Giải mã Amancio Ortega
La Coruña - thành phố của những người trung lưu, chỉ 246.000 dân thuộc tỉnh ven biển Galicia ở Tây Ban Nha - là nơi ẩn dật của người đàn ông giàu thứ ba thế giới, Amancio Ortega Gaona.
Mặc dù rất giàu, nhưng hầu như chẳng ai nghe đến tên tuổi của ông. Vì ông muốn như thế. Xưa nay ông luôn lẩn tránh giới truyền thông và tránh xuất hiện trước công chúng. Thậm chí, mãi đến năm 1999, bức hình đầu tiên về Ortega mới được đăng tải.
Mặc dù xa rời ánh đèn hoa lệ của các thủ đô thời trang Paris, Milan và New York nhưng Ortega lại là người đã xây dựng nên đế chế bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới, trải khắp hơn 80 quốc gia. Đó là Zara, chuỗi cửa hàng thời trang con cưng của Tập đoàn Inditex do Ortega sáng lập cách đây 40 năm.
Ortega xây dựng đế chế dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: mang đến cho khách hàng cái họ muốn và mang đến cho họ nhanh hơn bất kỳ người nào khác. Chỉ cần 2 tuần là Zara có thể phát triển một sản phẩm mới và đưa nó vào các cửa hàng, so với mức trung bình 6 tháng của ngành thời trang. Tính sơ sơ Zara tung ra chỉ khoảng… 10.000 mẫu mới mỗi năm.
Hai nguyên tắc này là bí quyết làm nên thành công của Inditext và ông chủ Ortega. “Hầu như không có công ty nào có thể cạnh tranh được với Inditex lúc này. Công ty gần như đang ganh đua với chính mình, chứ không phải với các đối thủ”, Christodoulos Chaviaras, chuyên gia phân tích bán lẻ tại Barclays Capital tại London, nhận xét.
Ortega đã xây dựng đế chế của mình như thế nào?
Từ hai bàn tay trắng
Tây Ban Nha có thể đang trải qua cuộc suy thoái lớn nhất trong lịch sử đất nước mình khi tỉ lệ thất nghiệp đã lên tới 24% cùng với khoản nợ công khổng lồ. Thanh niên độ tuổi 20 - đối tượng khách hàng chính của Zara - đang bị thất nghiệp tới hơn 50%, gấp đôi tỉ lệ thất nghiệp trung bình của cả nước. Nỗi đau kinh tế của Tây Ban Nha đang quét khắp La Coruña khi hàng chục cửa hàng tại đây đã phải đóng cửa. Thế nhưng, trong lòng Inditex, cuộc khủng hoảng dường như chưa hề tồn tại.
Hồi tháng 12 vừa qua, Tổng Giám đốc Pablo Isla của Inditex cho biết doanh thu đã tăng 17% trong 9 tháng đầu năm, lên 14,6 tỉ USD, trong khi lợi nhuận ròng đạt 2,71 tỉ USD, bằng với năm 2010. Cho đến nay, tốc độ tăng trưởng của Inditex vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Inditex sản xuất 835.000 sản phẩm may mặc trong năm 2011. Tính trung bình mỗi ngày có một cửa hàng Zara mới ra đời. Cửa hàng thứ 6.000 của Inditex vừa mới được khai trương trên phố Oxford của London. Hiện nay, tại Mỹ Zara có 46 cửa hàng, 347 tại Trung Quốc và 1.938 ở Tây Ban Nha và những nơi khác trên thế giới. Ortega hiện là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn với số cổ phần nắm giữ hơn 59%. Hồi tháng 7.2012, ông đã qua mặt tỉ phú Warren Buffett trở thành người đàn ông giàu thứ ba thế giới chỉ sau Carlos Slim Helú và Bill Gates. Tài sản ròng của Ortega hiện lên tới 56 tỉ USD.
Ortega đã tạo nên lượng tài sản đồ sộ từ 2 bàn tay trắng. Là con nhỏ nhất trong một gia đình có 4 người con, Ortega sinh ra tại Busdongo de Arbas, một ngôi làng nhỏ chỉ 60 người sinh sống tại miền Bắc Tây Ban Nha vào năm 1939, ngay khi cuộc nội chiến Tây Ban Nha nổ ra. Gia đình ông nhờ vào đồng lương ít ỏi từ công việc đường sắt của cha ông trong khi mẹ ông là một hầu gái.
Khi Ortega còn nhỏ, gia đình đã chuyển đến định cư tại La Coruña. Cả gia đình sống trong một dãy nhà dành cho công nhân đường sắt dọc theo đường ray xe lửa. Ortega có lẽ đã theo cha làm ngành đường sắt nếu không có một buổi tối định mệnh. Khi từ trường về nhà, ông và mẹ đã dừng lại một cửa hàng nhỏ. “Ông nghe mẹ năn nỉ người bán hàng cho mua chịu, nhưng người đó không cho”, Covadonga O’Shea, một người bạn lâu năm của gia đình Ortega, hiện điều hành trường kinh doanh thời trang tại Đại học Navarra ở Madrid, nhớ lại. O’Shea là người đã viết cuốn tiểu sử về Ortega: “The man from Zara” (Người Đàn Ông từ Zara). “Ông ấy cảm thấy quá nhục nhã. Và ông quyết định không đi học nữa”, O’Shea nói.
Chỉ mới mười mấy tuổi đầu, Ortega đã xin phụ việc tại một cơ sở sản xuất áo sơ mi trong vùng, tên gọi là Gala. Năm 16 tuổi, Ortega đi đến kết luận rằng chỉ có thể kiếm được tiền thực sự bằng cách mang đến cho khách hàng chính xác điều họ muốn và một cách nhanh chóng, chứ không phải cứ có sẵn hàng để đó với hy vọng sẽ bán được hàng.
Để làm được điều này, ông cần phải biết được khách hàng muốn gì và kiểm soát chuỗi cung ứng. Ortega đã có một môi trường rất lý tưởng: Galacia. Nơi này có rất ít cơ hội việc làm. Hàng ngàn người đàn ông ra biển, bỏ lại vợ con ở nhà. “Vì thế, những người phụ nữ tại đây sẵn sàng làm bất cứ việc gì để kiếm được chút tiền. Và họ rất giỏi may vá”, nhà báo Xabier R. Blanco, đồng tác giả cuốn sách “Amancio Ortega: From Zero to Zara”, nói.
Ortega bắt đầu đưa hàng ngàn phụ nữ tại đây vào các hợp tác xã may mặc. Ông giám sát quá trình sản xuất áo choàng tắm cho công ty đầu tiên của ông - GOA. Mercedes López làm việc cho Ortega lúc cô chỉ 14 tuổi, cho biết hầu như ai cũng rất phấn khích vì điều kiện làm việc ở đây rất tốt. Nay López đã 52 tuổi, là đại diện liên hiệp dệt tại Inditex. “Chúng tôi biết Amancio rất rõ, ông ấy rất gần gũi với công nhân”, bà nói.
Ortega điều hành khâu thiết kế, anh trai Antonio đứng đầu bộ phận thương mại và chị gái Josefa thì lo sổ sách. Công ty tự vận chuyển nguyên liệu dệt từ Barcelona, chứ không nhờ trung gian.
Khi có đủ tiền, Ortega mở cửa hàng nằm ở mặt tiền đường đầu tiên vào năm 1975 và đặt tên là Zara. Ngay từ buổi đầu, ông đã xem tốc độ là động lực chính cho sự thành công của cửa hàng và đến nay, đó vẫn là phương châm của ông. Các cửa hàng Zara thay hàng mới cứ 2 lần mỗi tuần, nhận và xử lý đơn hàng tối đa chỉ trong 48 giờ. Ortega áp dụng luật 48 giờ ngay từ thập niên 1970.
Phải mất 10 năm Ortega mới thành lập được Tập đoàn Inditex và mở cửa hàng đầu tiên ở nước ngoài tại Bồ Đào Nha, nơi có lực lượng lao động rẻ hơn Tây Ban Nha. Đến cuối thập niên 1980, ông đưa Zara bước chân vào các thủ phủ thời trang là New York và Paris. Cứ thế, các cửa hàng của Zara liên tục sinh sôi khắp châu Âu. Quá trình phát triển khắp châu lục này đã diễn ra mạnh mẽ trong thập niên 1990.
Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế Tây Ban Nha đang đình trệ, kinh tế thế giới ảm đạm, liệu Ortega duy trì tốc độ bành trướng của Zara được bao lâu nữa? Trong khi châu Âu đang suy thoái, Ortega đã mở thêm cửa hàng Zara ở Mỹ và châu Á, với việc khai trương cửa hàng tại đại lộ Fifth Avenue, New York vào năm ngoái và tung ra Zara.com tại Trung Quốc hồi tháng 9.2012.
Con người giản dị
Mặc dù thương hiệu Zara có mặt khắp nơi trên thế giới, nhưng phần lớn hoạt động sản xuất vẫn được Ortega giữ ở quê nhà.
Tại nhà máy của Ortega ở Tây Ban Nha, hàng trăm nhà thiết kế, chuyên viên phân tích bán hàng làm việc với tốc độ khủng khiếp: Các nhà thiết kế tạo ra khoảng 3 mẫu mới mỗi ngày và các thợ ráp mẫu sẽ tạo ra một nguyên bản từ mỗi mẫu mới đó. Làm việc cùng với họ là các chuyên gia phân tích bán hàng. Họ thông thuộc thị hiếu tiêu dùng mỗi vùng nhờ phân tích báo cáo từ các nhà quản lý cửa hàng của Zara, từ đó xem mặt hàng nào đang bán chạy và khách hàng đang tìm kiếm cái gì.
Các nhân viên của Zara cho biết cảm hứng về mẫu mã sản phẩm mới đến từ khắp mọi nơi: từ đường phố, câu lạc bộ, quán bar cho đến cả nhà hàng. Mỗi người đều được huấn luyện và đào tạo chuyên nghiệp để có thể để mắt đến mọi động tĩnh của người tiêu dùng, xem thử họ đang mặc gì, giống như việc Ortega đã làm trong hàng thập kỷ qua.
Ortega còn có một đội ngũ quản lý trang web Zara.com. Tại đây, các màn hình điều khiển được kết nối bằng webcam với các văn phòng tại Thượng Hải, Tokyo và New York. Chúng đóng vai trò như các kênh “bắt sóng” những xu hướng thời trang mới. Loreta García, người đã làm cho Inditex được 23 năm và đang phụ trách bộ phận các xu hướng thời trang của Zara Woman, cho biết Ortega luôn bị ám ảnh bởi việc làm thế nào để dò tìm được thị hiếu tiêu dùng mới. “Chúng tôi chưa bao giờ đến các buổi biểu diễn thời trang mà chỉ theo dõi xem các blogger viết gì, lắng nghe khách hàng của mình. Tuy nhiên, chúng tôi thay đổi mẫu mã mới liên tục. Vì những cái gì là thời thượng hôm nay thì chỉ 2 tuần sau đã trở nên lỗi thời”, García nói.
Giữ cho guồng máy tại Zara vận hành trơn tru là bộ phận hậu cần. Đây được xem là bộ phận cốt yếu của Tập đoàn vì nó giúp cho hàng hóa sản xuất ra có thể đi với tốc độ kỷ lục đến mọi cửa hàng Zara trên thế giới. Hàng giao đến châu Âu, Trung Đông và các bang của Mỹ chỉ mất tối đa 24 giờ và chừng 48 giờ để chuyển đến châu Á và Mỹ Latinh.
Mặc dù Ortega chính thức giao quyền cho Tổng Giám đốc Pablo Isla vào tháng 7.2011, nhưng ông vẫn là nhạc trưởng. Điều đáng ngạc nhiên là Ortega chưa từng có văn phòng riêng. Thậm chí bây giờ, người đàn ông giàu thứ ba thế giới vẫn còn ngồi làm việc tại cái bàn đặt ngay cuối khoảng không gian làm việc trống trải ở văn phòng Zara Woman. García cho biết nhân viên mới rất ngạc nhiên khi thấy Ortega rất thường xuyên bàn chuyện với họ về màu sắc và xu hướng thời trang.
Khi được hỏi di sản Ortega sẽ để lại tại Inditex là gì, Tổng Giám đốc Isla trả lời đơn giản: “Đó là tinh thần khởi nghiệp, tự phê bình, tự ganh đua với chính mình và văn hóa: “trong công ty, ai cũng như nhau”.
Hiện nay, Ortega sống trong một ngôi nhà hướng ra biển tại La Coruña trên một con đường rất đông đúc. Ông ăn sáng rất đơn giản, chỉ với trứng và cá bột, cùng với bạn bè ở La Coruña. Cuối tuần, ông về ngôi nhà ở thôn quê, nơi ông nuôi gà và dê và gặp con cái. Ông hiếm khi nào rời xa quê nhà vì sợ đi... máy bay. Antonio Grandío Dopico, Giáo sư Kinh tế tại Đại học La Coruña, cho biết người bạn già của ông có triết lý sống rất đơn giản: “Hãy cứ bình thường”. Nhưng rõ ràng không có gì là bình thường về con người và sự nghiệp của Ortega.
(Theo Fortune)
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Quảng Định
-
Nguyễn Hằng
-
Lam Nhi
-
Andreas Kaplan (Bảo Hân ghi)