn để ra nước ngoài làm việc và trở thành công dân toàn cầu. Nhưng trên thực tế, việc trở thành công dân toàn cầu không chỉ cần ngoại ngữ và kiến thức chuyên môn. Văn hóa, tầm nhìn và tâm thế toàn cầu cũng là các yếu tố quyết định. Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa Bình và Phát triển TP.HCM, một trong những nữ lãnh đạo tiên phong trong lĩnh vực đối ngoại với 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Bộ Ngoại giao và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam, chia sẻ với NCĐT về vai trò của công dân toàn cầu trong việc bảo tồn, quảng bá và phát huy văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế như thế nào.
Tư duy và tâm thế toàn cầu
Một người từng đặt chân đến nhiều nước, nói được nhiều thứ tiếng, có công việc ở nước ngoài mặc nhiên được xem là công dân toàn cầu. Theo bà, chúng ta nên hiểu như thế nào về công dân toàn cầu?
Công dân toàn cầu phải có tư duy và tâm thế toàn cầu. Tôi phải nói một cách hơi thẳng như sau: có những người sống ở nước ngoài mấy chục năm, nói tiếng Anh như gió, nhưng họ không hẳn là công dân toàn cầu. Công dân toàn cầu phải có tầm nhìn toàn cầu và tâm thế của một công dân toàn cầu. Những người đi xuất khẩu lao động chân tay thì thiếu điều kiện để làm công dân toàn cầu. Họ có thể sống ở nước ngoài 5-7 năm nhưng họ khó có thể thật sự hiểu về văn hóa bản địa, phong tục của người sở tại. Bước ra thế giới, công dân toàn cầu phải có tâm thế mình không bị lệ thuộc hay là “kẻ ở dưới”. Cái tâm thế vô cùng quan trọng. Giao tiếp với thế giới, chúng ta phải xác lập tư thế bình đẳng.
Ngày nay, có nhiều người trẻ mong muốn trở thành công dân toàn cầu. Theo bà, muốn vậy cần phải làm gì?
Xu hướng muốn trở thành công dân toàn cầu là xu hướng tất yếu. Kinh tế hội nhập thì văn hóa và con người cũng phải hội nhập. Giữa kinh tế, văn hóa và con người luôn có một sợi dây liên kết vừa hữu hình vừa vô hình. Cho nên điều quan trọng là làm sao giới trẻ không chỉ tìm hiểu văn hóa các nước và tiếp thu văn hóa ngoại một cách có chọn lọc mà họ còn phải hiểu rõ văn hóa Việt Nam để có thể trả lời và giới thiệu với bạn bè quốc tế. Tôi thấy hơi phân vân khi giới trẻ ra thế giới chủ yếu đón nhận, ít khi giới thiệu những điều hay của đất nước mình. Chúng ta cũng có nhiều điều hay để chia sẻ với thế giới.
Tôi từng sống ở Pháp nhiều năm. Tôi biết là khi đi nghe opera, nam giới phải mặc áo vest có caravat, nhưng tại Việt Nam tôi thấy có cảnh những cô gái nước ngoài mặc áo 2 dây bước vào chùa. Họ “vô cảm” với văn hóa sở tại. Có lẽ họ không phải là công dân toàn cầu, khi thiếu tôn trọng phong tục của nước đến thăm.
Muốn trở thành công dân toàn cầu, chúng ta phải tìm hiểu giá trị văn hóa xã hội và phong tục của người ta, nhưng ngược lại cũng phải chủ động giới thiệu những giá trị phong tục và văn hóa của mình cho người nước ngoài. Công dân toàn cầu phải như vậy, chứ không phải đơn giản bước ra ngoài mặc đồ hiệu. Công dân toàn cầu phải ở tư thế bình đẳng và tư duy 2 chiều.
Có nhiều năm sống ở nước ngoài và làm công tác đối ngoại trong nhiều năm, bà đã thực hành việc chia sẻ văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế như thế nào?
Tôi nhớ có một giáo sư Mỹ dạy về văn hóa Việt Nam. Vị giáo sư mời tôi giới thiệu một nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam cho nhóm sinh viên Mỹ. Tôi giới thiệu về phong tục thờ cúng ông bà, kỵ giỗ của người Việt. Tôi giải thích từ “ancestor worship” không phù hợp để nói về việc thờ cúng ông bà mà nên nói từ “ancestor commemoration”. Worship là ngôn từ thường gắn với tôn giáo, tín ngưỡng, còn việc thờ cúng ông bà là phong tục của người Việt. Tôi nói với họ đây là một phong tục văn hóa rất quý của dân tộc Việt Nam.
Cái hay ở đây là gì? Trong xã hội phương Tây, họ mất sợi dây vô hình liên kết giữa các thế hệ trong gia đình và dòng họ, là mối quan hệ xuyên thời gian. Chúng ta làm một mâm cúng và thắp hương cho ông bà chứng tỏ chúng ta vẫn nhớ đến nguồn cội qua các thế hệ, chứ không bó hẹp trong gia đình “hạt nhân”. Dòng họ - rộng hơn gia đình và xuyên thế hệ - là một trong những nhân tố giúp người Á Đông ít bị khép kín như gia đình ở các xã hội phương Tây. Sợi dây xuyên thế hệ và nối kết dòng họ này cũng góp phần hạn chế tâm lý cô đơn, ngược lại tạo tâm thế gắn kết (belonging) đôi khi thiếu vắng ở xã hội phương Tây. Sau khi nghe tôi giải thích, họ tỏ ra thích thú.
Giữ gìn bản sắc từ cái tên
Theo bà, người trẻ cần chuẩn bị những năng lực nào để trở thành công dân toàn cầu?
Đó là ngoại ngữ, kiến thức về thế giới, hiểu biết về văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Đặc biệt, giới trẻ cần phải có năng lực phản biện và bảo vệ bản sắc dân tộc của mình. Kỹ năng chất vấn, phản biện của thanh niên Việt Nam còn thiếu, cần phải rèn luyện thêm.
Khác với tiếng Việt, trong tiếng Anh, tiếng Pháp, ngôn ngữ phương Tây nói chung, tên riêng đặt trước họ. Tôi lấy một thí dụ, khi viết họ tên trong văn bản gửi người nước ngoài, tôi thấy một số người trẻ tự ý đảo tên họ của mình để tiện cho khách Tây. Tôi thấy rất khó chịu với việc này. Khách phương Tây không yêu cầu ta làm việc này. Trong giao tiếp với chúng ta, khách phương Tây có đảo tên và họ để tiện cho chúng ta bao giờ đâu? Qua bao nhiêu cuộc tiếp xúc với người nước ngoài, tôi chưa bao giờ “uốn” họ tên mình cả. Nếu cần tôi chỉ nói rõ đâu là họ, đâu là tên riêng. Vì vậy, các bạn trẻ cần vận dụng phương châm “cương nhu” cho phù hợp nhằm vừa đón nhận của bên ngoài vừa gìn giữ bản sắc dân tộc.
Cân bằng cán cân văn hóa
Hình như với mong muốn làm công dân toàn cầu, giới trẻ Việt ngày càng chuộng văn hóa ngoại như Hàn, Nhật. Xin bà cho ý kiến về hiện tượng này?
Thời không mở cửa vấn đề bản sắc ít đặt ra nên mọi thứ cũng đơn giản. Thời mở cửa giao lưu thường xuyên ở mức vừa rộng vừa sâu, vấn đề này cần được quan tâm. Tôi giải thích tại sao vấn đề này cần đặt ra ngay cả ở các nước phát triển.
Giao lưu văn hóa cũng như xuất nhập khẩu phải cân đối. Nhập khẩu quá nhiều và xuất khẩu quá ít thì mất cân đối. Chúng ta luôn phấn đấu để cân bằng cán cân thương mại. Trong giao lưu văn hóa, chúng ta cần phải tạo ra sự cân bằng như thế. Điều này khó chứ không phải dễ.
Chúng ta phải tự trang bị, trau dồi kiến thức văn hóa để xác lập được mức cân bằng tương đối nào đó, chứ không nên để cho văn hóa ngoại du nhập nhiều quá, còn “xuất” về văn hóa Việt thì rất ít. Đó không chỉ là trách nhiệm của cộng đồng người Việt nói chung mà còn của thế hệ trẻ.
Ý thức giữ gìn và bảo tồn văn hóa của người Nhật rất tốt. Tôi cảm thấy hơi buồn khi nhìn lại lễ hội cung đình xứ Huế. Trong một lần tôi dự lễ hội múa truyền thống, các nghệ nhân múa mặc áo không ủi phẳng, chất liệu vải rẻ tiền. Muốn tái tạo phong cách cung đình thì đòi hỏi nghiêm túc hơn. Trong lúc đó, các lễ hội của Nhật thì rất chỉn chu, tinh vi trong từng chi tiết. Kể cả người khiêng kiệu, họ cũng ăn mặc chỉn chu từ đầu đến chân. Cho nên tôi thấy sự chỉn chu trong việc giữ gìn và giới thiệu văn hóa truyền thống của ta chưa đạt. Những người tổ chức lễ hội cần phải học hỏi và nghiên cứu kỹ trước khi triển khai lễ hội. Múa hát cung đình Huế phải ra cung đình chứ cung đình mà ăn mặc chưa chuẩn như vậy thì không nên. Vì vậy, tôi thấy cách làm của người Nhật rất đáng để học hỏi. Trong văn hóa di sản, chúng ta dễ dãi, xuề xòa thì rất đáng tiếc.
Khác với Nhật, Hàn Quốc xông pha vào hiện đại một cách rất ấn tượng và thành công. Thành công của họ về công nghiệp giải trí thì khỏi phải nói và bây giờ họ tấn công vào lĩnh vực phim ảnh. Nhưng Việt Nam có nên làm theo Hàn Quốc hay không? Việt Nam theo tôi đang nằm giữa 2 tiểu khu văn hóa, tiểu khu Đông Bắc Á và tiểu khu Đông Nam Á nên chúng ta ở thế rất đặc biệt. Nếu Nhật rất chỉn chu và tinh tế, thì ta lại có nét Đông Nam Á rất gần gũi, sống động và đa dạng.
Khi hướng tới làm công dân toàn cầu, chúng ta, kể cả các bạn trẻ, cần xác định và tự tin giới thiệu những nét nổi trội tốt đẹp của văn hóa Việt Nam để tạo nên sự hiểu biết và thiện cảm của khách nước ngoài và thế giới bên ngoài.
Có thể bạn quan tâm:
Bà Nguyễn Thị Trà My, CEO Tập đoàn PAN: “Nghĩ lành & làm vững”
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư